Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Phố cổ Hà Nội có biết bao nhiêu câu chuyện mà chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe, và hôm nay là câu chuyện về những người làm đồ chơi trung thu truyền thống.

Từ những phố nghề tấp nập xa xưa, ngày nay trên phố cổ chỉ còn lác đác 1-2 gia đình vẫn cần mẫn mỗi ngày bảo tồn những món đồ giá trị, đặc biệt là trong dịp trung thu truyền thống của người Hà Nội. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN 

Trên con phố Hàng Mã, Hàng Lược những ngày nay đã tấp nập người mua người bán các sản phẩm trung thu truyền thống. Với những thợ thủ công truyền thống của Hà Nội, đây cũng là dịp họ ráo riết cho một mùa trung thu cận kề. Và ngày nay, người làm các món đồ chơi trung thu truyền thống ở phố cổ Hà Nội hiện cũng không còn nhiều.

Những người thích chơi hay sưu tập đồ chơi trung thu truyền thống trên phố không ai là không biết đến vợ chồng bà Lan ông Hoà với những chiếc mặt nạ giấy bồi nức tiếng bao năm qua. Căn nhà nằm tít sâu trong con ngõ thông từ phố Hàng Than ra phố Hàng Đậu.

Lên mấy tầng cầu thang, tôi mới tới nhà ông bà – hai người duy nhất của phố cổ Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi. Không gian nhỏ trên tầng ba trở thành kho, thành xưởng sản xuất mặt nạ của gia đình.

Ảnh nh họa: Mai Phương

Hai ông bà vừa là chủ, vừa là nhân viên, thỉnh thoảng có thêm chàng trai trẻ Ngô Quý Đức – người sáng lập ra dự án “Về làng” đến phụ giúp và học nghề. Một hai tháng trước mùa trung thu, công việc chính của hai ông bà chỉ là ngồi sơn và vẽ:

PV: Độ khoảng bao lâu trước rằm thì mình sẽ phải hoàn thiện như này?

- Ví dụ trong một năm có 12 tháng thì toi sẽ làm 8-10 tháng là cốt trắng. Sau đó cách rằm tháng tám khoảng 2 tháng thì vợ chồng tôi tiến hành vẽ sơn các màu

PV: Một mặt nạ như thế này thì mình sẽ phải vẽ mấy lượt và làm trong bao lâu?

- Khoảng 1 tiếng. Một mặt nạ có nhiều chi tiết, mỗi chi tiết vẽ xong thì phải phơi khô mới vẽ tiếp. Phơi tự nhiên khô

PV: Tại sao mình phải dùng nhiều lớp sơn như thế khi mà cốt mặt nạ đã cứng như thế rồi?

- Bơi vì mặt nạ giấy bồi truyền thống đa màu sắc, mình phải tự pha màu để phù hợp với mặt nạ của mình

PV: Như cái này có tận 7 lớp sơn đúng không?

- Chẳng hạn mặt nạ thỏ tôi đang cầm. Đầu tiên vẽ lớp sơn vàng – 1 chi tiết mang ra phơi khô rồi đến lớp sơn trắng rồi phơi khô – sau đó mang vào chấm râu rồi phơi khô…. Đều làm tự nhiên hết, sau đến vẽ tai rồi chi tiết. Cái này rất tỉ mỉ đó.

Ảnh nh họa: Mai Phương

Tự vẽ từ hơn 40 năm. Bà Lan không qua bất kỳ một trường đào tạo mĩ thuật hay hội hoạ, có chăng là những ngày thơ bé học theo nét vẽ của cha mình. Nghệ thuật truyền thống vì thế được duy trì bởi đôi tay nối nghề trong mỗi gia đình. Ngoài các đơn đặt hàng, bà Lan còn bán ở chợ trung thu.

Rồi nhận các đoàn đến thăm quan trải nghiệm tại nhà. Số lượng dự kiến cũng đến 4-5000 chiếc. Nghề này đòi hỏi tỉ mỉ, kì công nên không thể thuê thêm thợ. Có chăng ông bà Lan nhận thêm cậu học trò tên Đức đam mê với các giá trị truyền thống:

"Ngay từ bé mình sống ở ngã Tư sở. trung thu thì dọc phố Tây sơn nhiều đồ chơi, đông vui không kém Hàng Mã. Hồi bé mình hay ra đó hay ao ước đồ chơi trung thu và nhất là những mặt nạ giấy bồi này. Lớn lên mình có cơ hội đc tìm đến đây và biết hai cô chú là những người gần như cuối cùng ở Hà Nội làm mặt nạ giấy bồi. Năm nào mình cũng đến thăm cô chú và xem làm các công đoạn. Sau đó mình trở nên thân thiết với cô chú".

