Sài Gòn sống và yêu: Chuyện về ngã tư Bảy Hiền ngày cũ

Ngã Tư Bảy Hiền là khu vực giao thông quan trọng của phía Tây Bắc, Sài Gòn - TPHCM. Đây là một trong những nút lưu thông liên kết với nhiều quận tại thành phố. Hiện nay, Ngã Tư Bảy Hiền là nút giao thông quan trọng và thường đông kín người vào những giờ tan tầm.

Có bao giờ bạn thắc mắc về tên gọi của một ngã tư mình vẫn thường qua. Có khoảnh khắc nào bạn tự hỏi liệu vùng ngã tư sầm uất này đã có một quá khứ ra sao, với cách thức tổ chức xã hội như thế nào? 

 

Ngã tư Bảy Hiền là khu vực giao thông quan trọng của phía Tây Bắc, Sài Gòn - TP.HCM. Đây là một trong những nút lưu thông liên kết với nhiều quận tại thành phố.

Ngã tư Bảy Hiền là một điểm nút giao thông quan trọng của TPHCM, là nơi giao cắt của 04 trục đường, gồm: Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Lý Thường Kiệt. Nút giao này được nhận định luôn có mật độ phương tiện từ trung bình trở lên, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đầu tiên về hình thái tổ chức: nhà cửa, hàng quán, trường học, bệnh viện, trung tâm hội nghị mọc lên san sát đồng nghĩa lượng người lui tới sẽ ở mức độ cao; thứ hai vì đây là nút giao liên kết giữa nhiều quận huyện, là tuyến huyết mạch buộc phải đi qua. Tất cả chứng tỏ khu vực ngã tư Bảy Hiền là một vùng “không phải dạng vừa” so với mặt bằng chung của TPHCM, phát triển ở rất nhiều mặt, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội.

Và cũng vì sự sầm uất của thực tại, người mới đến nhiều, người của ngày xưa lại ngày một “thưa”, nên cũng chẳng dễ dàng gì để chúng tôi lần ra dấu vết của những người con vùng Bảy Hiền ngày cũ. Lân la mãi ở quanh khu vực ngã tư, quanh những con hẻm nhỏ thuộc đường Trường Chinh, chúng tôi gặp cô Dung, 70 tuổi, đang trầm ngâm nghĩ ngợi nhìn về phía xa xăm, cô chia sẻ với chúng tôi đâu đó vài ba chi tiết còn đọng lại trong trí nhớ: 

"Khu hãng dệt, khu người Trung, trước kia toàn là đồng cỏ san sát, cỏ sậy, cỏ lau không. Làng dệt giờ cũng hết dệt rồi, giờ chỉ bán chỉ các thứ thôi. Tôi ở đây là 70 năm rồi. Hồi nhỏ hay sang bên đó chơi, bắt cào cào bán cho người ta"

Tạm biệt cô Dung, chúng tôi di chuyển ngược ra phía đường lớn Trường Chinh, thật may vì gặp được cô Nga, tuổi ngoài 60, đang loay hoay dọn dẹp xe nước mát nằm nép mình nơi đầu hẻm, sau lời chào dạn dĩ từ phía chúng tôi, cô Nga ngẩng đầu, trạng thái cảm xúc chuyển từ hồ nghi sang cởi mở, cô kể một vài hình ảnh xuất hiện trong ký ức về vùng Bảy Hiền ngày xưa, không theo một trình tự không gian nhất định, chỉ là….chợt nhớ đến:

"Hồi đó là bệnh viện Vì Dân, giờ gọi là Thống Nhất. Khu đây là khu trại dù, sau đó nhà nước giải tỏa, đền bù cho dân, rồi xây nên trường học. Hồi xưa ở đây đồng ruộng nhiều, khu Tân Bình ngày xưa là đồng ruộng, đất rộng, giờ không có đất mà chen chân, giải phóng đất nước thì càng ngày phải đi lên chứ, không thể đi xuống được", cô Nga chia sẻ.

Kết thúc cuộc trò chuyện là tiếng cười giòn của người phụ nữ từng trải, có hành trình dài gắn bó với vùng đất mang tên Bảy Hiền. Trong tập hợp những kiến thức ít ỏi của mình, chúng tôi quyết định chọn điểm đến tiếp theo làng dệt nổi tiếng một thời. Di chuyển chừng 500 mét, chúng tôi đến làng dệt Bảy Hiền, không còn nhiều dấu hiệu của một nơi làm nghề dệt, chỉ đơn giản là nhà cửa san sát và âm thanh đường phố chốn nào cũng có thể tìm ra.

