Robusta lập đỉnh 10 năm, Arabica và đường thô đồng loạt tăng

Kết thúc phiên giao dịch 11/11, sắc xanh vượt trội trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, đường và cà phê đồng loạt tăng mạnh, trái chiều với mức giảm nhẹ của dầu cọ thô và bông.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 01 trên sở ICE EU tăng vọt 3.48% lên mức 2292 USD/tấn, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 trên sở ICE US đóng cửa với mức tăng tương đương 3.38%, lên mức 210.9 cent/pound, cũng là mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Trong bối cảnh sản lượng cà phê Arabica niên vụ 22/23 của Brazil không cao như niên vụ 20/21, khi mà đây đều là các niên vụ có năng suất cao trong chu kỳ 2 năm 1 của cây cà phê, việc đồng Real Brazil tăng mạnh 1.68% trong ngày hôm qua đã hạn chế nhiều đi lực bán từ nông dân nước này, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá.

Đối với cà phê Robusta, thời tiết bất lợi tại Việt Nam cùng với việc hoạt động vận tải bị hạn chế là yếu tố chính thúc đẩy giá.

Khu vực Tây Nguyên hiện đang có mưa lớn dồn dập trong nhiều ngày qua. Mưa tại thời điểm này không có lợi cho cây trồng và làm chậm quá trình thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đấy, dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây ra lo ngại rất lớn về việc xuất khẩu có thể tiếp tục bị gián đoạn.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 trên sở ICE US cũng tăng rất mạnh 2.65% lên mức 20.12 cent/pound, cao nhất kể từ đầu tháng 10. Bên cạnh việc đồng Real tăng làm hạn chế lực bán từ nông dân Brazil, việc chính phủ Ấn Độ cắt giảm trợ cấp xuất khẩu đường nhằm tập trung cho mục tiêu đạt được tỷ lệ pha trộn 20% ethanol với xăng vào năm 2025 sẽ khiến cho sản lượng đường suy yếu, và là yếu tố chính thúc đẩy giá trong phiên hôm qua.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu tăng trở lại sau một phiên giao dịch giằng co ngày hôm qua, với giá WTI tăng nhẹ 0.25% lên 81.59 USD/thùng, giá Brent tăng 0.28% lên 82.64 USD/thùng.

Bất chấp số liệu tiêu cực từ Báo cáo Thị trường Dầu của OPEC tối qua, giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên tối. Thực chất, việc OPEC+ hạ dự báo nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2021 xuống 96.44 triệu thùng/ngày không quá bất ngờ, khi đầu tháng 11 Ủy ban Kỹ thuật chung JTC của OPEC+ đã có động thái tương tự.

Thông điệp về các rủi ro đến từ đại dịch COVID-19 liên tục xuất hiện trong các bài phát biểu của thành viên OPEC+ một lần nữa xuất hiện trong báo cáo tháng này và không gây ra phản ứng tiêu cực cho thị trường.

Tâm lý tích cực tiếp tục duy trì khi thị trường chướng khoán Mỹ tăng trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp, giúp củng cố niềm tin của giới đầu tư về các tài sản rủi ro cũng như đà tăng trưởng của nền kinh tế bất chấp các khó khăn như vấn đề về chuỗi cung ứng.

Giá khí tự nhiên cũng phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 5.51% khi lực mua bắt đáy xuất hiện sau khi giá giảm 4 phiên liên tiếp.