Sài Gòn sống và yêu: Bùi Công Hiệp người cưu mang những “thiên thần” cơ nhỡ

Tròm trèm đã hơn 1 thập kỉ, kể từ ngày đầu tiên “Tiên ông” Bùi Công Hiệp đón em nhỏ sơ sinh cơ nhỡ đầu tiên về với mái ấm thiên thần để chăm sóc. Đến nay, mái ấm đã cưu mang hơn 130  thiên thần nhỏ.

Với tâm nguyện được giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn ấy vượt lên nghịch cảnh, ông đã dành hết tình yêu thương để đồng hành, chăm sóc. Chẳng mong ước gì cao xa, nỗi mong mỏi của ông chỉ đơn giản được nhìn thấy các “con” mình trưởng thành, trở thành người tử tế và có ích cho xã hội.

Ghé thăm Mái ấm Thiên Thần, vào đầu giờ chiều. Dưới cái nắng oi ả đầu hè của Sài Gòn, rảo bước trong khuôn viên rộng rãi, rợp bóng mát của nơi đây mọi thứ cũng dường như dịu đi phần nào. Phía trong một con hẻm nhỏ tại phường Long Trường, Thành phố Thủ Đức, ngôi nhà 3 tầng với đầy đủ lối thoát hiểm đã nhuốm màu tháng năm cũng chính là mái ấm, nơi ăn ở, sinh hoạt của hơn 130 thiên thần nhỏ. Bên cạnh ngôi nhà là chiếc bể bơi với làn nước xanh thẳm được sử dụng làm nơi luyện tập cho các mầm non có năng khiếu bơi lội cũng như để rèn luyện kĩ năng bơi cho các em nhỏ.

Phía xa xa, chẳng khó để nhận ra ông Bùi Công Hiệp, người đàn ông đã ngoài 60 tuổi, mái tóc húi cua gọn gàng, cùng chòm râu trắng bạc phơ như “tiên ông” trong những cậu chuyện cổ tích được nghe kể thuở ấu thơ vẫn đang cặm cụi vớt những chiếc lá, làm sạch bể bơi cho kịp buổi tập bơi buổi chiều.

Ngồi cạnh bên bể bơi, đón những cơn gió mát lành, tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện ông kể về những ngày đầu tiên ông đặt nền móng cho mái ấm Thiên Thần.

Đến nay, mái ấm đã cưu mang hơn 130  thiên thần nhỏ.

Từ những năm tháng sinh hoạt trong môi trường thanh niên xung phong rồi nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam đã trui rèn và ăn sâu vào tư tưởng ông về tình cảm của những người đồng chí, đồng đội, những người đã trở thành thân nhân chẳng cùng huyết thống. Cũng chính nhờ khoảng thời gian này, đã khiến ông càng thấm nhuần tình yêu thương dành cho những người xung quanh mình và nhận ra những giá trị của cộng đồng và xã hội.

Sau khoảng thời gian sinh hoạt trong quân ngũ, ông trở về phục viên với đủ các nghề nghiệp từ chạy xích lô, phụ hồ, xây dựng, … rồi chuyển sang nghiệp kinh doanh và cuộc sống đã trở nên đủ đầy từ ấy.

“Tôi nhớ mãi có 1 đêm, tự nhiên tôi nằm sực nhớ hồi mình bên chiến trường K mình hứa cái gì mà tự nhiên mình quên mất. Tự nhiên ký ức nó ùa về, lúc đó giữa chiến tranh ác liệt mình cứ cầu nếu mà được ơn trên phù hộ mình lành lặn trở về mình làm ăn được thì mình sẽ quay lại giúp đời để đền đáp sự bảo bọc đó. Bây giờ mình cũng tương đối rồi, có đồng ra đồng vô rồi sao mình quên cái lời hứa đó", ông Bùi Công Hiệp chia sẻ.

Với ước mong ban đầu được bảo trợ cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, mặc dù nhận về nhiều sự phản đối từ bạn bè và người thân bởi trẻ sơ sinh là đối tượng vô cùng khó khăn để săn sóc, thế nhưng bằng sự quyết tâm và tình yêu thương dành cho những “thiên thần” nhỏ ấy năm 2010, trung tâm bảo trợ trẻ em Thiên Thần đã ra đời.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, mãi đến năm 2012 nơi đây mới đón nhận được “thiên thần” đầu tiên rồi thoáng cái đã hơn một thập kỉ, trung tâm bảo trợ ấy đã đón nhận và nuôi dưỡng hơn 130 con trẻ. Đảo mắt ngắm nhìn “đàn” con thơ đang khởi động, làm nóng cho tiết học bơi buổi chiều bên cạnh hồ bơi với làn nước xanh trong, ánh mắt ngập tràn sự thương yêu, trìu mến:

“Qua sự phát triển của con mình, nó lớn lên từng ngày. Mặc dầu có những lúc phải “dựng tóc gáy” với con nhưng khi nhìn lại sự phát triển, lớn khô từng ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy nó vui, nó hạnh phúc. Đối với tôi thì đặc biệt các bé này lại được tôi chăm sóc kĩ và gần gũi và gần như là 24/24 so với 2 đứa con ruột của tôi", ông Hiệp nói.