Rong ruổi trong những con hẻm quanh co, may mắn gặp được chú Vân, 65 tuổi, chú kể với chúng tôi đôi điều về làng dệt, nơi chứa phần lớn hành trình cuộc đời mình: "Từ 5 tuổi vô đây ở đến giờ, ngày xưa khu này làm nghề dệt không, hơn 90% hộ làm nghề dệt, cách đây khoảng 5 năm phường này hết dệt rồi. Ngoài Trung vô đây sinh sống lập nghiệp, ở quê vô thành phố, kiếm việc làm làm".

Đó là câu chuyện, là hình ảnh về ngã tư Bảy Hiền ngày cũ, còn sót lại trong trí nhớ của những cá nhân đã kinh qua rất nhiều thăng trầm của thời cuộc. Tiếp tục chuyến tìm hiểu về Bảy Hiền, chúng tôi tìm gặp nhà báo Cù Mai Công để nghe ông chia sẻ nhiều hơn về vùng đất ông đặt nhiều tâm huyết tìm hiểu.

Đầu tiên về tên gọi Bảy Hiền, nhà báo Cù Mai Công cho biết có hơn một giai thoại về cái tên Bảy Hiền, ông nói: "Trước hết Bảy Hiền là một vùng đất thuộc lô 50, 51, 53, 54, bốn góc của ngã tư Bảy Hiền là 4 góc của lô đất này, là 4 lô đất Pháp phân lô bán nền năm 1864. Đến giờ phút này thì không rõ là ai mua, có thể là thuộc tòa Tổng giám mục, có thể là ông Huyện sĩ đã mua và tặng lại cho nhà thờ Chí Hòa, đất của nhà thờ nghĩa là đất của tòa tổng giám mục. Đi từ Sài Gòn ra Bà Quẹo, bên tay trái là đất của tòa tổng giám mục.

Tên Bảy Hiền có người nói là có nguồn gốc từ ông Trần Văn Hiền. Tên Bảy Hiền thì trong tập sách người Quảng Nam của anh Lê Minh Quốc có nói là Bảy Hiền là ông già bán cà phê cóc sinh thứ 7 tên Hiền, người này quản lý các đồn điền cao su. Nhà văn Sơn Nam thì lại nói người này là một ông chủ giàu có chuyên bán cỏ cho xe ngựa kéo xe ở khu vực này trong giai đoạn 1930, nên tên của ông gắn với nơi làm nghề. Hiện thì cả ba dị bản này vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta phải tạm chấp nhận có 3 nguồn gốc mà 3 nguồn gốc này tương đối khác nhau".

Nối tiếp dòng thông tin từ một người thương quý và có nhiều kiến thức về Sài Gòn, Nhà báo Cù Mai Công hăng say chia sẻ với chúng tôi về hình thái xã hội ngày cũ, nơi bốn góc ngã tư, ông nói: "Phải phân biệt được bốn góc của Bảy Hiền vì thuộc 04 lô đất nên địa hình dân cư rất khác biệt nhau. Nếu đi từ Sài Gòn xuống bên tay trái là đất của gia đình anh Giang Ngọc Phương khẩn hoang, giờ là bệnh viện Thống Nhất, mình nghĩ đất này có chủ nhưng chủ không quan tâm.

Bên tay phải hiện nay là trường Nguyễn Thượng Hiền, trước đó thời Pháp thì đó là một trung tâm thú y chữa bệnh cho ngựa, chắc cho lẽ phục vụ chính cho trường đua Phú Thọ. Thứ 3 bên kia, từ đầu 1950 Pháp quy tập lính Pháp chết trận về chôn, giờ là trung tâm hội nghị triển lãm Tân Bình.

Quá đó một chút là chợ Hoàng Hoa Thám, trước đó là sư đoàn nhảy dù dầm lầy hoang vắng. Còn lại khu vực chợ bà Hoa hiện nay là rừng cao su, 1970 giải tỏa xong rừng cao su, khi mà giải tỏa xong người Quảng dần dần tụ tập về tạo thành khu dệt xóm quảng. Đầu thập niên 1970 có hai người đàn bà bắc 54 tóc vấn răng đen mua đất xây chợ chia sạp cho thuê. Bà Hoa chồng tên Linh, dân gọi là chợ bà Hoa, hiện thì bà Hoa vẫn còn sống bên Mỹ".