Nghề làm mặt nạ giấy bồi, dẫu làm quanh năm, vất vả một vụ. Nhưng lại là nghề chẳng hề dễ bỏ. Nó như thói quen, như sở thích, như mưu sinh để rồi đã có nghề thì cứ theo mãi. Nghề này với bà Lan ông Hoà đã có người nối nghiệp:

"Làm mặt nạ rất tỉ mỉ và phải thực sự đam mê mới làm đc. Con tôi hay cháu nội cháu ngoại cũng ko theo. Chỉ có mình bạn này mình tin tưởng truyền nghề và khuôn mẫu nữa".

"Đồ chơi dân gian mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Và còn những ý nghĩa khác về văn hoá lịch sử được những người nghệ nhân cuối cùng họ gửi gắm, truyền lại những tâm tư nguyện vọng của họ qua nghề truyền thống này".

Ảnh nh họa: Mai Phương

Thiên nga bông là món đồ chơi yêu thích của nhiều thế hệ trẻ em ở Hà Nội, đặc biệt trong thời bao cấp. Và trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Lược vẫn có một gia đình cần mẫn mỗi ngày lưu giữ lại những kỷ niệm đó và dệt thêm những kỉ niệm mới cho nhiều thế hệ trẻ em hôm nay.

Những năm trước không gian nhỏ chừng mười mét vuông là nơi hai người phụ nữ cùng nhau uốn từng thanh thép nhỏ, cuộn từng cuộn bông để tạo nên hàng trăm hàng nghìn chú thiên nga bông xinh đẹp. Cụ bà quá già, giờ chỉ còn bà Bắc – con dâu cụ Tâm nối nghề. Nghề này chỉ làm vào dịp trung thu, bởi vậy bà Bắc cũng tranh thủ làm khi rảnh rỗi:

"Trước ngày rằm mình chuẩn bị khoảng hai tháng mới làm kịp và số lượng được nhiều".

PV: Những cái cốt này mình có làm từ trước được không?

- Nếu làm cốt chưa phủ bông có thể làm lâu, khi nào gần rằm thì phủ bông. Mình làm cái gì rất cẩn thận phải lên long lanh. Năm nào cũng có mẹ chồng làm cùng thì hai mẹ con cũng vui. Nhưng năm nay bà cũng mệt thành ra tôi làm một mình. Công việc cũng tẩn mẩn nên tôi xác định làm vừa phải thôi

PV: Vậy sau này chị sẽ truyền nghề cho ai, chị đã nghĩ đến chưa?

- Tôi có độc một đứa con trai. Nên tôi cũng mong truyền được nghề cho con dâu. Cố gắng giữ nghề làm nghề cho đến khi không làm được nữa.

Cuộc sống ngoài kia vẫn vận động không ngừng. Ồn ào, sôi động và hối hả hơn. Nhưng trong những con ngõ nhỏ trên phố vẫn có những con người bền bỉ như bà Lan ông Hoà hay bà Bắc đang từng chút từng chút gìn giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của Hà Nội…

Ảnh: Đại Đoàn Kết

SỐNG Ở HÀ NỘI

Thời bao cấp, vào dịp Tết Trung thu, phố Hàng Thiếc, Hàng Mã bầy bán nhiều món đồ chơi làm bằng sắt tây nhưng ngày nay gần như không còn. Dù không phải là cổ truyền chỉ là đồ chơi truyền thống song những chiếc tầu thủy bằng sắt tây chạy dầu hỏa luôn là mong muốn của đám con trai.

Tết Trung thu, nhớ tầu thủy bằng sắt tây – bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sẽ gợi nhớ kỷ niệm về một thời trung thu bao cấp ở Hà Nội.

Đầu thế kỷ 20, những người thợ ở phố Hàng Thiếc khéo tay, giầu tưởng tượng đã tận dụng vỏ thùng đựng hàng bằng sắt bỏ đi làm thành các món đồ chơi khác lạ. đó là con  châu chấu, thỏ đánh trống, con bướm có cánh vẫy được, xe tay, ô tô, Hai Bà Trưng cưỡi voi,  tàu thủy làm bằng sắt sơn màu xanh da trời…

Các món đồ chơi này bán cùng với đồ chơi Trung thu cổ truyền ở phố Hàng Gai. Nhưng thợ Hàng Thiếc nhiều việc nên một vài người người làng Khương Hạ (nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân)  làm thuê cho các  cửa hàng đã nhận mang về nhà gia công. Rồi  nhiều người  làm theo từ đó hình thành làng làm đồ chơi sắt tây  Khương Hạ.

