“Người nổi tiếng và trách nhiệm xã hội trên không gian mạng”

Thời gian qua, không ít người nổi tiếng đã bị nhắc nhở, xử lý khi có những sai phạm trên không gian mạng. Thế nhưng, bất chấp dư luận chỉ trích, không ít nghệ sĩ, “ngôi sao mạng”… vì tư lợi, vẫn bất chấp thực hiện các hành vi phản cảm, nguy hiểm gây bức xúc trong xã hội

Gần đây, liên tục những người nổi tiếng phát ngôn phản cảm, quảng cáo sai sự thật…khiến dư luận xôn xao. Đây không phải là vấn đề mới, song, mức độ ảnh hưởng của các sự việc ngày càng lớn, tác động đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.

Đáng nói, hành vi đi ngược lại với số đông bằng các video “chơi trội” được không ít người nổi tiếng cố tình khai thác. Quan ngại nhất là những clip hướng dẫn tạo dáng nguy hiểm khi điều khiển phương tiện trên đường. Điển hình như vụ người mẫu ảnh nội y Ngọc Trinh biểu diễn mô tô không mặc đồ bảo hộ, tạo dáng nguy hiểm trở thành “hot search” trên Facebook lẫn tiktok.

Dù phương tiện liên quan trong video do Ngọc Trinh đăng tải bị tạm giữ, nữ diễn viên này đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Gây rối trật tự công cộng", quy định tại điều 318 Bộ Luật Hình sự….  nhưng các video trên vẫn dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội. Ngay sau đó, video quảng cáo xe của hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc nghiệp cũng bị chỉ trích dữ dội dù nhãn hàng đã gỡ bỏ khỏi các nền tảng.

Dẫu có kết luận đoạn clip trên đã có bảo hộ kỹ lưỡng kèm cảnh báo cụ thể, song cư dân mạng vẫn tranh cãi vì thông điệp đằng sau việc không đội mũ bảo hiểm, thực hiện động tác chồng đầu nguy hiểm của hai nghệ sĩ trên.

Các video vừa nêu đã tạo thành “xu hướng” được không ít bạn trẻ học theo. Thường hay sử dụng nền tảng tiktok để giải trí sau những giờ học tập căng thẳng, Em Trần Hồng Phúc, một học sinh ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An chứng kiến không ít bạn bè đã lan truyền, thậm chí thử thực hiện các động tác nguy hiểm tương tự chỉ để nhận nhiều lượt “like”, “share”: Dạo gần đây em thấy có trào lưu lái xe phân khối lớn đăng lên mạng xã hội đa phần là người nổi tiếng là tiktoker, youtuber này kia á…. Em thấy mấy bạn em cũng quay mấy clip giống vậy đăng lên được nhiều lượt xem, người chia sẻ… tụi nó phấn khích lắm. Bản thân em thấy mấy cái clip này nó rất là nguy hiểm, nguy hiểm cho mình và mọi người xung quanh.

Ngọc Trinh điều khiển xe với tư thế mạo hiểm đăng lên mạng (ảnh cắt từ clip)

Có thể thấy, được nhiều người biết đến, không ít cá nhân vẫn liên tục phát ngôn, hành động phản cảm để chiếm lấy sự chú ý của khán giả nhằm nổi tiếng hơn. Họ bất chấp hành vi của mình có thể gây tiêu cực cho cộng đồng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, hành vi của người khác, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.

Theo Chuyên gia tâm lý xã hội, GS TS Vũ Gia Hiền, nghệ sĩ có tác động rất lớn đến tình cảm, tư tưởng, nhân cách của công chúng, do đó, hơn ai hết, họ phải tuân thủ các quy định pháp luật lẫn đạo đức nghề nghiệp: “Cái người nổi tiếng mà lên mạng không có chuẩn mực, biểu diễn tùy tiện, thể hiện mình mà bất chấp pháp luật thì đây là hiện tượng đáng báo động. Thì làm cho xã hội bắt chước, ví dụ như nằm trên xe, rồi không cầm tay lái… thì nó sẽ lan tỏa và cái lan tỏa như vậy nó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sự bắt chước. Nhất là giới trẻ yêu thích nghệ sỹ, thấy thế lại bắt chước và thể hiện mình theo kiểu đó, thì nó trở thành 1 tâm lý lây lan, rất là nguy hiểm”. 

Chuyên gia Vũ Gia Hiền nhấn mạnh mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả là thật. Bất kỳ ai cũng cần phải tuân thủ các quy định pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục khi sản xuất, đăng tải các nội dung lên mạng xã hội.

Trước thực trạng trên, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành. Quy trình xử lý nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục hiện đang được Bộ TT-TT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp xây dựng. Cụ thể, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng thì ngoài xử lý theo quy định pháp luật, hai Bộ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định: Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ lập danh sách, Bộ Văn Hoá trên cơ sở danh sách, mức độ vi phạm, chuẩn mực đạo đức quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử sẽ có hình thức thông tin phối hợp với các bên liên quan báo chí, truyền hình về việc kiểm soát hình ảnh, sự hiện diện của người đó!

