Phát triển không gian ngầm: Không chỉ cho hạ tầng mà còn cho những mục tiêu khác

Theo các đề án, phương án chỉnh trang khu vực trung tâm, TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng không gian ngầm tại công viên bến Bạch Đằng và các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23-9, nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành.

Hiện nay hệ số sử dụng đất ngày càng bị eo hẹp trong khi dân số ngày càng tăng. Do đó, quy hoạch không gian ngầm sẽ tăng diện tích sử dụng và giúp giảm tải, giải quyết được vấn đề giao thông, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Tuy nhiên để quy hoạch, phát triển không gian ngầm ở TP.HCM một cách hiệu quả cần có quy hoạch bài bản, 1 cơ chế tự quyết và quyết tâm cao. 

 

Kẹt xe, thiếu bãi đỗ xe, thiếu khu thương mại ngầm….là những gì đang tồn tại ở TP.HCM. Do đó, phát triển không gian ngầm để phát huy tối đa hiệu quả đất đai đô thị, đặc biệt ở vùng trung tâm là xu hướng tại nhiều đô thị hiện đại.

Tuy nhiên, tại TP.HCM không gian ngầm hầu như vẫn chưa được khai thác hiệu quả nên tình trạng thiếu bãi đậu xe, ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm ngày càng nghiêm trọng.

"Đến các nhà hàng thì gửi xe rất là khó, vì tất cả xung quanh đây đều chật cứng, phải đi rất xa để tìm chỗ gửi".

"Bây giờ cái tình trạng thiếu bãi đỗ xe ở khu trung tâm rất là lớn, nhu cầ đổ xe nhiều nhưng mà bãi đỗ xe thì khan hiếm. Cho nên càng ngày tình hình nó trở nên căng thẳng hơn".

"Xe cũng nhiều khói bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe của ̀nh, đi học thì cũng kẹt, lâu lâu cũng trễ giờ".

"Cái đó giờ rất là cấp bách, thành phố nên áp dụng những phương pháp như thế".

Tại TP.HCM không gian ngầm hầu như vẫn chưa được khai thác hiệu quả nên tình trạng thiếu bãi đậu xe, ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm ngày càng nghiêm trọng.

Trên thực tế, từ nhiều năm trước, TP.HCM đã đặt ra vấn đề và tiến hành nghiên cứu để xây dựng quy hoạch tổng thể không gian ngầm. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc này vẫn chưa thực hiện được. Vừa qua, UBND TP.HCM vừa giao cho các sở ban ngành thành phố nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm có nhiệm vụ đề xuất kế hoạch và hình thức kêu gọi đầu tư xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm tại công viên bến Bạch Đằng và tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23/9, nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành.

Cụ thể, khu vực bến Bạch Đằng có nhiều không gian ngầm với mục đích sử dụng đa dạng như trung tâm thương mại, bãi đậu xe đến đường giao thông ngầm. Đường Tôn Đức Thắng và khu vực quanh Công trường Mê Linh sẽ được ngầm hóa để phục vụ giao thông. Dưới đường Nguyễn Huệ cũng có ít nhất hai tầng hầm.

Tại đường Lê Lợi, ngoài đường metro 1 chạy dọc theo tuyến đường Lê Lợi hiện đã hoàn thành thì một doanh nghiệp đã nghiên cứu dự án trung tâm đô thị ngầm dọc con đường lớn này. Một số công trình kế cận cũng có kế hoạch kết nối với không gian ngầm của hệ thống metro số 1 như tòa nhà ở tứ giác Bến Thành, dự án trên khu đất thương xá Tax cũ, các tòa nhà gần ga Nhà hát TP, ga Ba Son…

Tiến sỹ Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM) nhấn mạnh. “Trong chiến lược đô thị thì đã đến lúc không gian ngầm trở thành 1 trong những vấn đề rất quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đô thị hiện nay. Và ý nghĩa của không gian ngầm đã được nâng tầm lên, không phải cho hạ tầng kỹ thuật, mà còn cho cả các mục tiêu khác. Và không phải là không gian ngầm chỉ phục vụ cục bộ cho từng công trình mà phải liên kết với nhau để tạo thành 1 hệ thống không gian ngầm của toàn đô thị”.

Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), nhiều công trình trong trung tâm thành phố đều có nhu cầu khai thác không gian ngầm làm trung tâm thương mại, khu ăn uống hay làm chỗ đậu xe. 

Tuy nhiên chỉ là những hầm riêng lẻ, chưa kết nối với nhau. Do đó, nếu thành phố quy hoạch và khai thác được không gian ngầm, sẽ giúp làm giảm bớt mật độ công trình ở mặt đất, làm cho giao thông thông thoáng hơn và các hoạt động tốt hơn.

“Chúng ta chưa khai thác không gian ngầm ở quy mô lớn mà chỉ khai thác quy mô nhỏ. Còn đây là một quy hoạch triển khai không gian ngầm của cả một tuyến đường, tức là quy mô của nó rất lớn. Nếu chúng ta khai thác được không gian ngầm, thì nó sẽ giúp TP làm giảm bớt mật độ công trình ở mặt đất, và không gian ngầm ấy giống như chúng ta tạo thêm ra mặt bằng thì giá trị kinh tế tạo ra do mặt bằng mới ấy, độ ngầm ấy nó sẽ tăng lên".

