Niềm vui lớn nhất là các em tới trường đầy đủ

Mù Cang Chải là cả thanh xuân, tình yêu, sự nghiệp giáo dục của tôi. Đã có lần tôi định chuyển về xuôi, nhưng tình cảm của các em học sinh, tình cảm con người vùng cao níu chân tôi lại…

Cô Vũ Thị Hương – Giáo viên tiểu học Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trong buổi lên lớp thường ngày.

Lỡ yêu vùng cao, cô giáo quê Nghệ An gắn bó với Mù Cang Chải 24 năm

Cô Vũ Thị Hương – Giáo viên tiểu học Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lên điểm trường và gắn bó với huyện Mù Cang Chải, Yên Bái được khoảng 24 năm.

Cô Hương quê gốc ở huyện Yên Thành, Nghệ An, năm 1995 cô rời quê lên tỉnh Yên Bái. Lúc ấy, cô lên theo học lớp sư phạm 9+3 ở trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, sau khi ra trường đến năm 1999 cô lên Mù Cang Chải, Yên Bái và về trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái công tác.

“Ngày ấy, giao thông hết sức khó khăn. Đi từ Nghệ An lên tới Mù Cang Chải, Yên Bái nhanh nhất cũng 3 ngày đường. Còn ở Mù Cang Chải lúc đó đường hai bên là vách núi, vực sâu, đi ngót vài cây số mới thấy nhà dân ẩn hiện trong lớp mây trên nên núi. Nhà của cán bộ, công nhân viên chức dưới xuôi lên đây công tác dựng bằng gỗ, mái lợp gỗ thông nhỏ nhỏ, chúng tôi đi học cũng là đi bộ. Trên Mù Cang Chải cả huyện có một ngôi trường liên cấp 2,3, mỗi khối chỉ có một lớp học thôi, học sinh đa phần là con em ở dưới xuôi lên trên này học tập để cống hiến cho vùng cao”, cô Hương kể.

Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha năm 1999 - Năm đầu tiên cô Hương về nhận công tác. Ảnh: NVCC

Trong trí nhớ của cô Hương, những năm 1999, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha nhà, lớp học làm bằng gỗ, tre, các em học sinh đi lại rất khó khăn. Ngày nào các thầy, cô giáo của nhà trường cũng vào những bản xa xôi để vận động học sinh đến lớp. Bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất với cô Hương thời điểm đó.

Đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha đã có sự thay đổi nhiều. Đường giao thông lên tới trường thuận tiện hơn, cơ sở vật chất được từng bước đầu tư và theo cô Hương quan trọng nhất là các em học sinh người dân tộc đã đến trường đầy đủ.

“Niềm vui lớn nhất là các em tới trường đầy đủ, chăm học. Khi có việc cần nghỉ học các em đã hình thành ý thức phải xin phép thầy cô nghỉ và sau đó cũng quay lại trường học, không bỏ học như trước.” – Cô Hương chia sẻ.

Cô Hương quê gốc ở huyện Yên Thành, Nghệ An, năm 1995 cô rời quê lên tỉnh Yên Bái. Lúc ấy, cô lên theo học lớp sư phạm 9+3 ở trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, sau khi ra trường đến năm 1999 cô lên Mù Cang Chải, Yên Bái và về trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái công tác.

Để không em học sinh nào bị bỏ lại, vào đầu năm Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha phát động phong trào áo ấm của thầy, cô dành cho các em học sinh.

Đến cuối năm trao tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi và các em có thành tích học tập tốt những phần quà như: tiền học phí, quần áo, sách vở,…

“Ở trường cũng có những trường hợp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi,… để giúp các em với hoạt động nhà trường phát động, bản thân giáo viên chúng tôi cũng mỗi người một ít đóng góp, phần lớn là dành để mua đồ dùng học tập, vật chất để các em tới lớp học tập, sinh hoạt hàng ngày” – Cô Hương nói.

Tập thể giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha. Ảnh: NVCC

Tinh thần tương trợ, giúp đỡ còn được lan tỏa ra trường khác trên địa bàn huyện. Vào khoảng tháng 8 năm 2023, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Yên Bái có lũ ống, lũ quyét, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là xã Hồ Bốn. Mưa lớn, kèm lũ đã gây sạt trượt lớp học, đất đá và bùn lầy kéo về trường, gây thiệt hại nhiều cơ sở vật chất và thiết bị dạy, học,…

Lúc đó cũng gần thời điểm bắt đầu năm học mới, cùng với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo trên địa bàn xã Hồ Bốn, các thầy cô giáo của trường Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha nơi cô Hương đang công tác cũng chia thành từng tốp giáo viên xuống những điểm trường bị ảnh hưởng bởi lũ trên xã Hồ Bốn cùng giúp các thầy cô dọn dẹp bùn đất giúp các em học sinh tới trường.