Xưa, từ tháng 6 Âm lịch, Khương Hạ rộn rã tiếng đục, tiếng búa gò sắt, tiếng đập chan chát... từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi nhà làm một món đồ. Nhưng làm tàu thủy chạy bằng dầu chỉ có vài nhà vì  đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật.  Muốn tầu chạy được người thợ phải am hiểu kiến thức vật lý.

Ảnh: Đại Đoàn Kết

Bí quyết chính là ở cái nồi hơi và lá đồng trong thân tàu được nối với hai ống chứa nước hai bên thân. Khi dầu được đốt, sức nóng làm lá đồng phồng lên, nước lạnh được hút vào một bên đầu ống, nước vào làm lá đồng mát trở lại và xẹp xuống, nước lại bị đẩy sang bên kia. Cứ thế quá trình bên đẩy bên hút lặp đi lặp lại khiến tàu tạo ra tiếng kêu “pạch pạch” như tàu thủy thật khi di chuyển.

Thời bao cấp, nguyên liệu khan hiếm nên thợ Khương Hạ tận dụng các loại vỏ đồ hộp sữa, cá, thịt các đai thùng do các bà đồng nát cung cấp. Đồ chơi làm ra bán cho các nhà bán lẻ  ở Hàng Mã và bán  buôn cho người các tỉnh.

Từ năm 1954 đến 1975 là khoảng thời gian làng Khương Hạ làm ăn khấm khá. Bán chạy nhất vẫn là  tầu thủy. Loại rẻ tiền thì gắn ếng xà phòng vào đuôi, xà phòng tan tạo lực đẩy tàu chạy về phía trước. Loại đắt tiền chạy bằng dầu hỏa nhưng chỉ con nhà  khá giả mới mua  được loại này.

Tầu thủy gắn xà phòng được thả trong chậu nhôm, ao làng không đứa trẻ nào mang ra hồ  Bẩy Mẫu, Hoàn Kiếm vì hết xà phòng tầu đứng yên, muốn lấy phải bơi ra. Đầu thế kỷ 21, nghề làm đồ chơi bằng sắt Tây ở Khương Hạ suy vi vì đồ chơi nhựa Trung Quốc.

Những món đồ ăn theo các  nhân vật trong phim, truyện được gắn pin có thể điều khiển bán với  giá rẻ tràn ngập thị trường khiến đồ chơi truyền thống dần mất chỗ đứng. Rồi  làng lên phố…

Thế nhưng Khương Hạ vẫn còn gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, hàng ngày vẫn cặm cụi với những giũa cùng cưa và mảnh sắt tây để làm ra những chiếc tàu thủy gắn ếng xà phòng và loại tàu chạy dầu hỏa độc đáo. Không chỉ bán trong nước, khách nước ngoài yêu thích đồ chơi này đã đến tận nhà đặt hàng.

Ông Hùng rất muốn truyền nghề làm tàu thủy chạy dầu nhưng rất tiếc không người trẻ nào muốn học. Cuối tháng 5/2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng, người nghệ nhân cuối cùng của Khương Hạ ra đi đã mang theo bí quyết nghề nghiệp về thế giới bên kia chấm dứt nghề làm tầu thủy chạy dầu sau 100 năm tồn tại.

Nhóm tứ tấu dây lừng danh BOND sẽ biểu diễn tại Hà Nội vào ngày 5/10 (Ảnh: BTC)

TIN YÊU

- Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ VHTT&DL chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí trong thời gian báo động lũ. Một số hoạt động văn hóa, du lịch tại Hà Nội như Festival Thu Hà Nội, Đêm hội Rằm Trung thu phố cổ, chuỗi hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2024... đã bị dừng hoặc dời lịch tổ chức do tình hình mưa lũ phức tạp trên địa bàn.

- Mới đây, Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã kết thúc. Cuộc thi là nội dung quan trọng trong chuỗi hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

- BOND - tứ tấu dây hàng đầu thế giới của Anh sẽ có buổi biểu diễn vào ngày 5-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình được dành để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.