Sài Gòn sống và yêu: Hào Sĩ Phường, chuyện đời trăm năm về con hẻm nhỏ

Hào Sĩ Phường tách biệt hoàn toàn với khung cảnh xô bồ, náo nhiệt của đường phố Sài Gòn. Con hẻm đậm chất Hong Kong xuất hiện cách đây hơn trăm năm với những căn nhà kiến trúc độc đáo cùng nếp sống giản dị của người Hoa.

Hẻm Hào Sĩ Phường được thiết kế theo lối chung cư cũ, gồm hai tầng với lối kiến trúc cổ kính, hiện đại đan xen lẫn nhau. Hiện tại, hẻm Hào Sĩ Phường là nơi sinh sống chung của cộng đồng người Hoa và người Việt, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều những đặc trưng trong văn hoá Trung Hoa tại con hẻm này.

Sài Gòn – TPHCM với hành trình hơn 300 năm hình thành và phát triển, chắc chắn sẽ có rất nhiều điều thú vị để kể. Người ta đến và dừng chân chốn này qua những đổi thay của thời cuộc, mỗi bận như thế lại điểm thêm cho Sài Gòn những màu sắc mới, những thanh âm lạ lẫm. Sài Gòn đón nhận tất cả bằng tấm lòng hào sảng, cứ thể tạo nên một đô thị đa mang, giàu tình nghĩa.

Sài Gòn có nhiều chốn để đi, mong rằng một lần bạn sẽ vô tình, đủ duyên dừng chân tại một con hẻm nhỏ giữa trung tâm quận 5 sầm uất, với tên gọi đầy thú vị – Hẻm Hào Sĩ Phường.

Hào Sĩ Phường tách biệt hoàn toàn với khung cảnh xô bồ, náo nhiệt của đường phố Sài Gòn.

Tọa lạc trên hai mặt tiền đường của quận 5, là đường Trần Hưng Đạo và đường Ngô Quyền, cách để người ta nhận ra hẻm Hào Sĩ Phường không phải là chuyện dễ, một bảng hiệu sờn phai cùng ba chữ Hào Sĩ Phường được viết đơn giản bằng song ngữ Việt Hoa, chỉ thế, bước qua chiếc bảng đơn sơ là một thế giới rất khác, một người theo lối sống lãng mạn chắc sẽ gọi đây là “chốn – bình - yên”

Theo nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết, trước kia, hẻm Hào Sĩ Phường thuộc quyền sở hữu của đại gia Hứa Bổn Hòa hay còn gọi là chú Hỏa. Những căn nhà trong hẻm đều do ông Hứa Bổn Hoà xây dựng và cho thuê lại từ năm 1910. Cái tên Hào Sĩ Phường cũng do chính ông đặt cho con hẻm.  Tuy nhiên, cũng có cách lý giải khác về tên Hào Sĩ Phường, xuất xứ từ nghề nghiệp của cư dân trong hẻm. Trước đây, những con hẻm mang văn hóa Trung Hoa thường được đặt tên theo người chủ và hay sử dụng những chữ cuối như Lý, Hạng, Phường. Trong đó, phường quy tụ người lao động làm chung một nghề hoặc chung một ông chủ. Khi đó, hẻm Hào Sĩ Phường là nơi ở của những công nhân làm nghề chế tạo xà bông cho một ông chủ tên là Hào Sĩ. 

Hẻm Hào Sĩ Phường được thiết kế theo lối chung cư cũ, gồm hai tầng với lối kiến trúc cổ kính, hiện đại đan xen lẫn nhau.

Chạm chân vào “vùng đất” mang tên Hào Sĩ Phường, người ta bỗng cảm thấy ngỡ ngàng như đang ở một thế giới khác, con hẻm đậm chất Hong Kong với những căn nhà kiến trúc độc đáo cùng nếp sống giản dị của người Hoa. Ban đầu các căn hộ ở đây có màu vàng nhưng theo thời gian các mảng tường bị bong tróc nên nhiều hộ dân đã tự sơn sửa lại.

