Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, nhưng số lượng người khuyết tật trực tiếp tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng rất thấp, đặc biệt là những người khuyết tật vận động. Vậy đâu là lí do khiến người khuyết tật ngại hòa nhập cộng đồng?

Ảnh nh họa

Nhà chờ xe buýt nhanh ở ngay đối diện cửa nhà, nhưng chị Ngô Tuyết Lan, một người đi xe lăn không thể xuống ở nhà chờ này vì đoạn đường tiếp cận gần nhà chờ xe buýt có nhiều nắp hố ga, gạch đá lổng chổng, nguy cơ mất an toàn cao.

Để đảm bảo an toàn, chị Lan luôn phải đi xuống ở bến tiếp theo và đi xe lăn ngược trở lại quãng đường hơn 1km. Ngoài ra, việc tiếp cận giữa nhà chờ và xe buýt nhanh cũng tiềm ẩn nhiều rùi ro, chị Ngô Tuyết Lan phản ánh: "Khi mà lái xe vào bến nhà chờ thì nếu có xe lăn, họ không chú ý giữa nền của nhà chờ và nền của xe bus phải thăng bằng nhau, không chênh nhau, nhưng có chênh nhau 10-15cm hoặc có khi cách nhau 1 khoảng 10cm, bánh xe lăn có thể lọt vào đó nếu không có hành khách hỗ trợ. Không phải điểm đỗ nào cũng xuống, lên được. Vì lối từ nhà chờ đi ra nối liền với cầu thang bộ".

Chia sẻ về những khó khăn khi sử dụng xe buýt, ông Phạm Quang Khoát, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai ngậm ngùi, dường như hạ tầng giao thông tiếp cận tại các khu vực nhà chờ xe buýt vẫn chưa tính đến người khuyết tật:

"Các trạm xe buýt đâu đó vẫn còn các bậc lên xuống hoặc chưa có chỗ để cho xe lăn đứng ở trạm xe buýt. Vỉa hè xe lăn không thể đi được đến trạm xe buýt, nhiều tuyến đường hiện đang làm để cấm phương tiện giao thông để dành cho người đi bộ nhưng vô hình chung lại cản trở người sử dụng xe lăn có thể tham gia được vào".

Ảnh nh họa

Còn cách đây không lâu, bà Nguyễn Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Ba Đình, Hà Nội cùng với các hội viên háo hức sử dụng xe buýt để đến vườn trúc – một không gian công cộng mới để chơi.

Tuy nhiên, khi xuống xe buýt, bà Thủy loay hoay ở trạm xe buýt khá lâu vì ngay cạnh trạm xe buýt có một hố đất, trong khi khu vực này lại không có đường dốc để xe lăn có thể xuống được mặt đường nên đành nhìn ngắm từ xa. Ngoài ra, không phải xe buýt nào cũng hỗ trợ được cho người sử dụng xe lăn:

"Các điểm xe buýt phần lớn không tiếp cận được với người khuyết tật, các điểm nhà chờ xe buýt thường bị xây quây lại, do vậy người đi xe lăn đang đi trên vỉa hè thì không thể đi ra được phía ngoài để lên xe. Nếu như ở trên xe mà xuống bến thì không thể nào xuống được lòng đường bởi vì bị chắn như vậy và vỉa hè không có đường dốc. Mình hy vọng có sự chỉnh trang trên những chỗ đỗ đó".

Ghi nhận ý kiến của nhiều người khuyết tật vận động, đặc biệt là những người đi xe lăn, họ hầu như không sử dụng xe buýt thông thường vì không có đường tiếp cận. Hiện nay, đa phần họ sử dụng xe buýt Vinbus do có thiết kế đường lên xuống và có sự hỗ trợ nhiệt tình của lái, phụ xe.

Ảnh nh họa

Thừa nhận thực tế, hệ thống xe buýt được mua từ lâu, có mặt sàn xe buýt cao hơn so với vỉa hè từ 10-15 cm và còn thiếu những phương tiện hỗ trợ người đi xe lăn; ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, hành lang đi bộ chưa được thông thoáng, thuận tiện và êm thuận, bị chiếm dụng. Theo ông Hải, thành phố sẽ cải thiện tình trạng này trong thời gian tới:

"Xu thế, chúng ta vẫn phải hướng đến câu chuyện tiếp cận cả đường bộ và người khuyết tật. Thành phố cũng đã có những yêu cầu hỗ trợ người khuyết tật lên xe buýt. Tới đây khi chuyển sang xe buýt xanh, sạch, kết cấu của xe đều có những thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Chúng ta hướng tới kết cấu xe kiểu đó, sẽ hoàn toàn giải quyết khó khăn hiện nay".