Đồng hành cùng các con từ thuở mới lọt lòng, xem những “thiên thần” nhỏ bé ấy trở thành máu mủ, ruột thịt của mình. Không dừng lại ở sự mãn nguyện với việc nhìn ngắm các con trưởng thành, ông còn dành hết tâm tư, tình cảm vào những định hướng tương lai dành cho các con. Bởi với ông điều mong mỏi nhất là một ngày các con lớn khôn, bước chân ra xã hội sẽ tự đứng bằng dôi chân của mình, tự nuôi sống được bản thân:

“Bắt đầu tuổi chuẩn bị đi học, chăm nom về vấn đề học rồi định hướng cho các bé từ lúc học. Tại vì mình đã tiếp cận các bé từ nhỏ, mình biết các bé thích cái gì, năng khiếu cái gì, mình nhìn ra hình dáng mình biết có thể phát triển về lĩnh vực nào. Khi các bé đi học rồi, khi lên tới 7 – 8 tuổi mình sẽ định hướng qua các môn mà các bé có thể nó trội", ông Hiệp cho biết.

Tiết học bơi buổi chiều của các bạn nhỏ

130 thiên thần nhỏ, cũng là 130 mảnh đời khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và tính cách cũng khác nhau. Trông nom và chăm sóc 130 con người đã khó huống hồ còn là con trẻ. Vị “cha già” đáng kính ấy vẫn ngày đêm, mải ết gắn kết những “thiên thần nhỏ” ấy lại cùng nhau để tạo dựng nên một gia đình “hoàn chỉnh” cho các con thơ của mình.

“Ở đây là môi trường các con không anh em không họ hàng gì hết. Các con vào môi trường này như bố hồi xưa vào môi trường tập thể như thanh niên xung phong, bộ đội. Bố cố gắng tạo môi trường y chang như hồi xưa, các con sẽ qua cái môi trường này gắn kết với nhau. Và thực tế bây giờ các bé gắn kết thương yêu hơn anh em ruột thịt", ông Hiệp chia sẻ.

Cùng ông rảo bước một vòng quanh mái ấm thiên thần để chào tạm biệt các con. Những nụ cười sáng tươi tràn ngập khắp nơi đây, những mảnh đời “ khuyết thiếu” ấy bỗng trở nên vẹn tròn bởi cuộc đời các con đã có “bố” Hiệp. Sống ở Sài Gòn là thế, giữa thành phố hoa lệ này vẫn còn đủ đầy những người sẵn sàng dang rộng vòng tay để cưu mang những kiếp người cơ nhỡ.

Còn với riêng “Tiên ông” Bùi Công Hiệp, người bố thân yêu của những “thiên thần” cơ nhỡ ấy vẫn sẽ mãi ệt mài, dành hết quỹ thời gian của mình để đồng hành cùng đàn con thơ, bởi ngần ấy tháng năm trong thâm tâm ông vẫn vẹn nguyên tâm niệm rằng “ cứ trao đi là sẽ mãi còn”.

SỐNG Ở SÀI GÒN: Đảo vườn giữa sông Sài Gòn cần có góc nhìn từ người dân

Gần đây có ý kiến đề xuất làm các đảo vườn trên sông Sài Gòn đoạn qua khu trung tâm nhằm tăng thêm mảng xanh của thành phố, bố trí dịch vụ vui chơi, giải trí, tăng tính kết nối 2 bờ quận 1 và Thủ Thiêm. Đây được các chuyên gia đánh giá là một đề xuất đột phá trong thay đổi cảnh quan và hướng TP.HCM phát triển giống các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Tuy nhiên đây là một thay đổi mang tính chất rất quan trọng vì tác động trực tiếp đến môi trường … Thế nên cần xem xét kỹ lưỡng và lắng nghe nhiều ý kiến từ chuyên gia, đặc biệt là người dân trước sự thay đổi này. 

Có ý kiến đề xuất làm các đảo vườn trên sông Sài Gòn đoạn qua khu trung tâm nhằm tăng thêm mảng xanh của thành phố, bố trí dịch vụ vui chơi, giải trí, tăng tính kết nối 2 bờ quận 1 và Thủ Thiêm.

 

Những lúc cần được thư giãn trong thành phố chật chội người và xe, thi thoảng tôi thường đến bên bờ sông Sài Gòn, quận 1 để đón gió, nhìn tàu thuyền ngược xuôi. Một góc mà tôi ưa thích với những toà nhà, cây cầu, hệ sinh thái du lịch…được quy hoạch chỉnh chu tạo nên một góc Sài Gòn – TP.HCM có view “đắt giá”, đẳng cấp chẳng khác gì các địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở những nước trên thế giới.

Một điểm khác của sông Sài Gòn đoạn quận 1, Thủ Thiêm khiến người ta say đắm là vì không gian thoáng đãng khác xa so với bầu không khí ngột ngạt ở trong thành phố.