Ngoài ra, các song sắt dọc lan can cũng được sơn màu xanh cobalt kết hợp cùng phần mái uốn lượn tạo nên một khung cảnh cổ kính và yên bình. Khu chung cư 2 tầng, hành lang hẹp, từng căn nhà nhỏ nằm cạnh và nương náu cho nhau, không quá lời nếu xem đây là một bức tranh đầy dư vị, nơi để người ta ngó về những ngày cũ với trái tim nửa luyến tiếc nửa yêu thương. 


Vào một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến Hào Sĩ Phường và kinh qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ dè dặt bẽn lẽn đến dạn dĩ, thân thương. Đang lang thang vỡ òa vì những điều lạ lẫm, chúng tôi bắt gặp anh Sang đang ngồi ở hành lang lầu 1 trước cửa nhà mình, đăm chiêu nhìn về phía đường Ngô Quyền.

Sau những lời chào hỏi từ những cá nhân xa lạ, anh Sang nhẹ nhàng, cởi mở chia sẻ: "Từ lúc anh sinh ra đến giờ là 35 năm rồi, trước đó thì có ông nội, ông cố ở. Đa số người ở đây là người Hoa, họ ở đây từ rất lâu rồi. Ở đây cùng xuống cấp nên người ta có sơn sửa phía trước ban công, nhà anh thì vẫn để như vậy vì ông nội không cho sửa, muốn giữ nguyên hiện trạng, nên trông nó cũ hơn những nhà khác. Ở đây mọi người không vội vã, yên bình, thoải mái. Dân ở đây dễ chịu, hòa đồng, đón nhận mọi người từ nơi khác đến, chia sẻ, giúp đỡ nhau tận tình".

Tạm biệt anh Sang, chúng tôi di chuyển vào phía trung tâm của hẻm Hào Sĩ Phường, đi dọc hành lang nhìn và cảm những kiến trúc cổ sờn, chúng tôi bắt gặp quán cà phê Ba Lù hơn 60 năm trong truyền thuyết mà người đời vẫn kháo nhau, khẽ gật đầu chào cô chủ quán với vẻ ngoài từng trải, chúng ta tiếp tục hành trình khám phá con hẻm cổ trăm năm với tâm trạng đầy háo hức.

Đi thêm chừng 5 bước chân, chúng tôi gặp chị Huệ - người phụ nữ ngoài 50, theo chồng về đây sinh sống độ 30 năm trở lại, chị Huệ chia sẻ: "Chồng tôi với má chồng tôi dọn lại đây là hơn 60 năm rồi. Ở đây người hoa nhiều, hồi đó người Hoa không đó, giờ có thêm người Việt nữa. Ở đây nhà cửa sửa nhiều rồi, có hai ba căn nhà còn cổ nữa, nhà cổ, lâu nên là có nhiều người vô đây tham quan. Hồi đó 6h mấy chiều mọi người ăn cơm là ra trước cửa nói chuyện với nhau vui lắm, giờ người cũ đã già, người trẻ thì có những nếp sinh hoạt mới". 


Một chút tiếc nuối về ngày cũ, chúng tôi cảm nhận như thế qua lời kể của chị Huệ. Thời gian trôi, mọi thứ thay đổi để phát triển, để lại những quá khứ xưa cũ mang đầy ắp dáng vẻ thân thương. Bước chân vào “thế giới” Hào Sĩ Phường, bên cạnh sự lạ lẫm về lối kiến trúc nhà cửa, một điều nữa khiến chúng tôi ấn tượng là vẻ hiền lành pha chút nhút nhát của người dân nơi đây, bởi đa phần họ đều chấp niệm nghĩ “tiếng Việt chưa rành, khó hiểu nhau và khó sẻ chia”.