Quá trình hình thành và phát triển một vùng đất luôn mang rất nhiều giá trị, song hành với đó là những cảm thán của thế hệ sau này. Những bất ngờ thú vị cứ nối tiếp nhau, cùng nhau làm dầy thêm kiến thức của những con người thời đại mới. Từ những lời kể cũ, cộng với hình hài của thực tại, chắc chắn trong lòng rất nhiều người, sẽ cảm thấy tự hào hơn về vùng đất mình đang sống, bởi những nỗ lực được cộng hưởng từ rất nhiều khía cạnh.   

SỐNG Ở SÀI GÒN: Hẻm ở Sài Gòn

Từ lâu các con hẻm đã trở thành một đặc điểm “nhận dạng” và là một cấu trúc không gian đô thị quan trọng trong lòng Sài Gòn - TP.HCM. Trong mỗi con hẻm dường như luôn lưu giữ một không gian riêng, phản ánh nét văn hóa của những ền quê khác nhau.

Cũng bởi thế, nhiều người cho rằng hẻm là phần “hồn” không thể thiếu của TP này. Cứ thế, trong lòng Sài Gòn - TP.HCM, những câu chuyện về tình người trong những con hẻm dài dằng dặc vẫn diễn ra thầm lặng mỗi ngày. Nó như làm dịu đi nhịp sống đang ngày càng hối hả của một TP ngày càng hiện đại. Và thật khó hình dung Sài Gòn - TP.HCM sẽ như thế nào nếu không có hẻm. 

Hẻm ở Sài Gòn. Ảnh: Vnexpress

Sài Gòn có bao nhiêu con hẻm? Hỏi vậy làm sao mà nhớ hết được nhưng có một điều dễ hiểu là nhắc đến hẻm, người ta nhớ đến những con đường dài hun hút, ngoằn ngoèo đánh đố người đi đường lần đầu đặt chân trên mảnh đất này. Nhiều người ví vui rằng hẻm ở Sài Gòn như những con rạch nhỏ chạy ra sông, như sông chảy ra biển hòa vào đại lộ thênh thang.

Có thể nói hẻm chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tạo ra phần hồn cho thành phố. Vì đây là nơi hội tụ của nhiều người dân trên khắp mọi ền đất nước đến đây học tập, sinh sống và làm việc. Bởi thế hẻm Sài Gòn cũng mang những nét văn hóa riêng của rất nhiều ền đất. Ta có thể bắt gặp một số hẻm ở quận Phú Nhuận là nơi tụ tập của người ền Bắc.

Nhiều hẻm ở Tân Bình là chốn cư trú của người ền Trung mà đại diện là dân vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hẻm ở quận 5 lại là chốn buôn bán hàng quán tấp nập của người Hoa. Cũng có những con hẻm người ta gắn bó với nhau vì cùng làm một nghề  như nghề làm lồng đèn ở quận Tân Phú; làm bánh mứt ở quận 3, đầu lân ở các quận 5, 6, 11…

Có những con hẻm lại cùng chung một tín ngưỡng, chung một cộng đồng tộc người. Điển hình như hẻm của những người theo đạo, hẻm của những tộc người Chăm, người Khmer, người Hoa. Những con hẻm này đã hình thành từ trăm năm nay. Phần lớn người trong hẻm là dân tứ xứ tập trung về rồi tạo thành cộng đồng gắn bó với nhau. Bước chân vào những con hẻm này người ta thấy vừa cũ kỹ, vừa bình dị như bước vào một làng quê nào đó.

Nhớ lần đầu bước chân lên Sài Gòn tôi nhìn hẻm nào cũng giống nhau, cũng quanh co, cũng khúc khuỷu đi một hồi là không biết đường ra vì tôi chưa có kinh nghiệm “chặt hẻm” như người Sài Gòn hay nói. Đến tận bây giờ nghĩ lại thấy mình may mắn khi sống trong hẻm, đó không chỉ là nơi để sống mà còn là một xã hội mở với nhiều điều thú vị. Đó là một không gian đô thị thu nhỏ với biết bao hình thức sinh hoạt cộng đồng, trong đó có nhiều sự sẻ chia, sự tương tác và sự va chạm.

Tôi mê hẻm từ lúc còn là cậu sinh viên ngồi trên giảng đường đại học khi có duyên “rớt” vô một con hẻm ở Sài Gòn. Hẻm của tôi ở rất hẹp chỉ vừa cho 2 chiếc xe máy tránh nhau, hẻm của tôi ở rất ngắn khoảng chừng hơn 100m nhưng ở đây có rất nhiều gia đình sinh sống, hằng ngày phải chui ra chui vào.