Gần đây trên các nền tảng thông tin có nói về việc đề xuất xây dựng cầu nhằm kết nối 2 bờ quận 1, Thủ Thiêm và giữa sông Sài Gòn sẽ có đảo vườn nhân tạo – điểm dừng chân của các cây cầu, tại những khu đảo được gợi ý trồng nhiều cây xanh, kinh doanh quán cà phê và các dịch vụ giải trí khác…

Sau khi nghe về những đề xuất quy hoạch này trong đầu tôi hình dung ra một khung cảnh thật hiện đại khi trên cầu là người đi bộ, tại đảo có mọi người vui chơi và dưới mặt nước là tàu thuyền qua lại. Tuy nhiên, sông Sài Gòn bỗng nhiên lại trở nên chật chội, ngột ngạt giống những nơi khác bên trong thành phố.

Theo quan điểm của nhiều người, hiện nay hai bờ sông Sài Gòn quận 1 và Thủ Thiêm đang thiếu tính kết nối khiến du khách phần nào bị hạn chế trong quá trình tham quan, khám phá. Thế nên việc xây cầu đi bộ và cho các phương tiện công cộng có thể di chuyển qua lại là hết sức hợp lý, bởi phần nào giải quyết được vấn đề hiện hữu và khuyến khích người dân quen dần với phương tiện công cộng, đặc biệt là xe điện, xe đạp…thân thiện với môi trường.

Còn đối với việc xây dựng các đảo nhân tạo giữa lòng sông Sài Gòn để là nơi dừng chân của khách tham quan lại nhận không ít ý kiến phản đối. Có người cho rằng các đảo vườn giữa sông Sài Gòn khi hình thành sẽ làm ảnh hưởng đến dòng chảy, hệ sinh thái dưới lòng sông…và sẽ vô tình gây ô nhiễm khi một số bộ phận người dân chưa ý thức tốt trong gìn giữ môi trường.

Mặt khác, sông Sài Gòn là nơi lý tưởng để thoát nước của thành phố mỗi khi mưa. Vì thế việc xây dựng đảo vườn giữa sông Sài Gòn sẽ thu hẹp diện tích, cản trở tàu thuyền, gây hạn chế trong quá trình thoát nước đô thị, khi ấy không chừng lại khiến tình trạng ngập úng trở nên nghiêm trọng.

Nhiều người thắc mắc, cầu đi bộ khi được hình thành liệu có thu hút được người sử dụng? Trong khi thành phố có không ít cầu bộ hành bị bỏ hoang lãng phí. Đối với việc này có chuyên gia góp ý nên làm đường ngầm qua sông để vừa kết nối với tuyến metro, tuy nhiên phương án này lại tốn rất nhiều kinh phí.

Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống sông ngòi đa dạng, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường và phát triển kinh tế. Đồng ý nếu cứ khư khư không mạnh dạng bứt phá thì khó để phát triển vượt trội, tuy nhiên cần xem xét và hết sức kỹ lưỡng; cần tham khảo nhiều góc nhìn từ các chuyên gia, đặc biệt là lắng nghe ý kiến ở phía bộ phận người dân để từ đó cùng đưa ra kết quả tốt nhất có thể.

TIN YÊU

# Ngày 29/5 vừa qua, tuyến xe buýt 2 tầng Sài Gòn – Chợ Lớn đã chính thức được đưa vào hoạt động. Tuyến xe buýt hai tầng mới sẽ đưa du khách qua các khu phố cổ có kiến trúc đặc trưng của cộng đồng người Hoa, tận hưởng không gian văn hóa Hoa - Việt giữa lòng TP. HCM. Thời gian hoạt động từ 8h - 22h30 mỗi ngày, chuyến tham quan Sài Gòn - Chợ Lớn một vòng không ngừng trên xe buýt khoảng 2 giờ, với tần suất 30 phút/chuyến.

Xe buýt hai tầng dừng tại cổng chợ Bình Tây, quận 5, sáng 29/5. Ảnh:Vnexpress

# Theo báo cáo mới nhất của nền tảng du lịch mạng lưới toàn cầu với 4,2 triệu khách sạn và cơ sở nghỉ dưỡng trên toàn thế giới, TP Hồ Chí Minh là 1 trong 8 điểm đến tại châu Á khiến du khách lưu lại lâu nhất.

# Theo Sở Du lịch TpHCM trong 5 tháng của năm 2024, lượng khách quốc tế đến TP tiếp tục tăng trưởng cao ở mức gần 32%, ước đạt trên 2 triệu lượt. Trong khi đó, lượng khách nội địa là gần 14 triệu lượt, đạt hơn 36% so với kế hoạch năm 2024.

# Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc vừa có thông báo mới về việc tổ chức trung chuyển ễn phí hành khách đi lại bằng tàu cao tốc từ bờ ra đảo, tuyến TP. HCM- Côn Đảo do đơn vị đang khai thác vận hành. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển từ trung tâm TP. HCM đến bến tàu cao tốc Sài Gòn- Hiệp Phước và trở về, từ 1/6, công ty sẽ tiếp tục thực hiện việc trung chuyển từ Công viên 23/9, cho các khách hàng có nhu cầu và đăng ký trước.