Tất nhiên đó chỉ là phương diện giao tiếp sâu, còn lại họ vẫn rất nhiệt thành đón chào khách vãng lai tứ phía.

Nhìn từ trên cao xuống, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà nhỏ, chính xác hơn là một tiệm tạp hóa với vài thứ nhu yếu phẩm.

Tiến dần về phía mục tiêu, mạnh dạn kêu cửa, chào đón chúng tôi là chị Ái – người phụ nữ hiền lành, ngoài 50 năm, sinh ra và lớn lên trong chính con hẻm trăm năm, chị Ái tạm gác lại công việc đang dang dở, tiếp chuyện cùng chúng tôi, chị nói: "Qua ba bốn đời rồi đó. Đâu có thay đổi gì nhiều, bà nội từ Trung Quốc qua đây, rồi có ba, có mình rồi mình có cháu nữa. Chị không biết chữ Việt, biết chữ Hoa, nói tiếng Việt. Nhà chị có sửa rồi tại nó bị mối ăn, mục hết, phải sửa lại".

Một điều nữa mà một người hời hợt nhất khi bước vào Hào Sĩ Phường cũng phải để mắt tới chính là cách các ngôi nhà được trang trí, là những chiếc đèn lồng đỏ bằng giấy, là khu vực thờ phụng chỉn chu trang nghiêm, là những câu lộc phúc được dán phía trên cao nơi cửa ra vào, chị Ái kể thêm với chúng tôi về chi tiết thú vị này: "Cúng ngày tết, thanh nh, rồi mùng 5 tháng 5, rồi trùng cửu tháng 9. Dán chữ gia đình bình an, vạn sự như ý, mã đáo thành công. Tới mình còn làm thôi, không biết sau này mấy đứa nhỏ có làm không nữa".

Hẻm Hào Sĩ Phường hơn trăm năm tọa lạc giữa Sài Gòn, thật đáng quý vì vẫn giữ được cái tôi ngày cũ, vẫn nồng hậu, chân thành và bình dị. Chúng tôi vẫn nhớ rõ tiếng gà gáy, tiếng chim hót, nhớ cái cảnh người ta giao tiếp với nhau bằng thanh âm đặc trưng của dân tộc Hoa, nhớ những cầu thang cũ với lối bố trí chẳng giống nơi nào mình từng thấy, nhớ cái quán cà phê nép dưới chân cầu thang với chiếc tủ kính đặt trên bàn gỗ, cạnh đó là ba bộ bàn ghế nhựa chốn dân dã thường dùng, nhớ quán hủ tiểu tàu ngay con hẻm cụt nườm nượp người vào ra.

Cảm ơn vì giữa Sài Gòn hoa lệ có một Hào Sĩ Phương với chất liệu định vị quá rõ ràng. Tương lai chắc sẽ nhiều thay đổi, bởi thời gian chẳng cố ý nhưng những điều đã cũ khó lòng còn toàn vẹn. Hy vọng ai đó khi nghe về Hào Sĩ Phường sẽ cảm thấy thích thú và cố gắng thu vén thời gian để một lần được trải nghiệm nơi này, để trong tiềm thức có sự hiện diện về một nơi bình yên giữa Sài Gòn hối hả.  

SỐNG Ở SÀI GÒN

Một con đường ở Sài Gòn - TPHCM có trăm cái hẻm bát quái, mà ở Sài Gòn thì có đến hàng trăm con đường với hàng trăm cái tên, sao mà nhớ nỗi! Đôi khi đang lưu thông trên đường đến một ngã ba, ngã tư không biết phải rẽ vào đâu thì người ta tìm tới là bất cứ ai đang đứng gần mình, đặc biệt là các bác xe ôm, người dân địa phương hay CSGT.

Có nhiều người rất tận tình chỉ dẫn, thậm chí còn đi cùng một đoạn đường, dù cho họ không thuận đường. Chuyện hỏi đường và chỉ đường từ lâu đã trở thành văn hoá giao thông nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Câu chuyện ấy cũng toát lên tính cách cởi mở, nhiệt thành của người dân Sài Gòn phố thị.

