PetroVietNam: Tự tin sẵn sàng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi

Phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi là giải pháp tất yếu nhằm chuyển dịch năng lượng từ hydrocarbon truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và cụ thể hóa cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành dầu khí đang tích cực tham gia với vai trò là nhà thầu cung cấp dịch vụ và sẵn sàng trở thành chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. 

Bãi chế tạo và lắp ráp cơ khí tại Khu căn cứ Cảng hạ lưu PTSC ở Vũng Tàu hiện có hàng nghìn cán bộ, kĩ sư và người lao động đang thi công, lắp ráp các cấu phần của 5 dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi và giàn khoan cho các chủ đầu tư nước ngoài.

Trong đó, riêng dự án Gallaf - giai đoạn 3, gói số 5 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC làm tổng thầu EPCI đang thi công giai đoạn nước rút, với hơn 1.800 lao động, sẽ hoàn thành, bàn giao cho cho chủ đầu tư NOC (Qatar) 2 giàn đầu giếng, 2 bộ chân đế và cọc, với khối lượng hơn 18 nghìn tấn vào giữa tháng 4 năm 2023.

Bãi chế tạo và lắp ráp cơ khí, Khu căn cứ Cảng hạ lưu PTSC

 

PTSC cũng đang tích cực chuẩn bị để triển khai công tác chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi với trọng lượng gần 20 nghìn tấn kết cấu cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và Hai Long 3 tại Đài Loan.

Ông Đoàn Tuấn Nam, Giám đốc thi công dự án cho biết:  "Với đội ngũ kĩ sư có trình độ cao, phần lớn kĩ sư giám sát và thiết kế đều được đào tạo bài bản ở nước ngoài và trải qua các dự án lớn, đã tích lũy kinh nghiệm, tự vươn lên trở thành tổng thầu EPCI ngang tầm thế giới bắt buộc toàn bộ kĩ sư phải không ngừnghọc hỏi nâng cao trình độ kinh nghiệm, làm việc với các chủ đầu tư nước ngoài là cơ hội lớn để chúng ta vươn ra thế giới".

Thi công dự án Gallaf giai đoạn 3

Với bề dày kinh nghiệm, từng tham gia hơn 150 dự án dầu khí ngoài khơi trong và ngoài nước, cung cấp chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn; đồng thời đội ngũ nhân lực hùng hậu, với hơn 8.000 lao động có trình độ tay nghề cao và cơ sở hạ tầng là các bãi chế tạo và lắp ráp cấu kiện phủ khắp 3 ền, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) khẳng định sẵn sàng tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi với cả 2 vai trò là nhà thầu và nhà đầu tư.

Hiện nay PTSC đã và đang hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi cho các chủ đầu tư nước ngoài như: Đài Loan, Đan Mạch và thực hiện khảo sát giai đoạn đầu của một số dự án trong nước cho các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng giám đốc PTSC chia sẻ: "Không phải bây giờ mà cách đây gần 20 năm chúng tôi đã tự tin làm tổng thầu EPCI rất nhiều dự án có qui mô lớn, từ thiết kế, mua sắm, thi công, lắp ráp, chạy thử, vận hành, bảo dưỡng, nghĩa là một chuỗi khép kín các công trình phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi.

Giống như các nhà đầu tư điện gió lớn trên thế giới hiện nay, họ cũng xuất thân từ các nhà thầu dầu khí chuyển đổi sang, do dự án dầu khí và dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. Chỉ khác là giàn khoan dầu khí thì khoan xuống đáy biển, còn năng lượng tái tạo ngoài khơi được tạo ra do chuyển đổi gió từ trên không trung".

Thi công dự án Gallaf giai đoạn 3 cho chủ đầu tư NOC (Qatar)

Ông Vũ Mai Khanh, Phó TGĐ Đầu tư phát triển và Dịch vụ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro cho biết, hiện nay đơn vị đang cùng với Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu tái sử dụng kết cấu chân đế giàn khoan ngoài khơi để lắp trụ điện gió. 

"Kết cấu chân đế giàn khoan ngoài khơi sau khi ngừng khai thác theo luật phải thu dọn mỏ, trả lại hiện trường cho nước chủ nhà, mình sử dụng chân đế giàn khoan đó để lắp để sản xuất ra điện và dùng điện đó để đổi từ nước biển qua nước ngọt, sau đó từ nước ngọt điện phân trở lại tức là hydrogen.

Hiện nay thế giới đã cho phép một hỗn hợp 30% hydrogen và 70% khí thiên nhiên có thể nén, vận chuyển và đốt được. Nếu thành công sẽ áp dụng đại trà, bởi số lượng chân đế giàn khoan vủa VN khá nhiều".

Giàn đầu giếng, dự án Gallaf giai đoạn 3, do PTSC M&C làm tổng thầu EPCI

Không chỉ PTSC có đầy đủ điều kiện cần và đủ để triển khai năng lượng tái tạo ngoài khơi mà Vietsovpetro và nhiều DN trực thuộc PVN cũng sẵn sàng tham gia vào chuyển dịch năng lượng.

Để đạt mục tiêu đạt 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 Chính phủ cần sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII, có cơ chế chính sách đột phá về năng lượng tái tạo ngoài khơi; giao một đầu mối quản lý Nhà nước tương tự như cách quản lý của nhà nước đối với các dự án dầu khí, đặc biệt là vai trò của PVN trong việc đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi và cần quy định rõ tỷ lệ nội địa hóa, tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, làm chủ công nghệ, phát huy vai trò tự lực, tự cường, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo Việt Nam.