Đánh giá về nghiên cứu xây dựng không gian ngầm tại công viên bến Bạch Đằng và các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23-9, nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành… Tiến sĩ khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi có khu đô thị ngầm, một loạt vấn đề giao thông hiện nay tại khu trung tâm sẽ được giải quyết.

Thứ nhất, tạo sự an toàn cho người đi bộ tại các không gian công cộng như: đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng.

Thứ hai, giúp tăng diện tích không gian công cộng chính của thành phố ra bờ sông Sài Gòn trong bối cảnh khu trung tâm lịch sử đang thiếu quảng trường.

Thứ ba, khai thác không gian ngầm làm tăng hiệu quả sử dụng đất, bổ sung thêm các chức năng cần thiết cho khu trung tâm, như: bãi xe, cửa hàng thương mại ngầm... mà vẫn giữ được sự thông thoáng cho trung tâm thành phố và có thể giúp thoát ngập.

“Không gian ngầm này có thể dành 1 số không gian nhất định để làm hầm điều tiết để tạm chứa nước khi mưa nhiều, và khi tạnh mưa nước sẽ thoát ra sông, giúp cho khu trung tâm thoát ngập. Ngoài ra, không gian dưới quảng trường chợ Bến Thành là nó kết nối mạng lưới ga metro lớn nhất tphcm và ở đây mình có thể quy hoạch đầu mối kết nối giao thông đa phương tiện. Tức là không chỉ metro mà có trạm xe bu‎s ngầm, kết nối với nhau. Thứ 2, khu vực ngầm dưới đường Nguyễn Huệ có thể xây dựng bãi xe ngầm...”

Cũng theo ông Ngô Viết Nam Sơn, muốn xây dựng không gian đô thị ngầm trước hết phải có chiến lược quy hoạch phát triển và khai thác không gian ngầm một cách bài bản, định hướng kết nối 2 bờ Đông Tây. Sau đó có cơ chế chính sách xã hội hóa hấp dẫn thu hút tư nhân tham gia đầu tư:

“Cái việc quy hoạch điều quan trọng là đưa ra định hướng chiến lược. Tôi nghĩ rằng cái vấn đề không gian ngầm cần đặt lại trong tổng thể quy hoạch khu trung tâm 2 bờ Đông Tây.

Với một kết nối trực tiếp như vậy nó sẽ khơi mở cho việc thu hút đầu tư cho khu trung tâm tài chính bên Thủ Thiêm và nó cũng làm cho khu trung tâm bên bờ Tây đường Lê Lợi đường Nguyễn Huệ trở nên hấp dẫn hơn về mặt đầu tư cũng như thu hút nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Và cái chuyện thực hiện có thể kêu gọi công tư hợp tác. Nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn ra họ xây dựng và họ được quyền sử dụng trong 1-2 thập niên hay là được ưu đãi về thuế... Như vậy, việc xây dựng không gian ngầm sẽ không phụ thuộc nhiều vào ngân sách công".

Cần có một cơ chế tự quyết và quan trọng nhất là đủ quyết tâm để “làm bằng được”.

Quyết tâm để "làm bằng được"

 

Không gian ngầm là nguồn tài nguyên không gian quan trọng và không thể thiếu của các đô thị hiện đại. Đây là không gian hết sức lý tưởng để có thể khai thác tối đa cho các hoạt động thương mại, giao thông công cộng, các thiết chế văn hoá, giải trí…Rất nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu đã và đang tận dụng tốt nguồn lực này.

Kỳ vọng về một không gian ngầm quy mô, hiện đại, đồng bộ, tiện ích tại khu vực trung tâm TPHCM đã có từ nhiều năm qua, song vì nhiều lý do khác nhau mà mọi thứ đến nay vẫn chỉ dừng ở ….ý tưởng.

Hiện nay ở TPHCM, hầu hết diện tích không gian ngầm dưới lòng đất gần như bỏ trống. Ngay tại khu vực trung tâm, phần lớn các tòa nhà làm tầng hầm chỉ để phục vụ chính dự án đó mà chưa có sự kết nối, liên kết với các dự án khác để tối ưu hiệu quả sử dụng.

Trong mắt các chuyên gia và nhà đầu tư, đây là một sự lãng phí nguồn lực quá lớn, gián tiếp khiến các điểm nghẽn của thành phố trở nên bức bối hơn.

Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng những vướng mắc về pháp lý, hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn và cả những bất cập do quá trình xây dựng thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát cũng đã khiến quá trình “ngầm hoá đô thị” của TP.HCM gặp không ít khó khăn. 

Song, như khẳng định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học thì TP.HCM hoàn toàn đủ năng lực để phát triển không gian ngầm, ễn là thành phố có 1 quy hoạch bài bản, có một cơ chế tự quyết và quan trọng nhất là đủ quyết tâm để “làm bằng được”.

TP.HCM đang đứng trước 1 cơ hội lớn khi Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực, và cả hệ thống chính trị địa phương này đang vào cuộc với 1 khí thế hết sức phấn khởi để hiện thực hoá nhanh nhất các cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong xu thế ấy, mong rằng chính quyền thành phố sẽ dành sự quan tâm thích đáng cho việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị, tạo tiền đề để nâng cấp diện mạo thành phố một cách đồng bộ, triệt để hơn.