Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi đi xe buýt tại TP.HCM

Vẫn còn một số tài xế, nhân viên xe buýt có thái độ phân biệt đối với người khuyết tật, khiến họ cảm thấy mặc cảm nên đành chọn xe ôm khi đi lại.

Ảnh nh họa.

Vấn đề giao thông công cộng phục vụ người khuyết tật là nội dung được bàn thảo nhiều nhất tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo sở, ngành với người khuyết tật năm 2019, do Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức. Nhiều ý kiến đề nghị phải có biện pháp cụ thể hơn nữa để giúp việc đi lại của người khuyết tật được thuận tiện hơn. 

Hiện TP.HCM có hơn 62 ngàn người khuyết tật, trong đó chỉ có gần 5.000 người được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 8 cơ sở bảo trợ công lập và 16 cơ sở bảo trợ ngoài công lập.

Theo ông Bùi Minh Hoàng, hội viên Hội người mù quận 7, người khuyết tật đa số có gia cảnh khó khăn nên nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng khi di chuyển là rất lớn, trong đó có xe buýt.

Ông Bùi Minh Hoàng, hội viên Hội người mù quận 7, bày tỏ bức xúc khi đi xe buýt.

Dù TP.HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong việc sử dụng phương tiện công cộng như làm thẻ ưu tiên đi xe buýt; hỗ trợ lên, xuống cho người khuyết tật, thế nhưng việc thực hiện chưa tốt. Vẫn còn một số tài xế, nhân viên xe buýt có thái độ phân biệt đối với người khuyết tật, khiến họ cảm thấy mặc cảm nên đành chọn xe ôm khi đi lại. Ông Bùi Minh Hoàng nói:

"Chúng tôi là những người mù, khi lên xe buýt mà hỏi anh tài xế hỏi một lần thì được, nếu hỏi lần 2 thì tài xế nói ông cứ ngồi đó đi, nhưng rồi lại bỏ qua khỏi trạm. Đó là vấn đề đạo đức của một bộ phận tài xế, làm cho người khuyết tật rất ngại đi xe buýt."

Chị Nguyễn Thị Lan, một người khuyết tật vận động ở quận 7, TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn khi sử dụng phương tiện công cộng:

"Bậc thềm để bước lên xe buýt thì rất là cao, nhưng xe buýt thì lại đậu ở xa. Khi mình đi và chờ xe thì đoạn đường lên xe thì dài và mình khuyết tật nên di chuyển rất khó khăn, nên không đón được xe."

Ông Phạm Vương Bảo, Trưởng phòng quản lý dịch vụ giao thông công cộng thuộc Trung tâm quản lý dịch vụ giao thông công cộng TPHCM cho biết, thái độ phân biệt của tài xế xe buýt đối với người khuyết tật trước đây cũng được phản ánh rất nhiều, sau một thời gian chấn chỉnh quyết liệt thì có giảm đi. Trung tâm sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ông Phạm Vương Bảo nói:

"Chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại các lực lượng của mình, bằng biện pháp phát hành văn bản và làm việc với các lãnh đạo của đơn vị, giải quyết bức xúc của các anh chị là người khuyết tật"./.