Chuyện hỏi đường và chỉ đường từ lâu đã trở thành văn hoá giao thông nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Còn nhớ cách đây 10 năm có một cậu sinh viên chân ướt, chân ráo lên Sài Gòn theo đuổi ước mơ. Hành trang mang theo là mớ kiến thức tích lũy suốt 12 năm đèn sách cùng câu nói của Cha Má “Ở thành phố không như quê mình, đi một đường nhưng lại về một ngả, không biết đường thì hỏi, đường đi ở trong ệng mình nha con".

Những ngày đầu ở Sài Gòn – TPHCM tôi choáng ngợp với bao điều mới lạ, nhà cao cửa rộng, đường to mà ai cũng thơm tho nhìn ai cũng sang chảnh hết, thèm cái gì cũng có mà không có là không phải Sài Gòn. Người xe như mắc cửi, đèn giao thông, biển báo thì nhiều đến hoa mắt.

Trên chiếc xe máy, tôi chầm chậm hòa vào dòng người đông đúc và liên tục giật mình bởi những tiếng còi xe đột ngột. Với gương mặt "nhà quê lên tỉnh", tôi lí nhí hỏi thăm bác xe ôm đang đậu xe ngay góc ngã tư. Bác chỉ đường cho tôi và dặn dò đi đứng cẩn thận, rồi dặn với theo: "Nè nhỏ, đường Đinh Tiên Hoàng là đường một chiều chỉ có chỗ trường Nhân văn là hai chiều thôi, muốn về thì hỏi tiếp người ta chỉ cho nhen!". Cứ thế, từ cụ bà bán hàng rong hay cụ ông đang ngồi quán nước đến các cô chú, anh chị đang đi trên đường, thậm chí các em học sinh đều là những "tấm bản đồ sống" đã chỉ dẫn mọi nẻo đường tôi bước chân qua.

Nghĩ lại Cha Má tôi nói đúng “Đường đi ở trong ệng mình” nhưng tôi cũng đúc kết cho mình được kinh nghiệm “đường đi ở trong mắt” nữa. Vào giờ cao điểm, các giao lộ thường kẹt xe, phải nhích từng chút một.

Chính lúc đó, tôi “chặt” hẻm như người Sài Gòn đã thuộc lòng những ngõ ngách và rồi tôi như lạc vào mê cung nào là hẻm dọc ngang. Hẻm nọ nối hẻm kia. Hẻm rộng hẻm hẹp. Có con hẻm chỉ rộng chừng 1m, thấy xe chạy ngược chiều từ đằng xa thì một trong hai xe phải tránh vào góc ngã ba gần đó hoặc nép sát tường để xe còn lại đi qua. Chạy theo dòng người mê mải xuyên qua các con hẻm ngoằn ngoèo, quanh co một lúc là thể nào tôi cũng ra được đường lớn. Thế mới hay chứ!

Nhưng đôi khi tôi cũng thất vọng với chính đôi mắt của mình. Đó là khi tôi theo mấy chiếc xe máy chạy một mạch thẳng tới nhà của họ. Hết đường! Thế là lại nhờ chính vị gia chủ ấy chỉ cho đường ra, đôi khi họ còn nhiệt tình quay đầu xe dẫn tôi ngược trở ra với lý do: "Con hẻm này chưa quen dễ bị lạc lắm, lòng vòng mất thời gian, để tôi dẫn cho ra". Nhưng giờ đa số con hẻm đã xuất hiện bảng chỉ dẫn sẽ thông ra đường nào, hoặc lưu ý về hẻm cụt và tôi cũng đã thuộc nằm lòng đường ngang ngõ tắt ở cái xứ này rồi. Tôi đã là một phần của Sài Gòn, lại chỉ đường, lại dẫn đường cho người mới đến.

