Người nuôi tôm thấp thỏm vì giá thất thường

Với sự thăng trầm về giá tôm hơn 10 năm qua, những nông dân nuôi tôm giàu kinh nghiệm hiện nay cũng không khỏi hoang mang. Sau một mùa huy động mọi nguồn lực để khởi động vụ tôm 2024 thành công, thời điểm này đang bước vào thu hoạch nhưng giá tôm lại tăng – giảm trái chiều.

Thời điểm này, nhiều địa phương ĐBSCL đang bước vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi. Thời tiết tuy có chút thách thức từ đầu năm nhưng nông dân đã vượt qua khó khăn để canh tác một vụ tôm thành công đạt sản lượng cao.

Thế nhưng, từ tháng 5, giá tôm liên tục biến động tăng – giảm không ổn định đã khiến nhiều nông dân lo lắng và đã có những hộ đầu tiên đối mặt với một mùa lỗ lã từ tôm. Tình trạng giá tôm sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất của người dân mà còn tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu tỷ USD mà ngành thủy sản hướng tới.


Đến Bạc Liêu - “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của ĐBSCL thời điểm này, nhiều ao nuôi tôm rơi vào trạng thái “phẳng lì” do chủ nhân của chúng không có định hướng tái canh ở vụ tôm cuối năm, bởi vì hết vốn.

Vụ tôm chính ở Bạc Liêu kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5, đầu vụ, nông dân gặp nhiều thách thức bởi rơi vào thời điểm nắng nóng, hạn mặn tấn công làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn nước phục vụ canh tác. Vào những ngày nhiệt độ tăng cao, các hộ nuôi tôm phải luôn canh mực nước, duy trì độ sâu từ 1,2 - 1,5m và tăng cường chạy quạt để tránh chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước, từ đó hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng.

Đáp lại những vất vả đó, tôm ít bị bệnh, lớn nhanh như thổi, đạt sản lượng cao ngoài sức mong đợi, đặc biệt đối với hình thức nuôi siêu thâm canh. Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, sản lượng tôm thu hoạch những tháng đầu năm 2024 đạt 800 ngàn tấn đã phần nào giải tỏa áp lực rủi ro thua lỗ cho người nuôi. Thế nhưng đến tháng 5, thời điểm chính thu hoạch tôm lại rớt giá, khiến hàng loạt chủ nuôi điêu đứng vì hiệu quả của vụ tôm gần như bằng không.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc HTX 30/4 huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôm xuống giá đã gây ảnh hưởng đến các vùng nuôi. Do bà con nuôi tôm chi phí cao lắm, nào là tiền điện, tiền thức ăn, tiền nhân công… nên giá tôm sụt là điêu đứng. Hiện nay về đồng lãi coi như đã mất”.

Giá tôn đã sụt 20.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2024

Hiện nay giá tôm nuôi nguyên liệu loại 30 con/kg giá 130.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Giá tôm sú ở khoảng 130.000 đồng/kg loại 30 con, còn loại 50 con/kg có giá 105.000 đồng/kg. Giá tôm lên – xuống liên tục nhưng phần lớn là sụt thấp đã khiến nông dân đang còn tôm trong ao luôn trong trạng thái phập phồng. Nếu so sánh, giá tôm đã giảm 20.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2024.

Từ đầu năm 2024 đến nay, việc giá thức ăn cùng các chi phí đầu vào khác phục vụ cho nuôi tôm liên tục gia tăng. Lấy ví dụ về tôm thẻ loại 40 con/kg có giá 100.000 đồng/kg trong khi chi phí để nuôi đã là 115-120.000 đồng/kg.

Không chỉ thức ăn, giá điện, chi phí vận chuyển, mà tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng. Với diễn biến về giá như hiện nay, không ít hộ nuôi tôm tỏ ra chán nản, đồng thời dự báo nhiều khả năng sẽ có một đợt treo ao trong thời gian tới nếu tình hình không cải thiện.

Anh Thái Sứ Cơ – nông dân nuôi tôm xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chi phí đầu vào đang tăng mà đầu ra giảm liên tục thì ảnh hưởng bà con rất nhiều. Thật ra mô hình nuôi siêu thâm canh và bán thâm canh thì có ưu thế về năng suất đó nhưng nguy cơ của nó thì rộng khắp vì giá sụt là lỗ ngay”.

Nếu tình hình giá tôm không khởi sắc sẽ có thể trong vụ nuôi cuối năm nhiều hộ sẽ treo ao

Còn tại vùng nuôi Bến Tre, nông dân cũng rơi vào trạng thái “mất ngủ” vì đối mặt với vụ mùa lỗ lã. Giá tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình công nghệ cao ở địa phương này cũng đã sụt giảm ở mức thấp từ tháng 6.

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 320 hecta trên tổng số 500 hecta của kế hoạch thả nuôi trong năm nay, sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn. Với mức giá tôm không ổn định và ở mức thấp như hiện nay, ngư dân rất khó để mở rộng diện tích.

Ông Võ Văn Quân - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết: “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao là chính và bền vững, còn nuôi truyền thống gặp rủi ro nhiều hơn. Điều bất lợi cho người nuôi hiện nay là giá tôm rất thấp, khi bà con nuôi tôm rất cực, để có 1 mẻ tôm phải mất ăn mất ngủ, chi phí rất lớn nhưng giá đang rất rẻ”.

Nguyên nhân dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là do các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn, đầu ra chậm, chi phí lưu kho tăng đồng thời sản lượng tôm đang thu hoạch lớn. Giá tôm nguyên liệu sụt giảm đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như duy trì sản xuất của nông dân. Bởi, đa phần bà con thiếu vốn. Trước những khó khăn như vậy, để giảm thiểu thua lỗ, nhất là ở mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, người nuôi cần có giải pháp giảm chi phí đầu tư.