Nhiều điểm khởi sắc của kinh tế - xã hội 7 tháng qua

Một trong những điểm sáng của tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua là tiêu dùng trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng bảy ước đạt hơn 512 nghìn tỷ đồng.

 Thông tin trong nước và quốc tế

# Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về việc tạo lập hành lang pháp lý quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở. 

# Và mới đây, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KH-ĐT và khẳng định hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức và hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra. 

Ảnh nh họa: KT

# Đáng chú ý, kinh tế 7 tháng qua được ghi nhận là có nhiều điểm khởi sắc. Một trong những điểm sáng của tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua là tiêu dùng trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng bảy ước đạt hơn 512 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 7 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định: "Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế tại Việt Nam và góp phần vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng là người tiêu dùng rất hào hứng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Chúng ta luôn có những chương trình để vận động các địa phương tham gia vào bình ổn thị trường và chúng ta hoàn toàn dựa vào những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước để luôn luôn chủ động trong mọi tình huống".

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, trong tháng 7, cả nước có 13 nghìn 700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

# Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 7,2 triệu tấn, đạt hơn 4 tỷ USD là trong tầm tay. Đây sẽ là mức kỷ lục lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, do khó khăn về XK, Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ điều chỉnh mục tiêu kim ngạch XK năm nay đạt 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó. 

# Theo Tổng Cục thống kê, có 10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng giá trong tháng 7. Bình quân 7 tháng năm 2023 lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ. 

# Còn về tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống từ đầu năm, có đến hơn 30% hộ gia đình cho biết đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. 

# Với thị trường giao dịch hàng hóa, Tăng mạnh nhất trong tuần qua là mặt hàng Dầu ít lưu huỳnh, tăng hơn 8,5% lên mức 856 USD/tấn. Hai mặt hàng dầu thô quan trọng là WTI và Brent cũng đều tăng hơn 4%. Trong đó giá dầu WTI đã vượt mức 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4.

Theo giới chuyên gia, lo ngại về nguồn cung vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá dầu đi lên. Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày thêm một tháng nữa, bao gồm cả tháng 9.

Cung cấp thêm các thông tin nhà đầu tư cần chú ý, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “Tuần này, sự chú ý của thị trường sẽ vẫn tập trung vào nhóm năng lượng và kim loại, nhóm sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi các thông tin kinh tế vĩ mô. Sau khi FED tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm vào tuần trước, thị trường cần thời gian để đánh giá tổng thể tác động của quyết định này lên nền kinh tế. Trong bối cảnh này, Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ phát hành vào lúc 19h30 tối thứ Sáu tuần này sẽ rất quan trọng, để đánh giá khả năng FED có tiếp tục tiến trình tăng lãi suất nữa hay khôn”.

Trước đó, mặc dù vừa trải qua 3 ngày giảm điểm liên tiếp, nhưng chỉ số hàng hóa MXV-Index vẫn đóng cửa tuần trước với mức tăng 1,9%, lên 2.330 điểm, và vững vàng ở vùng cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Mức tăng này chủ yếu nhờ lực mua trên các thị trường năng lượng và kim loại. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 3.700 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 10% so với tuần trước đó.

Công nhân làm việc tại một nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

# Lo ngại tăng lạm phát gây hại cho toàn cầu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. 

# Còn theo truyền thông Lào, trong quý IV/2023, nước này sẽ thí điểm áp dụng thanh toán bằng mã QR với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.

# Nền kinh tế Pháp đang phục hồi nhanh hơn dự kiến với mức 0,5% trong quý 2 năm nay nhờ lạm phát trong lĩnh vực năng lượng và thực phẩm tiếp tục hạ nhiệt trong khi chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng trở lại sau 8 tháng liên tiếp giảm, là đánh giá của Viện nghiên cứu và thống kê kinh tế quốc gia Pháp mới đây.

Phát biểu trên Đài RTL, Bộ trưởng Kinh tế Pháp ông Bruno Le Maire bày tỏ tin tưởng kinh tế Pháp sẽ duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng 1% trong năm 2023: "Sự phục hồi nhanh của kinh tế Pháp là nhờ các chính sách dựa vào các doanh nghiệp, người lao động và việc làm. Và đây cũng là lần đầu tiên kinh tế Pháp khởi sắc nhờ xuất khẩu và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cao hơn mức tiêu dùng của các hộ gia đình".

Nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu trước đó đã bày tỏ lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế mong manh sau động thái mới đây (27/7) của ECB khi tăng lãi suất tiền gửi lên mức 3,75%, cao nhất kể từ năm 2001 để kiềm chế lạm phát.

Thông tin thị trường chứng khoán

# Các dữ liệu vĩ mô mới nhất cho thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có khả năng “hạ cánh mềm”. Nhờ vậy, TTCK Mỹ giữ vững đà tăng dù diễn ra rung lắc với Nasdaq +2,02%, S&P 500 +1,01% và DJIA +0,66% trong tuần qua.

# Còn ở trong nước, với việc vượt qua vùng kháng cự 1.205, VNIndex đã quay lại vận động theo chiều hướng tích cực.

# Theo SSI Reseach, các chỉ báo kỹ thuật vẫn thể hiện sức mạnh chỉ số cho nhận định VNIndex sẽ hướng đến mục tiêu 1.213-1.214 trong những phiên tới.