Hẻm thì nhỏ mà người thì đông nhường nhau một xíu cũng lọt qua, rồi trao cho nhau 1 nụ cười giáp mặt thế là vui hết một ngày trong hẻm. Tiếng người ta hỏi han nhau, trò chuyện, cười đùa với nhau, và cả tiếng người ta la mắng nhau… cũng khác. Cứ thế, trong lòng Sài thành, những câu chuyện về tình người vẫn diễn ra thầm lặng mỗi ngày. Nó như làm dịu đi nhịp sống đang ngày càng hối hả của một thành phố hiện đại.

Đã gần 10 năm sống ở Sài Gòn – TPHCM, đã không ít lần tôi nhận được câu hỏi: sống ở trong hẻm vui không? Vui chứ! Nhiều lúc đi xa đau đáu nhớ về. Cả một xã hội thu nhỏ trong cái không gian chật chội, có hỷ nộ ái ố, có cưới hỏi, có tiệc tùng, có đi lại, có ăn ở, có thương có ghét, có giàu có nghèo, có mua có bán, có cười có nói, có va chạm, biết bao âm thanh từ tiếng rao, tiếng ru, tiếng hát....

Theo dòng chảy thay đổi của thời gian và thời đại, dù có chuyện gì đi chăng nữa thì hẻm Sài Gòn vẫn là phần hồn tinh túy của văn hóa Sài Gòn, là mạch ngầm của đời sống người Sài Gòn, là thứ lắng đọng lại sau những ồn ào, phồn hoa của hình ảnh một TP.HCM hiện đại đang trỗi dậy. Nơi đây gợi nhiều xúc cảm, gợi nhiều thương nhớ cho những ai từng một lần sống trong hẻm Sài Gòn.  

TIN YÊU

# Sáng 19/5, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề). Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng trình bày tờ trình về quy định mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TPHCM. UBND TPHCM đề xuất mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến bằng 0% (hình thức 0 đồng) đối với 5 loại lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TPHCM.

TP.HCM sẽ không thu phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh nh họa

5 loại lệ phí được đề xuất thu phí 0 đồng gồm: lệ phí hộ tịch; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Sau khi thảo luận, HĐND TPHCM thông qua nghị quyết, có hiệu lực từ ngày 29/5/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

# Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa ký tờ trình gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố về việc sẽ đầu tư khoảng 350 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Theo tờ trình, dự án này do Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2024-2026. Đây là dự án thuộc nhóm B bằng nguồn ngân sách thành phố.

Những dự án nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp là Quốc lộ 50 đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường số 10; cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 15 đoạn từ đường Nguyễn Văn Khạ đến văn phòng ấp Bến Cỏ và đoạn từ cầu Rạch Sơn đến Nghĩa trang liệt sỹ huyện Củ Chi (bao gồm cải tạo mở rộng cầu Rạch Sơn). Cải tạo, nâng cấp đường chui dưới dạ cầu Phú Hữu phía vòng xoay Liên Phường, TP Thủ Đức; Xây đường gom cầu Kênh Tẻ (phía Quận 7), xây dựng 2 cầu bộ hành tại địa điểm trên Quốc lộ 1K (gần trường Trung học cơ sở Xuân Trường, TP Thủ Đức) và trên đường Tỉnh lộ 15 (trước trường Trung học phổ thông Trung Phú, huyện Củ Chi), lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 76 giao lộ tại TPHCM.

# Từ ngày 24 – 26/5, Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 sẽ diễn ra tại đường Lê Lợi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tại TP.HCM có quy mô 32 gian hàng thương mại quốc tế, 25 gian hàng triển lãm địa phương với gần 70 sản phẩm từ sâm tươi và các sản phẩm chế biến từ sâm, gần 40 gian hàng ẩm thực Việt Nam và quốc tế.

Lễ hội có sự tham gia của đại diện một số bộ ngành, các địa phương cùng 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp ở các quốc gia cũng có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu như Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 là cơ hội để tiếp cận, trải nghiệm với các sản phẩm hàng hóa sâm và hương liệu, dược liệu đa dạng, chất lượng, cùng với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực phong phú. Ngoài những hoạt động văn hóa, lễ hội còn là dịp tăng cường kết nối, thúc đẩy giao lưu thương mại, góp phần thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với các nước.