Ô nhiễm không khí gia tăng, người dân lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe

Những ngày đầu tháng 3, số lượng ngày có chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng 300 (ở mức kém và nguy hại) ở Hà Nội có xu hướng gia tăng so với tháng trước, thông số bụi PM 10, PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TĂNG CAO, NHIỀU NGƯỜI KHÓ THỞ

Những ngày này, thường xuyên phải chạy xe công nghệ ngoài đường, anh Nguyễn Văn Hùng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cảm thấy rất khó chịu bởi chất lượng không khí bị ô nhiễm, đường lúc nào cũng trắng mờ. Nếu phải chạy liên tục nhiều giờ, anh Hùng còn có biểu hiện khó thở.

Còn chị Bảo Ngọc, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vốn có tiền sử bị bệnh xoang cảm nhận rất rõ ảnh hưởng của sự gia tăng ô nhiễm không khí (ONKK) đến sức khỏe bản thân. Khi chỉ số chất lượng không khí báo xấu, tần suất tái phát bệnh xoang cao hơn, mức độ khó thở nhiều hơn ngày xưa, chị Ngọc không tránh khỏi lo lắng.

Trong khi đó, mặc dù học đại học ở Hà Nội gần 1 năm nhưng chị Diệu Thùy, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn vẫn chưa thể thích nghi hoàn toàn với môi trường không khí ở thủ đô.

“Chất lượng không khí ở Hà Nội có sự khác biệt rõ rệt đối với chất lượng không khí ở quê, sau mỗi lần ở quê ra Hà Nội, em thường bị ốm mất mấy ngày. ONKK còn ảnh hưởng đến da và hệ hô hấp”, chị Thùy cho biết.

Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có lúc đã vượt quá 300 (ở mức nguy hại), nhiều điểm của Hà Nội chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu.

Vào buổi sáng, nhiều khu vực của thành phố bị bao trùm bởi làn sương mờ, nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội gần như biến mất trong sương, người tham gia giao thông gặp khó khăn do tầm nhìn hạn chế.

Tòa nhà cao tầng ở Hà Nội gần như biến mất trong sương (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Theo Thạc sỹ. Bác sĩ Vũ Văn Thành, công tác tại Bệnh viện phổi Trung ương, có nhiều loại hạt bụi mịn khác nhau về kích thước, tính chất phức tạp: bụi từ khí thải xe hơi, từ các nhà máy công nghiệp, từ các công trường xây dựng... Các hạt bụi này, tùy thuộc vào từng hợp chất, phản ứng hóa học khác nhau sẽ gây ra những tác động khác nhau.

Bác sĩ Vũ Văn Thành cảnh báo: “Nếu tiếp xúc thường xuyên và lâu dài đối với những hạt bụi mịn có kích thước nhỏ PM2.5 có thể gây ra những ảnh hưởng đến cơ thể con người, đặc biệt là hệ hô hấp. Những hạt bụi mịn từ PM 2.5 có thể đi sâu vào tận phế nang, tác động sâu đến toàn bộ tổ chức phổi và hệ thống tim mạch, là nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…”

Theo báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 và tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021 (do Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Y tế Công Cộng và Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng Đồng thực hiện), năm 2019 có trên 56.800 người tử vong sớm vì bụi PM 2.5 tại Việt Nam, chiếm khoảng 9,9% tổng số ca tử vong do các nguyên nhân tự nhiên tại Việt Nam.

Hà Nội là địa phương có số ca tử vong quy thuộc năm 2019 lớn nhất cả nước, dao động trong khoảng 113-444 ca tùy thuộc quận. Các quận đông dân như Đông Anh, Hà Đông và Hoàng Mai có số ca tử vong đều trên 300 ca.

Bên cạnh gánh nặng về bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh hoặc nghỉ ốm do bệnh hô hấp, tương đương khoảng 2 nghìn tỷ đồng/ năm cho giai đoạn 2011-2015 (cho 3,5 triệu dân nội thành).

TĂNG MẠNH SỐ NGÀY CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ Ở MỨC KÉM, NGUY HẠI 

Thừa nhận thực tế này, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội cho biết, kết quả quan trắc từ các trạm quan trắc của thành phố Hà Nội, số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và nguy hại tăng nhiều hơn so với tháng trước, thông số bụi PM 10, PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép.

Mặt khác, theo bà Thủy, hiện tượng thời tiết thời điểm này, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm rất lớn, hiện tượng sương mù, nghịch nhiệt khiến cho không khí cũng là một trong những yếu tố khách quan khiến cho chất lượng không khí Hà Nội đi xuống trong những ngày gần đây

Theo TS Nguyễn Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi đã xuất hiện cách đây một phần tư thế kỷ và suốt những năm qua, nồng độ bụi không giảm, đặc biệt là bụi PM 2.5. Theo kết quả của Trung tâm quan trắc môi trường của Tổng cục môi trường, trong năm 2023, nồng độ bụi PM 2.5 cao vượt mức quy chuẩn và có xu hướng cao hơn trong giai đoạn 2019-2022.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2026-2020 đã cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu năm 2019 chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc.

Nguồn: Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021

Còn Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 và tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021, giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, 100% các quận huyện ở Hà Nội đều vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT và khuyến nghị của WHO năm 2021.

Nồng độ bụi ở Hà Nội cao ở các quận nội thành; cao nhất tại các tháng 1 và tháng 12 (mùa khô) và thấp nhất tại các tháng 7-8 (mùa mưa). Tỷ lệ số ngày chất lượng không khí ở mức tốt năm 2021 chiếm 42,2%, mức trung bình chiếm 39,7%, tương đương so với năm 2020.

Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí. Vậy đâu là những nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội? Hiện nay công tác thống kê, dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí của Hà Nội đang được thực hiện như thế nào?

Nội dung này sẽ được nhóm PV VOV Giao thông tiếp tục đề cập trong phóng sự tiếp theo!