Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: 2 tháng, 4 lần thay giấy đi đường

Đến thời điểm này, nhiều người vẫn nhắc lại việc thay đổi xoành xoạch quy định cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội như một câu chuyện bi hài. Ngoài việc chạy theo các thủ tục cần thiết, nhiều người cũng nghĩ ra những cách không giống ai để

Đã có không ít những chuyện cười ra nước mắt qua 4 lần Hà Nội thay đổi giấy đi đường, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Gần 3 tháng giãn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân Hà Nội đã trải qua 4 lần thay đổi giấy đi đường trong vòng 46 ngày. Có những sự thay đổi gần nhất chỉ cách nhau 2 ngày, dài nhất cũng chỉ 25 ngày.

Chẳng hạn, ngày 8/8, thay vì chỉ xuất trình giấy đi đường có xác nhận của UBND xã, phường, của đơn vị, doanh nghiệp như trước đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu phải xuất trình lịch trực, lịch làm việc. Yêu cầu này khiến hầu hết các chốt phòng dịch của Hà Nội bị ùn ứ.

Chỉ 2 ngày sau, ngày 10/8, UBND TP Hà Nội đã bỏ quy định xuất trình “lịch trực, lịch làm việc”, quay lại sử dụng giấy đi đường cũ.

Gần 1 tháng sau, ngày 5/9, UBND TP. Hà Nội tiếp tục thay đổi quy định cấp giấy đi đường. Lần này không phải UBND xã, phường cấp giấy đi đường, mà UBND TP Hà Nội phân ra 6 nhóm đối tượng cần có giấy đi đường, trong đó các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ra đường trong trường hợp cấp thiết phải được công an xã, phường, thị trấn cấp giấy.

Trải qua 4 lần thay đổi quy định cấp giấy đi đường, nhiều người quay cuồng với việc chạy theo thủ tục, người thì bỏ cuộc. Nhưng từ đây cũng xuất hiện những câu chuyện bi hài, hoặc những sáng kiến “không giống ai” là nhờ người quen xin của các công ty, doanh nghiệp:

"Họ nói là được cấp giấy đi đường và có thể đi mọi chỗ, bất kể chỗ nào, bất kể giờ nào và họ nhận chở hàng với giá rất cao".

"Giấy đi đường là xin tại UBND phường nơi công ty có địa chỉ và được cấp mã QR Code, khi kiểm tra sẽ chính xác còn giấy đi đường chỉ có chữ ký chưa được chuẩn".

"Xin giấy đi đường rất dễ, nói thật các công ty người ta có dấu là người ta đóng thôi, cái đó cũng chả ai quản lý, kiểm soát được. Cứ đóng, đóng và đóng, người ngoài đến xin cũng được. Em muốn xin một cái là em cũng xin được".

Thế mới có chuyện, khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều người không biết mình làm ở công ty nào. Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho hay, có người để chắc ăn còn trang bị luôn 2 giấy đi đường: "Xem giấy đi đường hỏi anh làm công ty nào thì người ta không trả lời được, rồi có những người có 2 giấy đi đường của 2 công ty khác nhau, có những người thì bảo là xin giấy đi đường của công ty vợ. Có những người nhà ở trên Hoàn Kiếm nhưng đi xuống dưới này để mua thùng mì tôm..."

 

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, từ 3/9, Thành phố đã cấp tự động giấy đi đường trên hệ thống phần mềm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường có QR Code…

Ngay ở tâm dịch TP. HCM, câu chuyện cấp giấy đi đường cũng do công an xã, phường thực hiện, nhưng người dân cũng không đến mức chóng mặt như ở Hà Nội.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: "Cách làm việc, cách phối hợp, cách tư duy rất có vấn đề, thể hiện tư duy về việc phòng chống dịch bệnh, phát triển triển kinh tế, quản lý xã hội là rất không ổn, làm cho người dân thấp thỏm, mất ăn mất ngủ, xoay như chong chóng, không biết đường nào mà lần".

Sự trở lại của “giấy thông hành” giữa thời đại số khiến cuộc sống, giao thông đảo lộn. Không chỉ người dân chóng mặt, mà chính các đơn vị cấp giấy cũng…toát mồ hôi, khi quá đông người tập trung tại trụ sở hàng 4-5 tiếng đồng hồ để đợi cấp giấy.

Dù là một giải pháp “cực chẳng đã” trong điều kiện không bình thường, nhưng một lần nữa, những tấm giấy thông hành để lại bài học về sự không phù hợp, thậm chí phản tác dụng của những biện pháp hành chính thiếu cân nhắc, thiếu khoa học trong phòng chống dịch.