“Chúng tôi cùng các đơn vị trường luân phiên nhau xuống tận điểm trường của xã Hồ Bốn là xã bị lũ tàn phá nặng nề nhất. Mỗi giáo viên lúc đó chỉ nghĩ sẽ dồn hết sức cùng với những người các nạo vét bùn đất, giúp trường bị sạt lở có mặt bằng, vượt qua khó khăn trước mắt để kịp ngày khai giảng. Còn về vật chất, mỗi giáo viên chúng tôi đóng góp quần áo, kinh phí nhỏ,…” – Cô Hương kể lại.

Với giáo viên vùng cao được nhìn các em tới trường đầy đủ, nét chữ ngày càng tròn trịa, mùa đông có áo ấm mặc...là mong ước lớn nhất. Ảnh: NVCC

Mong cho núi yên, rừng lặng để các em tới trường

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tại điểm trường vùng cao diễn ra được diễn ra giản dị. Món quà các em học sinh gửi tặng thầy, cô của mình là tấm thiệp chúc mừng với dòng chữ tròn trịa được tự tay các em làm từ những trang vở ô ly, cùng với đó là những bó hoa rừng….

Ước mong của giáo viên vùng cao không chỉ là các em học sinh đến trường đầy đủ, mà còn mong ước các em có áo ấm vào mùa đông để vượt qua giá lạnh của vùng núi, mong nét chữ của các em ngày càng rõ ràng. Học để thành một người tốt, cống hiến cho xã hội.

Cùng với đó, bản thân là một giáo viên vùng cao cô Hương cũng mong ước được Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa về trang thiết bị dạy học như: tivi, máy chiếu…để thực hiện tốt công tác dạy học đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chế độ tiền lương với giáo viên được quan tâm hơn nữa để giáo viên vùng cao yên tâm công tác.

“Ngoài các mong ước trên, tôi cũng mong rằng, với trường bán trú được hỗ trợ một người quản sinh để giúp giáo viên quản lý học sinh sau các giờ tan học cũng như buổi tối để giáo viên chỉ chuyên tâm vào công tác dạy học, chuyên tâm đầu tư vào công tác chuyên môn cũng như thời gian dành cho gia đình” – Cô Hương bày tỏ.

Đến nay Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha đã được đầu tư với cơ sở, vật chất khang trang hơn. Ảnh: NVCC

Hiện nay, nhà cô Hương cách trường 7km, vào những ngày trực bán trú, với ca trực ngày cô Hương sẽ làm từ 7h sáng đến 7h tối, còn vào ca tối lại tiếp tục từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau. Hàng ngày cô Hương sắp xếp cân đối giữa việc dạy học và việc nhà vì cô là trụ cột chính của gia đình.

Cũng đã có những lúc cô Hương có ý định chuyển về xuôi công tác, nhưng Mù Cang Chải là cả thanh xuân, tình yêu, sự nghiệp giáo dục của cô và hơn cả là tình cảm của con người vùng cao, sự tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể huyện giúp đỡ cô Hương cô vượt qua hoàn cảnh éo le nên cô đã quyết định ở lại và gắn bó với mảnh đất Mù Cang Chải.

Năm 2006 cô Hương xây dựng gia đình, chồng cô là một cán bộ kiểm lâm, quê gốc anh ở tỉnh Hải Dương. Chồng cô Hương ngày ấy là một thanh niên vùng xuôi lên ền ngược công tác, yêu rừng, yêu nghề anh quyết định ở lại gắn bó với Mù Cang Chải.

Sự đồng cảm giữa hai con người cùng ở ền xuôi lên gắn bó với ền ngược đã hun đúc cho tình yêu cô giáo với anh cán bộ kiểm lâm. Ngỡ rằng mọi thứ đã viên mãn, bình yên nhưng đến năm 2015 chồng cô Hương mất do căn bệnh hiểm nghèo, để lại một mình cô Hương với hai cô con gái.

“Tôi đang một mình nuôi 2 cháu gái. Một cháu sinh năm 2008, một cháu sinh năm 2012. Hiện tại cháu lớn đang học lớp 10 tại Trường Hữu Nghị T80 còn cháu bé năm nay học lớp 6. Cuộc sống giáo viên vùng cao còn nhiều khó khăn, bản thân tôi xác định sẽ cố gắng nỗ lực yêu nghề và sẽ gắn bó với Mù Cang Chải đến lúc về già”- Cô Hương xúc động nói.

Thấm thoắt cô Hương đã gắn bó với Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha,  với Mù Cang Chải 24 năm. Mỗi lần đến ngày 20/11 cũng là lúc cô Hương và các đồng nghiệp đang công tác tại trường nhớ lại những chặng đường đã qua ở ngôi trường vùng cao này.

Từ đó, hun đúc thêm cho tình yêu nghề, yêu các em học sinh vùng cao, nỗ lực vượt qua khó khăn hiện tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mang con chữ đến với các em nơi rẻo cao xa xôi, giúp các em vững bước tiến về tương lai tốt hơn./.