Ông Nguyễn Thanh Sơn, cho biết thêm đã xây dựng xong dự thảo quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hay không tuân thủ quy tắc ứng xử, lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các cấp có thẩm quyền và chờ phê duyệt. Dự kiến, cuối năm nay sẽ hoàn tất. 

Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin, hiện đã thực hiện tất cả những nội dung liên quan và chuyển sang Bộ VH-TT-DL tổng hợp thành quy trình chung nhằm hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trên sóng truyền hình, báo chí và các sân khấu nghệ thuật biểu diễn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kết hợp giữa xây và chống. Một mặt, hoàn thiện thể chế, bổ sung thêm quy định mới, mặt khác phối hợp với lực lượng Công an để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục Trưởng Cục PTTH-TTĐT, Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh: Chúng ta sẽ không cổ cũ, khuyến khích, mời nghệ sĩ có vi phạm về đạo Đức, chuẩn mực lối sống lệch chuẩn  Bộ Quy tắc ứng xử đã được Bộ Văn hoá đề ra, ban hành. Hướng là như vậy, làm theo tinh thần đồng thuận, tự nguyện, chứ không phải quy định pháp luật  bắt buộc!

Tới đây, Bộ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội để chặn, khóa những tài khoản vi phạm. Từ đó, người nổi tiếng cần phải tuân thủ pháp luật để có tác động tích cực đến cộng đồng, xã hội, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.

Bất cứ ai cũng cần thượng tôn pháp luật, nhất là với người nổi tiếng bởi mức độ ảnh hưởng của họ với cộng đồng. Khi người nổi tiếng chưa có ý thức, thậm chí coi thường pháp luật thì cần có những chế tài, răn đe nghiêm khắc hơn. Từ đó, mới có thể kịp thời ngăn chặn những hệ luỵ đến xã hội.

Chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng lại đáng báo động như hiện nay. Nếu như ngày trước, thế hệ nghệ sĩ gạo cội cả việc ngồi trên sân khấu hát cũng không dám, họ đứng để giữ làn hơi, chất giọng, để thể hiện sự tôn trọng với khán giả… Thì ngày nay, người nổi tiếng thản nhiên “nằm” biểu diễn trên xe mô tô với các tư thế phản cảm, thậm chí phát trực tiếp (livestream) để kể chuyện tâm linh, coi bói toán, bán hàng giả, hàng nhái… Trước lợi nhuận khổng lồ từ các nền tảng mạng xã hội, không ít người nổi tiếng sẵn sàng bất chấp mọi cách nhằm câu like, tăng view, bán hàng.

Văn hóa ứng xử không có, nhiều người còn đi ngược lại với trách nhiệm xã hội của một người nổi tiếng. Nhận được đặc quyền, ưu ái hơn người thường, thay vì hướng cộng đồng đến các giá trị tích cực bằng tiếng nói, hành động của mình… thì họ lại khoe thân, thực hiện hành vi nguy hiểm. Những cá nhân này, cần nhận thức đúng đắn, giữa nổi tiếng và tai tiếng, giữa hư danh ảo và giá trị thực. Giá trị của người nổi tiếng không phải là “ngàn like”, “triệu view” mà là sự công nhận, yêu mến và tôn trọng từ công chúng.

Nhiều quốc gia đã ghi nhận sự nghiêm khắc từ "quyền lực mềm" của khán giả ở việc tẩy chay mạnh mẽ sự xuất hiện của các nghệ sĩ, người nổi tiếng... Khi khán giả Việt vẫn còn vị tha và dễ dãi, phải chăng đã đến lúc có những chế tài nghiêm khắc hơn? Có như vậy, những hành vi lệch chuẩn của người nổi tiếng mới bị bày trừ hiệu quả. Nền nghệ thuật nước nhà mới có những tên tuổi tài danh, đạo đức để phát triển không ngừng.

Cũng phải nói thêm, ngoài việc mong đợi các chế tài nghiêm khắc hơn giúp người nổi tiếng gắn trách nhiệm bản thân với lợi ích của cộng đồng xã hội… thì chính người xem, tiêu thụ nội dung trên không gian mạng cũng cần hình thành bộ lọc tốt cho mình. Điều đó thể hiện ở việc chủ động tiếp nhận những nghệ sĩ tử tế, những tấm gương đẹp lan toả năng lượng tích cực; mạnh mẽ bày trừ những ai gắn mác nghệ sĩ nhưng không hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ mà chỉ nhắm vào túi tiền của bản thân để trục lợi từ người xem, khán giả,…có như vậy, mới giúp không gian mạng lành mạnh hơn, an toàn hơn!