Sài Gòn sống và yêu: Chuyện tháng năm cùng xe buýt

Từ thế kỷ trước, TP.HCM đã có hệ thống xe buýt, giao thông công cộng văn minh không kém gì các nước phát triển. Sau ngày đất nước thống nhất, các xe buýt được cải tạo, tổ chức thành các hợp tác xã vận tải, xí nghiệp hợp doanh.

Tháng 11/2001, Sở Giao thông công chánh công bố kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt công cộng. Thời gian đầu, hệ thống xe buýt phát triển cực nhanh, rất được lòng cư dân đô thị.

Qua thời gian, TP.HCM ngày càng phát triển, mở rộng ra, dân cư nhiều hơn. Dân tứ phương đổ về, TP.HCM ngày càng ngột ngạt. Đáng nói, người càng đông, nhu cầu đi lại càng tăng nhưng hệ thống xe buýt lại ngày càng teo tóp. Hiện thành phố đang nỗ lực đưa xe buýt trở về vị trí vốn có, là lựa chọn hàng đầu của cư dân trong việc di chuyển.

Với một đô thị đang tăng tốc phát triển như Sài Gòn – TPHCM, chắc chắn một điều giao thông công cộng phải tìm cách tiếp cận người dân một cách nhanh chóng, rộng rãi. Tuy nhiên thực tế, cụ thể hơn là xe buýt, loại hình dịch vụ này đang tạo nên những dấu ấn không hay trong một bộ phận người dân.

Đơn cử, trong cuối tháng 6 vừa qua, liên tiếp hai hành động của tài xế buýt bị lên án, cụ thể, thứ nhất là hành vi xem điện thoại khi điều khiển xe, và thứ hai là hành vi vượt đèn đỏ ngay giữa giao lộ trung tâm thành phố. Cũng tin rằng, đó chỉ là hai trong không ít những bất cập liên quan đến xe buýt mà nhiều người có thể chưa bắt gặp hoặc số khác lại vô tình lãng đãng cho qua, vì hai chữ rất quen mang tên “bất lực”.

Đến đây tôi chợt nghĩ, có lẽ câu chuyện về hành trình xe buýt xuất hiện, tiếp cận, làm xiêu lòng và làm thất vọng cư dân đô thị Sài Gòn sẽ là một câu chuyện rất nên được đề cập.

Vì với tôi trả lời cho câu hỏi “Vì Sao”, “Từ Đâu” là điều rất cần trong cuộc sống này, và tôi tin rất nhiều người đang nghe chuyên mục này hoặc xem bài viết này cũng có tư duy như thế! Chỉ là bận rộn quá, chúng ta cứ thế bỏ qua và chấp nhận.

Một buổi chiều lang thang quanh một bến xe buýt cỡ lớn của Sài Gòn, tôi hữu duyên gặp chú Lân – 65 tuổi, nghe hỏi  về xe buýt ngày xưa, chú Lân không chút nghi ngại, chú kể: "Xe buýt hồi xưa nó nhỏ lắm, cái xe đò cũ mười mấy chỗ ngồi là nó đó, hãng xe Renault, nó màu trắng xanh. Hồi xưa lên xe buýt người ta tiếp đón nồng hậu lắm, không có quát nạt này kia đâu. Hồi xưa chú đi học bằng xe buýt không, từ Hùng Vương qua Nguyễn Tri Phương, tới Hòa Hảo xuống, đi bộ qua trường học Minh Tân. Hồi đó đi có mười mấy đồng, nó đi đúng giờ đúng tuyến lắm, nhân viện phục vụ rất tốt, nhắc nhở coi túi xách, rồi nhường ghế cho người già trẻ em. Gần tới nơi là họ nhắc nhở, đưa tiền lớn họ cũng thối đàng hoàng chứ không có ăn nói chụp giựt đâu".

Trong trí nhớ của người đàn ông tuổi ngoài 60 ấy, chiếc xe buýt thời sau Giải phóng vẫn còn hiện lên với hình hài rất rõ, về diện mạo, về cung cách đối đãi, về giờ giấc di chuyển hay về vài đồng giá vé.

Nhìn vào ánh mắt cùng điệu kể hăng say của chú, tôi chợt nghĩ, có lẽ bản thân mình vô tình đã trở thành một chất xúc tác để người đàn ông ấy nhớ về bản thân của ngày cũ, buổi áo trắng đến trường, chẳng biết có nhiều kỷ niệm hay không, nhưng trong tôi thật lòng lúc ấy đã gợn nghĩ theo chiều hướng như thế.

Trở lại với chuyện tháng năm cùng chiếc xe buýt Sài Gòn, tâm khảm tôi vẫn hiện hữu vô vàn thắc mắc!

