Sắc đỏ lan tỏa hầu hết mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và dầu thô

Ngoại trừ bông, cao su và dầu thô WTI khởi sắc, giá của các hợp đồng kì hạn hàng hóa trong nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đều sụt giảm.

Giá cà phê lao dốc, bông giữ vững đà tăng

Lực bán mạnh khiến cho phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp không còn giữ được sắc xanh. Giá cả hai mặt hàng cà phê tiếp tục điều chỉnh với giá Arabica giảm 0.7% còn 199.95 cents/pound, giá Robusta đóng cửa thấp hơn gần 1% so với phiên trước đó còn 2177 USD/tấn.

Trong một ngày mà các thị trường mang đậm tính chất đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử đều thăng hoa nhờ vào sự suy yếu của đồng USD, giá cà phê vẫn không được hỗ trợ vì trước đó đã tăng quá mạnh.

Trong khi các ngân hàng trung ương EU và Brazil đều đang muốn thu hẹp lại các gói hỗ trợ tài chính và nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang tích cực vận động cho các gói ngân sách và có thể là một yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê trong trung hạn.

Chỉ số thuê tàu hàng khô BDI Index đã giảm liên tục từ đầu tháng 10 đến nay, cho thấy chi phí vận tải biển đã “giảm nhiệt” do nhu cầu xuất khẩu phía Trung Quốc giảm, tuy nhiên, việc tắc nghẽn và tiến độ dỡ hàng chậm tại các cảng vẫn khiến số lượng container hiện nay không đủ để phục vụ nhu cầu vận chuyển. Trong các tháng cuối năm, cà phê sẽ phải cạnh tranh “vất vả” để có được một suất lên tàu.

Hai mặt hàng đường cũng đồng loạt giảm trung bình 0.5% trong phiên hôm qua, khiến cho giá đường 11 vẫn chưa vượt được qua mức 20 cents và đóng cửa ở mức 19.62 cents/pound.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường đường đang vắng bóng các tin tức cơ bản có khả năng hỗ trợ cho giá bứt phá, nên giá đường vẫn chưa thể vượt qua các mức kháng cự quan trọng. Bên cạnh đó, đợt mưa gần đây ở ền Nam Brazil cũng đang cải thiện tiềm năng đáng kể cho niên vụ tới.

Bông là một trong số các mặt hàng hiếm hoi duy trì được sắc xanh trên bảng giá, sau khi có số liệu tích cực từ báo cáo Xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Sản lượng cho niên vụ 2021/22 của Mỹ đang ở mức 360,800 kiện, tăng 6% so với mức trung bình của tháng trước.

Trung Quốc cũng nhập khẩu gần 187,000 kiện, giữ vững vị thế là nhà nhập khẩu lớn nhất. Nhu cầu bông trong giai đoạn tới được dự báo vẫn sẽ ở mức cao để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may trong đợt mua sắm cuối năm.

Thị trường dầu thô tạm thời vượt qua nỗi lo nguồn cung Iran

Giá dầu kết thúc trái chiều ngày hôm qua, với WTI tăng nhẹ 0.18% lên 82.81 USD/thùng còn Brent giảm 0.25% xuống 83.66 USD/thùng. Cả 2 loại dầu thô đều giảm rất mạnh trong phiên sáng, tuy nhiên đã phục hồi trở lại vào phiên tối nhờ lực mua bắt đáy. Theo đánh giá của MXV, thị trường vẫn được hỗ trợ rất nhiều từ các yếu tố căn bản, như nguồn cung thu hẹp so với nhu cầu.

Theo ước tính của Ủy ban Kỹ thuật chung OPEC+, tồn kho dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm 1.1 triệu thùng/ngày trong quý IV, so với dự báo trước đó ở mức giảm 670,000 thùng/ngày, do nhu cầu nhiên liệu tăng lên trong khi mức tăng sản lượng của các nhà sản xuất không thuộc OPEC+ thấp hơn kỳ vọng. Khả năng Iran đạt được đàm phán hạt nhân với Mỹ và được phép dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng không hoàn toàn chắc chắn.

Trên hết, với thời điểm hiện tại, khả năng Iran có thể quay trở lại xuất khẩu trong cuối năm nay là không lớn. Hiện tại hợp đồng WTI chiếm tỷ trọng giao dịch trên 55% so với tổng các hợp đồng dầu tương lai, do đó, trong phiên giá WTI biến động mạnh hơn và lực mua cuối phiên có phần nhỉnh hơn so với Brent, giúp giá đóng cửa trong sắc xanh.

Khí tự nhiên giảm mạnh 6.71% xuống 5.782 USD/MMBTu sau khi phía Nga đưa ra tín hiệu sẽ gia tăng sản lượng khí cung cấp cho châu Âu, gây sức ép lên thị trường khí tự nhiên nói chung.