Những loài hoa lá… triệu đô

Hiện nay, người tiêu dùng chuộng những sản phẩm nguồn gốc từ tự nhiên nên các loại hoa, lá được tin dùng và có hẳn một thị trường riêng mang về giá trị thặng dư đáng kể.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2022, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam đạt hơn 7 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, những cái tên thấy “bình thường” tưởng như bỏ đi nhưng lại có tiềm năng phát triển lớn, trong đó phải kể đến, như là: lá chuối, lá tre, mật hoa dừa. Hiện ĐBSCL đang có dư địa rất lớn để phát triển ngành hàng xuất khẩu “đặc biệt” này...

Năm 2018, ở Trà Vinh, giá dừa tươi thấp mức chạm đáy 20.000/chục (chục=12 trái) mà vẫn không có người mua. Là địa phương có diện tích trồng dừa nhiều thứ 2 ở Việt Nam với trên 25.000 hecta nhưng nông dân Trà Vinh vẫn không thể làm giàu từ cây tài nguyên bản địa này.

Bối cảnh ấy, anh Phạm Đình Ngãi – thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện “bỏ phố về quê” khởi nghiệp với mô hình khai thác mật hoa dừa. Đặc thù mật hoa dừa là thực vật thuần chay, đánh trúng xu hướng thực dưỡng của người tiêu dùng. Từ đây, Đình Ngãi thu mua trung bình 45 tấn mật tươi/tháng để chế biến thành phẩm gia vị, như: Nước tương, mật thực vật, giấm mật…cung ứng cho thị trường.

Sản phẩm đã “bay” đến châu Á và chuẩn bị “đáp” xuống châu Âu, giúp tăng giá trị kinh tế nông hộ từ 3-5 lần, cải thiện sinh kế cho đồng bào Khmer tại Trà Vinh.

Anh Phạm Đình Ngãi – Giám đốc điều hành công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết: Đây là một sản phẩm có chỉ số đường huyết thấp, ít Color, giúp cho người tiểu đường và ăn kiêng. Đặc biệt loại mật này giàu khoáng chất như: Natri, Kali, Phốt pho, những lúc mệt mỏi, cần bổ sung thêm năng lượng thì đây là một sản phẩm tuyệt vời để thay thế thực phẩm chức năng. Mật hoa dừa thật ra chỉ là một loại gia vị thay thế đường mía và mật ong dùng để nấu nướng - chiên xào giúp món ăn tròn vị hơn.

Trà Vinh quy hoạch hẳn 22 hecta dừa để lấy mật, đóng góp vào "thị phần" xuất khẩu đem về triệu USD.

Nói về tiềm năng và hướng phát triển của ngành hàng này, ông Lê Văn Đông – Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Đây là 1 trong những sản phẩm độc đáo, khác biệt xuất phát từ sự tìm tòi, sáng tạo, học tập không ngừng của đôi vợ chồng trẻ, tri thức khởi nghiệp từ năm 2018, chính sự độc đáo, khác biệt này tạo thành 1 “bí quyết riêng”.

Vì vậy, Ngành nông nghiệp tỉnh cũng như các ngành/các cấp và cả TW luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trẻ đủ điều kiện “cất cánh” vươn xa. Riêng ngàng nông nghiệp Trà Vinh trong năm 2022 đã xây dựng cho công ty Sokfarm 22 hecta vùng nguyên liệu dừa đạt 3 chứng nhận quốc tế của USDA, JAS, EU.

Trong thời gian tới, khi công ty mở rộng thị trường và có nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu, Ngành luôn sẳn sàng hỗ trợ, đồng hành nhằm cam kết với người tiêu dùng trong nước và thế giới về sự an toàn của sản phẩm.

Mật hoa dừa là 01 trong số các sản phẩm nằm trong danh mục xuất khẩu mang về 7 triệu USD cho việt Nam trong năm 2022. Trong số này, lá tre có giá trị xuất khẩu cao nhất với 2 triệu USD. Tiếp đó là lá sắn với 1,8 triệu USD, riêng lá chuối mang về 1 triệu USD. Số ngoại tệ còn lại đến từ lá khoai lang, lá chanh và nhiều loại lá khác.

Hiện Việt Nam có tới 6,5 tỷ cây tre, hàng năm khai thác 500 - 600 triệu cây, khoảng 2,5 - 3 triệu tấn. Lá tre nhiều năm nay được tận dụng để xuất khẩu dùng gói bánh có tác dụng lâu thiu. Dạo qua các chợ mạng, nhiều tiểu thương công khai thu mua lá tre bát độ số lượng không giới hạn. Giá lá tre tươi giá từ 10-12.000 đồng/kg. Loại lá tre khô có giá 40.000 đồng/kg.

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre khoảng 300 - 400 triệu USD thì trong đó có một phần của lá tre. Điều này càng tạo động lực cho công tác quy hoạch và phát triển vùng trồng tre bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Doanh nghiệp phải tham gia cùng Chính quyền địa phương để hình thành vùng nguyên liệu lớn đảm bảo yêu cầu sản xuất chế biến ngành hàng tre đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Chính quyền địa phương cũng có cơ sở để sử dụng các mô hình ở địa phương.

Trà Vinh quy hoạch hẳn 22 hecta dừa để lấy mật, đóng góp vào "thị phần" xuất khẩu đem về triệu USD.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu xuất khẩu của các loại lá này vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Tại các thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu... những loại lá này rất hiếm, có giá bán đắt đỏ.Thậm chí, từng có thời điểm trên trang Amazon Nhật Bản rao bán lá chuối xanh được bán với giá 2.280 yên (tương đương 500.000 đồng)/lá.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các loại lá từ Việt Nam. Để đặt chân được vào thị trường nước ngoài sản phẩm lá cần trải qua một loạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm như tên khoa học, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm. 

Phần lớn những loại lá này ở Việt Nam được người dân tận dụng bổ sung làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ đi. Với nguồn thu tỉ đô thì việc xuất khẩu các loại hoa, lá… cũng được xếp vào hàng “danh giá” như nông sản khác và có mặt trong kế hoạch xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023. Tuy nhiên, dù làm những mặt hàng đơn giản nhưng cũng phải có đầu tư và đảm bảo các tiêu chuẩn quy định.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT lưu ý: Các cơ quan chuyên môn ở địa phương và của doanh nghiệp nghiên cứu và thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ, Cục liên quan tới các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói và tuân thủ nghiêm túc để khi hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật.

Việc xuất khẩu các loại lá "quanh vườn" này đã giúp nhiều người dân "đổi đời". Đặc biệt là những địa phương ở vùng kinh tế khó khăn, trước nay chủ yếu phát triển nông nghiệp.