Nguy cơ mất nhãn hiệu của nông sản Việt

Trong những năm gần đây, việc các mặt hàng nông sản của nước ta được đăng ký nhãn hiệu, cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý hay truy xuất nguồn gốc đã mở ra nhiều tín hiệu khả quan cho tương lai của ngành nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ chiếm số nhỏ trên thị trường hiện nay.

 

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến ngày 1/8/2022, nước ta có tổng cộng 116 sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng Nông – Lâm - Thủy sản.

Đây là kết quả đáng ghi nhận trong quá trình khẳng định thương hiệu các sản phẩm trên thị trường. Trong đó, tại Bến Tre, địa phương đã có 5 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bao gồm: bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre, sầu riêng Cái Mơn, cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre.

Thời gian qua, chỉ dẫn địa lý đã góp phần giúp tỉnh Bến Tre quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhờ đó, sản phẩm có nhiều cơ hội tiếp cận người tiêu dùng, khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, thông qua chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm của tỉnh tạo được lòng tin nơi khách hàng, đối tác khi khẳng định được nguồn gốc xuất xứ. Từ đó, người tiêu dùng, khách du lịch, nhà phân phối,… an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.

Ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ về những giá trị mà chỉ dẫn địa lý mang lại cho các mặt hàng nông sản nói chung: Chỉ dẫn địa lý ngoài việc khẳng định chất lượng – nguồn gốc sản phẩm thì có giá trị thương mại, đồng thời là dấu hiệu để chống hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ. Đó là điểm rất quan trọng trong hội nhập hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện nhiều quốc gia, nhiều địa phương cũng có thể sản xuất 2 mặt hàng này. Thậm chí, có những quốc gia khác cũng có thể lấy giống của mình để trồng. Nhưng với chỉ dẫn địa lý thì sự khẳng định rất rõ ràng, nên có những lợi thế trong thương mại thế giới.

Dù nhiều mặt hàng nông sản đã được đăng ký nhưng nguy cơ mất nhãn hiệu vẫn là một nỗi lo hiện hữu (vov.vn)

Năm 2019, thông tin gạo thơm ST25 được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Philippines không chỉ là niềm vui của những người trực tiếp tạo ra sản phẩm này, mà còn là niềm tự hào của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Tiến sĩ – Anh Hùng Lao Động Hồ Quang Cua – người đã dày công lai tạo và đưa gạo ST25 chinh phục thế giới, cho biết: Trên cơ sở định hướng phát triển những giống lúa thơm Sóc Trăng, về tầm nhìn của địa phương, đầu tiên chúng tôi phải tạo ra uy tín và giành thị phần gạo cao cấp của Việt nam. Trên nền tảng phát triển đó, chúng tôi sẽ góp phần xây dựng nên thương hiệu gạo quốc gia. 

“Xây dựng nên thương hiệu gạo quốc gia” là ước mong chung của ngành nông nghiệp, của rất nhiều chuyên gia và bà con nông dân. Tuy nhiên, hành trình này còn lắm gian nan… Bên cạnh thông tin về việc gạo ST25 bị một số doanh nghiệp tại Mỹ nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, từng khiến nhiều người lo lắng vào năm 2021 thì ngay ở thị trường trong nước, ST25 cũng đứng trước những nguy cơ về việc giả mạo thương hiệu.

Theo đó, trên thị trường gạo hiện nay, bên cạnh những đại lý uy tín, nhập hàng chất lượng về phân phối thì cũng đã có những cơ sở mạo danh ST25 để bán gạo với giá cao, hoặc mạo danh rồi bán giá rẻ hơn hàng thật để cạnh tranh, phá giá. Tứ đó, người tiêu dùng cũng hoang mang, không biết làm sao để chọn được hàng chất lượng. 

ảnh nh họa: vietnamnet.vn

Thực tế này một lần nữa cho thấy giá trị của việc bảo hộ nhãn hiệu quan trọng như thế nào đối với các mặt hàng nông sản… Tuy nhiên, 116 sản phẩm tính chung trong cả nước đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý - con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với thị trường nông, lâm, thủy sản với đa dạng mặt hàng.

Trong đó, có nhiều sản phẩm được xem là đặc sản của các địa phương nhưng chủ yếu vẫn được truyền ệng, giới thiệu qua quen biết chứ chưa có cơ sở vững chãi để thu hút các khách hàng, đối tác lớn cũng như bảo vệ quyền lợi của người sản xuất trước thị trường cạnh tranh và nhiều hành vi giả mạo.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: Chỉ có cách là chúng ta phải sản xuất theo chuỗi giá trị, mà trong đó có sự gắn kết thật chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Muốn làm được như vậy thì phải có vai trò của Nhà nước đứng ra cầm trịch. Làm thế nào cho nông dân gắn với nông dân trong cùng một hợp tác xã, không "bẻ chỉa" nhau, từ hợp tác xã đó gắn với doanh nghiệp cũng chặt chẽ. Còn nhà khoa học tìm ra giống mới thì đưa cho doanh nghiệp cùng nông dân sản xuất.

Chỉ dẫn địa lý hay truy xuất nguồn gốc là những khái niệm được nhắc đến thường xuyên trong thời gian qua. Đó không chỉ là cách để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, các doanh nghiệp thuộc lĩnh việc nông nghiệp mà còn là hướng đi chung khi hội nhập kinh tế, mở rộng thị trường. Bên cạnh việc tạo lòng tin cho khách hàng, đối tác thì việc sớm xây dựng và khẳng định thương hiệu còn tránh những rủi ro về việc bị mạo danh hay thậm chí là “đánh cắp” thương hiệu nông sản Việt.