Ra mắt Thư viện số Doanh nhân Việt Nam

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - Tạp chí của Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt Thư viện số Doanh nhân Việt Nam, tại địa chỉ tvdn.doanhnhansaigon.vn và thuviendoanhnhan.vn.

Đây là công trình ghi nhận và tôn vinh các doanh nhân, lưu lại khối tài sản bao gồm thông tin, tri thức và kinh nghiệm quý báu của cộng đồng doanh nhân Việt Nam xưa và đương thời cho muôn đời sau.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Thư viện số Doanh nhân Việt Nam (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)

Trên nền tảng Thư viện Doanh nhân Việt Nam, với mỗi tên doanh nhân, người đọc có thể tìm được các thông tin như: Thông tin cá nhân của doanh nhân; Lĩnh vực kinh doanh và doanh nghiệp nơi làm việc của doanh nhân; Quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nhân; Triết lý kinh doanh, bài học và kinh nghiệm thương trường của doanh nhân; Những thành tựu doanh nhân đã đạt được; Những đóng góp của doanh nhân cho xã hội; Những tư liệu (bài viết, sách, hình ảnh) do doanh nhân viết và viết về doanh nhân...

Trong lịch sử xã hội Việt Nam, thời phong kiến, doanh nhân đứng ở cuối thang bậc của xã hội. Câu “Sĩ – nông – công – thương” thể hiện điều đó. Chính vì vậy, khi các thương gia thành công, có nhiều tiền, họ sẽ đầu tư cho con học đi thi để được gia nhập vào tầng lớp "sĩ" (quan lại, sĩ phu...) hoặc đem tiền trở về quê mua thật nhiều ruộng đất, bắt đầu một quá trình tự "nông dân hóa" để gia nhập trở lại vào tầng lớp "nông". Suốt thời kỳ này tầng lớp doanh nhân không phát triển được. 

Đến thời thực dân, tầng lớp doanh nhân Việt Nam thực sự hình thành và phát triển. Về mặt số lượng họ khá đông đảo và bắt đầu một quá trình tích tụ nguồn vốn, tri thức và kinh nghiệm để vươn lên kinh doanh và cạnh tranh lại với tư bản nước ngoài.

Nhiều người trong số họ là những người xuất chúng và có những hành động yêu nước thiết thực như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà...

Kể từ năm 1986, vai trò của doanh nhân trong xã hội ngày càng được khẳng định, thể hiện rõ nét qua các kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết Đại hội VI (năm 1986) Đảng thừa nhận kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

Tháng 12/1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành đã mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân ra đời và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của tầng lớp doanh nhân Việt Nam.

Đại hội VII (năm 1991) của Đảng đặt vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức, nhà kinh doanh, người quản lý, chuyên gia công nghệ và công nhân lành nghề để đảm đương, gánh vác nhiệm vụ trước mắt và chuẩn bị tốt cho đất nước và thế hệ trẻ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI1.

Tiếp đó, Đại hội VIII (năm 1996), Đảng chủ trương: “Tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ǎn lâu dài”.

Đại hội IX (năm 2001), Đảng định hướng: “Tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc, xoá bỏ mọi trở lực để khơi dậy nguồn lực to lớn trong dân, cổ vũ các nhà kinh doanh và mọi người dân ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước”…

Năm 2004, từ sáng kiến của Báo Doanh Nhân Sài Gòn – tiền thân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam. Ngày 13/10 hằng năm là ngày tôn vinh các doanh nhân về những đóng góp của họ với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của doanh nhân trong công cuộc phát triển chung của đất nước.

Tại Nghị quyết số 09/NQ-TW (ngày 9/12/2011) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lần đầu tiên Đảng công nhận doanh nhân là một đội ngũ.

Điều này đã tạo động lực to lớn, củng cố niềm tin cho doanh nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trong thời kỳ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.