Nhiều công nghệ mới áp dụng vào sửa chữa cầu Thăng Long

Nhiều công nghệ hiện đại sẽ được áp dụng trong việc sửa chữa cầu Thăng Long, trong đó có những công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như công nghệ hàn Plasma, kết nối giữa bản thép bề mặt cầu với lớp bê tông nhựa siêu tính năng.

Việc tổ chức phân luồng giao thông sẽ được thực hiện từ 28/7/2020 đến 8/8/2020, chính thức cấm cầu từ 8/8/2020 để triển khai thi công trên mặt cầu (Ảnh: Tiền Phong)

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hôm nay (20/7), hợp đồng dự án sửa chữa cầu Thăng Long đã được ký kết, với nhà thầu thi công là liên danh 4 công ty Thành Hưng – Vĩnh Hưng – Phương Thành – Thuận An (Công ty CP Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An). 

Giá trúng thầu là 242,864 tỷ đồng, đã bao gồm các chi phí xây dựng, đảm bảo giao thông, bảo hiểm công trình và dự phòng 5%). 

Cụ thể, nhiều công nghệ hiện đại sẽ được áp dụng trong việc sửa chữa cầu Thăng Long, trong đó có những công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như công nghệ hàn Plasma, kết nối giữa bản thép bề mặt cầu với lớp bê tông nhựa siêu tính năng. 

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN cam kết, chắc chắn công trình sẽ có độ bền rất nhiều năm, ít nhất là trên 10 năm theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT:

“Một là sử dụng công nghệ hàn Plasma, tức là hàn đinh leo phi 13, dài 5 phân lên bản thép, làm không thay đổi kết cấu chịu lực của bản thép mà đã được làm cách đây hơn 35 năm.  Thứ 2 là có lớp bê tông UHPC, tức là bê tông siêu tính năng thì bảo đảm rằng bền vững”.

Ông Nguyễn Trung Sỹ cũng cho biết, từ ngày 28/7, việc phân luồng thí điểm để sửa chữa cầu Thăng Long sẽ được thực hiện. Từ ngày 8/8 sẽ chính thức đóng cầu để thi công và hoàn thành việc sửa chữa trong quý IV năm 2020. 

Trong quá trình thi công sẽ cấm các phương tiện lưu thông trên mặt cầu (tầng 2) và điều chỉnh lại tốc độ chạy tàu ở tầng 1. Thời gian thi công theo hợp đồng là 150 ngày, dự kiến sẽ hoàn thành trong Quý 4 năm nay.

Về phương án sửa chữa, đơn vị thi công sẽ thực hiện gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ.

Cụ thể gồm cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10; trải lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chịu kéo ≥ 7,0MPa, chiều dày tối thiểu 6cm; thảm bê tông nhựa polyme BTNP 12,5 dày 4,0cm; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Trước đó, sau thời gian dài khai thác, phần mặt đường trên cầu Thăng Long đã xuất hiện các hư hỏng. Đồng thời, mặt cầu phải chịu các tải trọng xe chạy trên cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ... tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau. 

Vì vậy, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường Vành đai III là hết sức cần thiết và cấp bách.