Nỗi đau người ở lại

Chủ nhật tuần thứ Ba của tháng 11 hàng năm được thế giới chọn là ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông như một lời chia sẻ với nỗi đau những người ở lại, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông.

Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc tới người anh không may ra đi vì tai nạn giao thông, anh Bùi Văn Giang ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lại rơi nước mắt. Đau buồn vẫn in sâu trên khuôn mặt của người ở lại. Trong căn nhà trống vắng, hiu quạnh, là nơi thờ cúng cho cha, mẹ và người anh trai xấu số qua đời do tai nạn giao thông.

Anh Giang kể, ngày 04/02 năm ngoái, khi đang đi bộ trên tuyến Quốc lộ 30, người anh ruột của anh đã bị xe mô tô chạy hướng từ thành phố Hồng Ngự đi thành phố Cao Lãnh tông trúng, dẫn đến tử vong: Xe tông trúng ảnh rồi ảnh mất, cũng buồn, cũng cố gắng. Lỡ chuyện như vậy rồi thì em cũng cố gắng. Cuộc sống của mình vậy rồi mình phải cố gắng thôi…

ảnh nh họa

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thoa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, kể từ khi người chồng, người cha, là trụ cột trong gia đình mãi mãi đi xa, căn nhà của mấy mẹ con cũng trở nên quạnh hiu. Bên chiếc bàn thờ còn nghi ngút khói hương, chị Thoa không kìm được xúc động. Nhìn ánh mắt cùng lời kể đượm buồn của chị Thoa cùng con khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nỗi đau quá lớn, không thể nào bù đắp được với gia đình nhỏ này: Mới có 7h mấy hà, đường vắng nữa mà lại đua xe, bởi giờ thấy người trẻ không có suy nghĩ gì, em chỉ khuyên người cầm tay lái nên thận trọng và xem tính mạng người khác cũng như tính mạng của mình.

Các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vừa rồi chỉ là số ít trong rất nhiều gia đình đang phải gánh chịu nỗi đau, sự mất mát do tai nạn giao thông. Vẫn biết tai nạn giao thông là điều không ai muốn xảy ra, tuy nhiên, một khi ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng lên, khi đó, hiểm họa tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Sau mỗi vụ việc, người là nạn nhân và gia đình của họ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nỗi đau của việc cha, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha mẹ không gì bù đắp được. Với những người may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, gia đình lại luôn phải đối mặt với khốn khó, nợ nần vì lo chạy chữa, điều trị để cứu sống người thân.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Chánh Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Mong muốn các  người dân chúng ta khi tham gia giao thông thì phải hết sức tuân thủ các pháp lệnh về trật tự an toàn giao thông, khuyên răn người thân mình khi tham gia giao thông luôn luôn tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ lận đường thủy.

Tại Việt Nam, trong 10 tháng qua, toàn quốc xảy ra hơn 9.800 vụ tai nạn giao thông, đã có hơn 5.400 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với hơn 6.900 người bị thương tật suốt đời. Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam, hãy vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng, phải tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông. Vì sự an toàn trên mọi con đường. Vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà! Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại!

Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông để xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, văn nh.

Hậu quả của các vụ tai nạn giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân mà còn gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần và nhiều hệ lụy khác. Mỗi ngày trôi qua, lại có những người mãi mãi ra đi hay bị thương tật chỉ vì tai nạn giao thông.

Những năm gần đây, việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Bởi người lái xe phần vì đã biết sợ mức phạt rất cao, đánh thẳng vào kinh tế cá nhân; phần vì họ đã biết lo cho chính mình và người thân để rồi tự hình thành thói quen tự giác. Dù vậy, tất cả vẫn chỉ mới được xem là kết quả bước đầu.

Hậu quả tàn khốc của tai nạn giao thông không chỉ là những chấn thương phải mang trên cơ thể theo năm tháng, mà đó còn là nỗi đau, những giọt nước mắt day dứt khôn nguôi và cả gánh nặng về kinh tế, đời sống. Nhưng xót xa nhất vẫn là những cuộc chia ly không gì bù đắp được. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng đều chua xót và đau thương theo một kiểu riêng. Chỉ có những người trong cuộc mới là người thấm thía đến tận tim gan khi mà tai nạn giao thông đã bào mòn niềm vui, hạnh phúc của gia đình họ, từng ngày, từng giờ và chưa biết đến khi nào có thể nguôi ngoai.

Muốn giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết và bị thương đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện.

Điều quan trọng mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông bằng ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông. Thượng tôn pháp luật, tôn trọng những người cùng tham gia giao thông cũng là cách để mỗi người có thể an toàn trở về nhà, để không còn những chuyến đi cuối cùng vì tai nạn giao thông.