Chia sẻ tại Tọa đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP”, ngày 2/12, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, CPTPP mang lại những lợi ích rất tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam.
"Kim ngạch xuất, nhập khẩu của chúng ta đến thời điểm 2023 khoảng 95,5 tỉ USD, trong khi 2019 khoảng 77 tỉ USD. Như vậy có một sự tăng trưởng rất lớn và thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước CPTPP cũng có sự tăng trưởng từ năm 2019 chỉ khoảng 1,6 tỷ USD thì hiện nay là 4,7 tỷ USD", bà Phương thông tin.
Ngoài gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, CPTPP còn thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, đánh giá về mức độ gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam, bà Phương cho rằng, phần lớn doanh nghiệp vẫn xuất thô sản phẩm, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài.
Có thực tế, doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng tốt hơn nhưng thiếu vốn. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quản trị để đáp ứng được các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài; nâng cao về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, có thể cạnh tranh được một cách sòng phẳng với các công ty nước ngoài.
"Khi tham gia vào vào chuỗi cung ứng này, chúng tôi có thể tăng trưởng doanh thu một cách nhanh chóng và ổn định. Dựa trên đó, chúng tôi có thể phát triển mạnh mẽ hơn về cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực để có thể tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, không chỉ ở trong các doanh nghiệp FDI mà vươn ra thế giới. Ngoài ra, khi làm việc với công ty của nước ngoài, chúng tôi cũng học hỏi được những kỹ thuật mới, kỹ thuật cốt lõi để phát triển và nâng cao tính cạnh tranh", ông Trung bày tỏ.
Cũng nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, CPTPP giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn, cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc các thành viên khác trong hiệp định.
Với ngành ô tô, lộ trình áp dụng thuế suất 0% vào khoảng năm 2030 – 2031 sẽ giúp doanh nghiệp có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, “sự kết hợp hoàn hảo giữa linh kiện đầu vào cho chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xuất đi một thị trường trong CPTPP, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới cũng như tăng thêm được doanh số”, ông Hiếu nhận định.