Qua lời giới thiệu của một người anh trong nghề, tôi tìm gặp chú Lê Trung Tính, nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, người đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho hành trình phát triển của của xe buýt đất Sài Gòn.

Chú Tính mở đầu câu chuyện với tôi bằng đôi lời kiểu “Chú già rồi, nghỉ hưu rồi, tối chú ngủ sớm lắm, bữa sau mày muốn liên hệ chú thì liên hệ sớm sớm ấy”, nhưng trong ngữ điệu của chú, tôi không nghe thấy sự từ chối chia sẻ, tôi chỉ nhận ra, tình yêu của chú dành cho sự phát triển của giao thông thành phố là rất lớn.

Và, hành trình tháng năm về xe buýt ở Sài Gòn được chú Tính từ tốn kể lại: "Thực ra xe buýt ở TP.HCM xuất hiện ngay trong tháng 5/1975, trước đó đô thành Sài Gòn đã có hệ thống xe buýt phục vụ khá hoàn chỉnh, gồm 21 tuyến đường do 7, 8 đơn vị phụ trách với khoảng 300 xe, chủng loại xe là cái xe mà chuyên chở công nhân Mỹ, người ta bán hóa giá các hiệu như Isuzu, Hino, lúc bấy giờ cũng có trung tâm điều hành xe buýt ở ngay tại trạm điều hành Sài Gòn, Quách Thị Trang hiện nay đó, đã bị giải tỏa để xây dựng metro".

Cũng theo lời kể của chú Tính, thời gian đầu tần suất hoạt động của xe buýt chưa cao, 15, 20, thậm chí 30 phút mới có một chuyến xe. Thời gian phục vụ trong ngày từ khoảng 8 đến 10 giờ một ngày, nhưng đến thời điểm nhu cầu đi lại tăng thì các hãng bắt đầu tăng số lượng xe, rút ngắn thời gian chờ đợi xuống còn 10 phút, thậm chí chỉ 2-3 phút một chuyến.

Đơn cử, chuyến xe buýt Số 1 hiện nay có tên là Sài Gòn – Bình Tây, trước đây người ta đặt tên là Sài Gòn – Trần Hưng Đạo – Chợ Lớn, có thời điểm chỉ 2-3 phút một chuyến, đồng nghĩa chuyến liền sau có thể nhìn thấy chuyến liền trước. Bên cạnh đó thời gian hoạt động trong ngày cũng được kéo giãn, từ khoảng 8 đến 10 giờ một ngày đến khoảng 14 đến 16 giờ một ngày.

Dịch chuyển thời gian về khoảng năm 2001, 2002, còn nhớ thời điểm đó, cả Sài Gòn chộn rộn tiếng kháo nhau khi xe buýt rục rịch trình làng hình ảnh mới, chú Tính kể thêm về thời điểm này: "Từ 1975 đến 2001, 2002, xe buýt dựa trên hệ thống xe buýt của của của đô thành Sài Gòn để hoạt động, nó hoạt động thì cứ đi xuống từng bước chứ không hề phát triển bởi vì bản chất của xe buýt là chạy phục vụ, lỗ lãi gì cũng vẫn hoạt động, có khách hay không thì vận hoạt động, đến năm 2002 thời của chú đó, hồi đó TP Sài Gòn đã thành lập trung tâm quản lý GTCC, là trung tâm đầu tiên trên cả nước, Hà Nội sau đó 2 năm là năm 1996. 2002 là lần đầu tiên ở TPHCM tổ chức phục hồi xe buýt TPHCM với 8 tuyến xe buýt mẫu ở công trường Quách Thị Trang, chỗ trước chợ Bến Thành".

Chú Tính khẳng định thêm, theo thời gian, dáng vẻ của từng chuyến xe buýt rong ruổi qua lại khắp Sài Gòn đã có những đổi khác để đáp ứng được nhu cầu và theo kịp xu hướng, chú Tính tiếp tục kể: "Nó thay đổi liên tục, cứ thời gian sau thì tốt hơn thời gian trước. Trước 30/4/1975, trong 21 tuyến xe buýt với khoảng 300 xe thì thật ra nó chỉ có 2 loại xe, là Isuzu và Hino. Là xe bán hóa giá được dân Sài Gòn mua lại, xe này có đặc điểm là máy nằm sau xe, không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến hành khách, thứ 2 là có 2 cửa lên xuống, đúng tiêu chuẩn xe buýt, ban đầu màu xám, sau đó thì thay đổi lại, riêng ở SG có công quản xe buýt do tòa đô chính SG quản lý nó có màu vàng, người ta gọi là buýt vàng, tức là buýt công quản ở đô thành SG.

Sau Giải phóng hệ thống vận tải công cộng của SG gồm xe buýt và xe lam, đến 2002, khi TP tổ chức phục hồi hệ thống xe buýt thì xe lam chuyển thành xe 4 bánh nhỏ, sau này phát triển dần dần thành xe CNG, gần đây là xe điện lớn, xe điện nhỏ. Quy định mới là đến năm 2025 chỉ sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu sạch".