Chớp mắt một cái tôi đã sống ở TPHCM được10 năm,  không phải là chưa bao giờ tôi gặp chuyện xấu, nhưng chắc chỉ 1% xui xẻo trong 99% sự thiện lương, tốt bụng và bao dung. Hi vọng 10 năm tới và những năm sau nữa khi nhắc về Sài Gòn - TPHCM người ta sẽ không cần quá nhiều mỹ từ. Bởi người Sài Gòn nổi tiếng là nghĩa tình, rộng rãi. Sống ở Sài Gòn, bạn sẽ không bao giờ lạc đường, bởi đâu đâu bạn cũng sẽ được người Sài Gòn hăm hở chỉ đường cho. Thậm chí còn chỉ đường một cách tận tình.

Người ta vẫn nói vui rằng: “Cái chốn thành phố hoa lệ này gì đâu mà cứ sơ hở là tốt bụng, giúp đỡ nhau vậy đó”! Rồi từ cảm giác chối bỏ, khó chịu, tự nhiên tôi thương nó như thương nhà mình. Chú bảo vệ, anh giao hàng, cô bán rau, chị bán cá… những người tôi chưa kịp nhớ mặt, hỏi tên nhưng luôn là một phần ký ức tươi đẹp, để nhắc nhớ rằng thành phố mang tên Bác đã yêu thương, bao dung và chia sẻ với tôi như thế nào!  

TIN YÊU

# Mới đây, tại Nhà hát TPHCM, Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất (HIFF 2024) do UBND TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt, hứa hẹn mang đến cho công chúng những trải nghiệm điện ảnh độc đáo và ấn tượng xuyên suốt từ nay đến ngày 13/4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa cho ông Kim Dong Ho và NSND Đào Bá Sơn - hai chủ tịch danh dự HIFF và đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - giám đốc nghệ thuật cùng đạo diễn Aaron Toronto - phó giám đốc nghệ thuật HIFF - Ảnh: Tuổi trẻ

Thảm đỏ khai mạc LHP Quốc tế TPHCM vô cùng nhộn nhịp với sự góp mặt của không chỉ những tên tuổi hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, mà còn là sự hiện diễn của những tên tuổi lớn trong ngành điện ảnh quốc tế. Bên cạnh các suất chiếu phim, HIFF 2024 còn tổ chức nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như hội thảo, triển lãm, giao lưu với các nhà làm phim... nhằm tạo cơ hội để công chúng được tìm hiểu sâu hơn về ngành công nghiệp điện ảnh.

# Sở Công Thương TP.HCM cho biết Thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 - Tết Ất Tỵ 2025. Thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2025.

Theo đó, chương trình duy trì mục tiêu chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 trên địa bàn TP.HCM thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia. Theo đăng ký từ các doanh nghiệp, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4 - 6% so năm 2023; chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.

# Vừa qua, Công an phường Võ Thị Sáu (CAP.VTS) phối hợp cùng Ủy ban nhân dân phường Võ Thị Sáu (UBND P.VTS), Quận 3 tổ chức lễ ra mắt mô hình tự quản về an ninh trật tự 'Tổ nhân dân tuần tra' trên địa bàn phường. Mô hình "Tổ nhân dân tuần tra" tại P.VTS là mô hình thứ 3 được thành lập tại Q3 (sau phường 2 và phường 5).

Đây là lực lượng do Công an phường tham mưu chấm chọn từ những quần chúng nhân dân có nguyện vọng sở thích, sở trường, cùng lực lượng Công an tuần tra xử lý các đối tượng có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hoạt động được triển khai nhằm phát huy tinh thần đoàn kết trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong quần chúng nhân dân, tạo điều kiện để người dân phát huy tính dân chủ ngay tại địa bàn cơ sở, được trực tiếp tham gia vào các hoạt động nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, tuyên truyền,... góp phần đảm bảo an toàn, bình yên cho nhân dân trên địa bàn.