Người dân thường gọi địa điểm buôn bán này là chợ đấu giá cua nhưng thật ra là một quán cà phê, nơi mà người dân, thương lái và các chủ vựa cua đến để chào hàng. Thay vì trước đây người bán cua phải đem đến các vựa hoặc ngồi bán ngoài chợ thì chợ đấu giá cua sẽ là điểm bán lý tưởng với nhiều sự cạnh tranh và giá cả hợp lý.
“Các thương lái đem cua ra rồi bỏ ra rổ, ai mua sẽ trả giá ví dụ rổ cua này 200 ngàn, 250 ngàn, 300 ngàn/kg.”
“Chất lượng lắm, có nhiều thương lái tập trung thu gom lắm, giá thì không cao đâu.”
“Cua này là vào tới vuông của người dân mua rồi chở ra đây bán ai mua được cua gì thì mua. Ai trả giá cao thì bán thôi không có tình nghĩa gì ở đây hết.”
Ông Nguyễn Văn Đến, một người thu mua cua tại đây cho biết, chợ đấu giá cua mỗi ngày có từ 20-30 thương lái ở các tỉnh thành lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ...tập trung từ sớm để chờ hàng. Cua biển sau khi được lựa chọn kĩ lưỡng sẽ được đóng thùng để vận chuyển đến khắp các nơi trong và ngoài nước tuỳ thuộc vào “mối” của các thương lái.
“Cua đem lại đây rồi bán lại cho thương lái lớn, rồi sau đó người ta sẽ đóng thùng gửi đi TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Trung Quốc...khắp các nơi.”
Theo tìm hiểu, khu vực Vĩnh Thuận chia làm 2 vụ mùa: mùa nuôi cua, tôm và vụ mùa trồng lúa. Thời điểm này, cua biển đã có phần giảm bớt vì sắp vào vụ mùa trồng lúa, tuy nhiên giá cua biển lại không bị đẩy lên cao, chỉ ở mức trung bình dao động từ 100 – 500 ngàn/kg tuỳ vào từng loại cua.
Ông Đỗ Thích, một thương lái tại chợ cho biết, giá cua biển loại cua ngon, cua gạch tăng cao thường rơi vào những ngày lễ, tết hoặc khi nước bạn Trung Quốc thu mua cua số lượng lớn ở thị trường Việt Nam. Khi ấy, giá cua gạch loại ngon sẽ có giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/kg.
“Mùa này thì cua ít rồi, còn là còn cua cuối vụ. Nhiều nhất là mùa nước nổi lúc đó là thu hoạch cua. Cua ngon, cua gạch giá tăng tuỳ theo thời điểm, có lúc lên tới gần 1 triệu đồng/kg. Bây giờ thì đang lúc Trung Quốc không ăn hàng của mình, Trung Quốc mà mua là thị trường mình có giá tốt, còn bán trong nước thì giá tiêu thụ không được cao khoảng 400 ngàn/kg trở lại là nhiều.”
Chợ đấu giá cua càng thêm phần độc đáo và kịch tính ở khâu ngã giá và lựa chọn cua. Bởi thời điểm cuối mùa cua, lượng cua ngày một ít dần, đòi hỏi thương lái phải có kinh nghiệm trong việc “soi” cua để lựa về những mặt hàng chất lượng.
Ông Danh Út, một thương lái gần 20 năm thu mua cua cho biết, để tìm ra những con cua gạch, thương lái phải dùng đèn pin chiếu từ phía dưới mai cua lên, nếu mai cua tối đen không phát sáng tức là con cua đó chứa nhiều gạch, còn nếu mai cua phát sáng thì đồng nghĩa với việc con cua đó không có gạch.
Đối với loại cua thịt, thương lái phải dùng tay bấm vào phần bụng cua, nếu cứng thì con cua đó chất lượng, còn mềm thì ngược lại. Cua biển loại không chất lượng sẽ được trả về hoặc chỉ bán được với giá rất thấp khoảng 100 ngàn/kg. Hiện đang ở thời điểm khan hiếm cua, thế nên thương lái sẽ lựa chọn cua rất kỹ và cuộc đấu giá cũng trở nên hấp dẫn vì ai cũng muốn đem cua và giành phần thắng về mình. Ông Danh Út chia sẻ:
“Con cua cái soi đèn nếu gạch đầy là đen thui còn không có gạch thì soi đèn sẽ sáng. Tại vì giờ tại các vựa ít thương lái đem cua lại bán nên các chủ vựa lại đây đấu giá, lên giá để mua. Qua đây mua cua thoải mái cần cua gì lấy cua đó chứ đem lại vựa thì bắt buộc phải bắt. Lại đây thì ai cần cua gạch thì đấu giá cua gạch, cua thịt thì đấu giá cua thịt vậy đó.”
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Thuận, hiện trên địa bàn huyện không có diện tích chuyên nuôi cua, mà cua sẽ được nuôi xen canh chung với tôm, ước tính lượng cua thu hoạch trong năm 2024 sẽ hơn 2700 tấn. Đối với mô hình chợ đấu giá cua được tiểu thương hình thành buôn bán gần 5 năm trở lại đây, giúp người nông dân và thương lái đều được hưởng lợi.
Trong tương lai, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Thuận sẽ khuyến khích người nông dân và thương lái đưa con cua biển vào sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo đầu ra và nâng cao chất lượng thương hiệu cua Vĩnh Thuận.