 

Trong hành trình năm tháng của chiếc xe buýt Sài Gòn, giai đoạn xe buýt được lòng người dân thành phố nhất là vào thời điểm 2011, 2012, lúc bấy giờ sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt vượt mức 1 triệu hành khách một ngày, là một điều đáng tự hào của người làm giao thông công cộng thời điểm đó. Nhưng dưới tác động của nhiều yếu tố, khách quan lẫn chủ quan, xe buýt đến thời điểm này dường như đang nhạt phai dần trong lòng cư dân thành thị.

Thực tế, phía trung tâm quản lý giao thông công cộng cũng như chính quyền thành phố đã rất nỗ lực để đưa xe buýt trở thành phương tiện đi lại chủ lực cho cư dân, khi từng trạm dừng được đầu tư kỹ lưỡng hơn, chất lượng xe buýt được nâng cao và phù hợp với xu hướng dùng năng lượng sạch của thế giới. Nhưng bài toán khó cần rất nhiều bước để giải. Khi hạ tầng giao thông còn nhiều trở ngại dành cho xe buýt, khi đôi ba trường hợp làm dịch vụ xe buýt vẫn chưa hết tâm để hoàn thành phận sự của mình…thì có lẽ ngày xe buýt trở lại vị trí “vàng son” vẫn chẳng thể “gần ngay trước mắt”.

Xin được kết bài bằng những thông điệp khích lệ từ một cụ bà tuổi gần 80, bán hàng rong và yêu xe buýt vì những điều đáng yêu xe buýt mang lại cho thế giới của bà: "Đi bán mà đi hoài hà, nhiều khi sáng con chở, chiều về xe buýt, bán mấy chục năm là đi mấy chục năm, cũng 40 chục năm rồi đó. Giờ đi người cao tuổi không có lấy tiền, nhưng bà ngại, có 6 7 ngàn. Xe buýt giờ lạnh, xe trước kia không bằng. Đi xe buýt vui rồi, có nhiều người nói chuyện dễ thương, vui vẻ, đang hoàng. Hồi đó không trạm cũng đón, giờ đón khơi khơi không dừng. Tài xe, mấy người xe vé biết tên hết".

SỐNG Ở SÀI GÒN: Những tiếng chổi đêm

Dù là đêm hè oi ả hay ngày mưa giông gió bão, khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ, các anh chị công nhân vệ sinh đường phố vẫn lặng lẽ trên đường cùng tiếng chổi tre, âm thầm làm sạch phố phường.

Cái nghề mang ý nghĩa vô cùng nhưng cũng rất "thầm lặng" giữa đêm khuya thanh vắng. Để thành phố xanh, sạch, đẹp, không thể không kể tới những công nhân vệ sinh môi trường thầm lặng này.

Tiếng chổi đêm không ngưng nghỉ để đường phố được sạch sẽ. Ảnh: Thanh niên

Rời cơ quan khá muộn sau khi sắp xếp xong công việc ổn thỏa, tôi phóng xe về nhà trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Nhưng đâu đó trên những nẻo đường vắng lặng của thành phố, tôi vẫn thấy các công nhân vệ sinh ệt mài làm việc. Chắc có lẽ hình ảnh công nhân vệ sinh với bộ đồng phục màu cam, điểm nhấn là những viền vàng phản quang đã không còn xa lạ với người dân TP.HCM.

Khi đêm đã về khuya, giữa dòng phương tiện phóng vút qua trên phố thì những người công nhân vệ sinh đường phố ấy lại bắt tay vào công việc. Tay đưa chổi thành thục, kéo theo sau là chiếc xe đựng rác nhanh nhẹn gom rác cùng lá cây vương vãi trên đường. Mồ hôi tuôn ướt đẫm, bụi cuộn lên qua những tia đèn đường vàng vọt, họ vẫn tiến về phía trước với công việc của mình bỏ lại phía sau là mặt đường sạch sẽ.

Đây là công việc tưởng chừng như đơn giản, dễ dàng nhưng ẩn chứa rất nhiều vất vả, nhọc nhằn. Thậm chí, với thời gian làm việc đặc thù, thường xuyên tiếp xúc môi trường rác thải độc hại và nhiều mối nguy hiểm luôn rình rập như tai nạn giao thông, cướp giật… nên có thể nói công nhân vệ sinh môi trường là một trong những nghề vất vả nhất hiện nay.

Do tính chất công việc nên các công nhân vệ sinh này phải thức trắng đêm, trái ngược với đồng hồ sinh học, trong khi phải đối mặt với không ít hiểm nguy trên đường, mà thường trực nhất là vấn nạn va quẹt xe. Đặc biệt ở những cung đường lớn thì mức độ nguy hiếm của công việc càng tăng cao, vì về đêm những chiếc xe tải, container chở hàng tải trọng lớn hoạt động xuyên đêm, mà xe chạy lại cực kỳ nhanh gây nguy hiểm càng nhiều.

Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có một thời để học hành và nuôi dưỡng những ước mơ cho tương lai của mình nhưng có một điều chắc chắn rằng không ai mơ ước sau này mình sẽ trở thành người công nhân "quét rác”. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ của mỗi người, đều cho đó là công việc vất vả, phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thế nhưng, hàng ngày trên đường vẫn có hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vượt qua những thị phi đời thường để làm việc và chính công việc thầm lặng của họ đã góp phần làm cho đường phố ngày một văn nh, sạch đẹp. Những khó khăn vất vả với nghề là thế, nhưng chẳng có mấy người bỏ nghề. Nỗ lực tuyên truyền nếp sống văn nh đô thị chưa đạt kết quả khả quan khi chuyện vứt rác bừa bãi vẫn còn xảy ra thường xuyên. Điều đáng buồn là có khi, nhát chổi của người công nhân chưa kịp tắt trên đường thì cũng đã có kẻ xả rác ngay sau đó. Thật đáng buồn.

Với nghề của mình, vào những ngày lễ, ngày Tết, khi mọi gia đình nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa lễ Tết, thì những công nhân vệ sinh vẫn ệt mài quét dọn để phố phường luôn sạch sẽ, thậm chí có những lúc trong dịp giao thừa, thì việc đón giao thừa cùng gia đình của những người công nhân cũng là điều khó khăn, bởi họ phải dọn dẹp sạch sẽ đường phố trước khi đến sáng mùng 1 tết.

Phía sau tiếng chổi xào xạc đêm đêm của các anh chị công nhân là oằn nặng gánh mưu sinh, là học phí cho con, là cơm áo, là thuốc men cho mẹ già ốm đau, cho vô số nữa những khoản không tên phải chi trả hằng tháng khác. Số tiền lương các anh chị nhận được hằng tháng đâu đáng bao lăm so với thời bão giá thế này.

Chắc chẳng mấy ai biết được rằng mỗi sớm mai thức dậy, dắt xe ra khỏi nhà và bon bon trên con đường sạch mát, trong khi họ say giấc, những người lao công đã phải âm thầm quét dọn vất vả như thế nào? Quét rác đêm là công việc thầm lặng, cực nhọc, làm việc trái giờ, nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp rất cao mà ít ai biết đến, thậm chí còn bị khinh rẻ. Nhưng nếu vắng họ những con đường thành phố sẽ trở nên như thế nào?...

Dù cuộc sống có vất vả đến đâu thì những anh chị công nhân vệ sinh vẫn nở tươi rói trên nỗi nhọc nhằn. Tôi biết đêm nay, đêm mai và nhiều đêm sau nữa cũng thế, trên khắp các con đường vắng vẻ khi mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ thì những anh chị công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn làm việc. Một công việc thầm lặng và ý nghĩa rất đáng trân trọng và sẻ chia.

TIN YÊU

Ảnh nh họa. Nguồn: Nhân dân

# Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

# Ngày 30/6, Quận Đoàn quận Tân Bình phối hợp với Đoàn Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức Lễ ra quân Ngày Chủ nhật xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khai thông dòng chảy tại kênh Hy Vọng (quận Tân Bình).

Thông qua hoạt động này, các đoàn viên, thanh niên quận Tân Bình và sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam phát huy tinh thần tình nguyện bảo vệ môi trường, xây dựng văn nh đô thị, và tích cực góp phần vào công trình thanh niên “Sông Sài Gòn - Con sông Thành phố tôi”. Kết quả của Ngày tình nguyện sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, tạo thêm nhiều mảng xanh, cải thiện chất lượng sống cộng đồng. Tổng kết Ngày Chủ nhật Xanh, các tình nguyện viên đã dọn dẹp được hơn 10 tấn rác thải.

# UBND quận 10 (TP.HCM) vừa ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch cao điểm 45 ngày kiểm tra, xử lý cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn. Nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động không phép tại các cơ sở, ngày 1/7, UBND Quận 10 tổ chức chiến dịch cao điểm 45 ngày kiểm tra, xử lý cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn Quận 10. Thời gian thực hiện từ ngày 1/7 đến hết ngày 14/8.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở chăm sóc da và các cơ sở khác nghi ngờ hoạt động thẩm mỹ không phép trên địa bàn Quận 10. Đáng chú ý, Quận 10 sẽ thí điểm mô hình gắn bảng thông báo cơ sở đang đình chỉ hoạt động, triển khai tại các cơ sở có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn.