Người kể chuyện sếu

Là người yêu mến quê hương, nặng lòng với sếu đầu đỏ, bao năm qua , thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tái hiện lại hình ảnh sống động của sếu từ những bức tranh được làm từ vỏ tràm xứ mình…

Âm thanh sếu gọi đàn…Đó là âm thanh quen thuộc vào mỗi buổi chiều làm cho những đứa trẻ chốn bưng biền say mê, yêu thích. Thuở ấy, chẳng ai rủ ai cứ khi trời tắt nắng là tụi con nít trong xóm ùa ra sân đá banh.

Vừa chơi, vừa được ngắm đàn sếu bay về cánh rừng tràm bạt ngàn trên đất Tam Nông, cậu học trò nhỏ Nguyễn Văn Cảnh thích thú vô cùng: "Lúc đó tôi 8 tuổi đã biết chơi banh mũ, hồi đó không có banh da như bây giờ. Vừa chơi vừa coi đàn sếu về, lúc đó rất hoang sơ, mình chơi ngoài sân cỏ sếu nó về cách mình 5-10m là bình thường, sếu rất thân thiện với con người."

Thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh cùng những tác phẩm của mình

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, chú bé 8 tuổi ngày nào đã trở thành một giáo viên Mỹ thuật. Tình yêu cho đàn sếu cứ thế lớn dần. Những năm gần đây, số lượng sếu ở Vườn Quốc gia ngày càng ít, du khách không được thỏa thích nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt của chúng như xưa. Nhiều năm trăn trở về điều này, thầy Cảnh chợt nảy ra ý tưởng tái hiện hình ảnh đàn sếu bằng chính vỏ tràm từ vườn Quốc gia Tràm Chim -  nơi sếu từng sinh sống, trú ngụ để cho những thế hệ sau cũng như du khách hiểu rõ hơn về đặc tính của loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới:

"Tình yêu với nghệ thuật xuất phát từ chỗ mình là giáo viên Mỹ thuật và đã biết các dòng tranh xé, dán...Mình nghiên cứu kỹ lại thì thấy ở địa phương có vỏ tràm rồi xé, dán thử thấy được. Lúc đầu chỉ làm quà tặng tân gia, hội thao thôi và được bạn bè đồng nghiệp ủng hộ. Đến năm 2012, Đồng Tháp khởi xướng “Con người của đất sen hồng”, từ chỗ đó tôi mới cho ra đời dòng tranh vỏ tràm của tôi."

Có “hoa tay” từ bé, nhưng con đường theo đuổi nghệ thuật của thầy giáo Cảnh trở nên rực rỡ hơn khi ông bắt đầu làm tranh sếu từ vỏ tràm. Vỏ tràm là chất liệu không còn xa lạ trên thị trường trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để thổi hồn quê hương vào từng tác phẩm, mang đến những bức tranh gần gũi, sống động nhất cho người xem, thầy đã mất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu. Vỏ tràm là loại vỏ đặc biệt, không giống với nhiều vỏ cây khác. Cái hay của vỏ tràm là tự lột, khi nước ngập thì vỏ tràm không ngấm nước, mà nếu lỡ có thấm nước thì cũng biến thành những sắc màu rất lạ:

"Nói chung nó cũng đặc biệt, Như màu xám mốc là tui chuộng để làm sếu, còn màu xám mốc thì phía Mặt trời mọc là màu xanh rêu, còn sau Mặt trời lặn thì nó biến thành màu trắng, do đã bị ánh nắng Mặt trời ban ngày đốt cháy. Khi mình vô khung thì rất là đặc biệt, không sợ pha chế, mất màu."

Mỗi bức tranh về sếu đầu đỏ phải trải qua rất nhiều công đoạn như: phân loại vỏ tràm, gia công nền tranh, tạo hình sếu, hoàn chỉnh bố cục. Tam Nông diện tích hàng ngàn mét vuông rừng tràm, nguồn nguyên liệu từ vỏ tràm trong tự nhiên rất dồi dào, vỏ tràm sau khi mua về được phân loại theo từng chức năng riêng, vỏ có kích thước lớn được chọn làm nền cho tranh, còn vỏ có kích thước nhỏ dùng để tạo hình sếu. Tranh vỏ tràm có 5 gam màu chủ đạo, xanh, trắng, xám, đen, nâu được lấy từ lớp vỏ ngoài cùng của cây tràm lâu năm bị rong rêu bám. Tất cả đều hoàn toàn thiên nhiên, không pha trộn hay phẩm màu.

Tác phẩm "Vũ điệu trong nắng mới"

Gắn bó với nghề hơn 12 năm, thầy Cảnh đã sáng tác trên 3.000 bức tranh với nhiều thể loại và kích cỡ khác nhau. Trong đó, có hai bức tranh “Vũ điệu trong nắng mới” và “Sếu gọi mùa xuân về” được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của quê hương đất sen hồng:

"Đặc thù từ điệu vờn, điệu múa của sếu nó đã nằm trong trí nhớ của tôi rồi, nên tranh của tôi toàn làm về sếu chứ không làm tác phẩm khác."

Tác phẩm tranh sếu làm từ vỏ tràm của ông giáo Cảnh đã được lên máy bay, xuất sang nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, hiện thầy Cảnh còn phối hợp với một số điểm du lịch tại Tam Nông để đón tiếp du khách đến tham quan, trải nghiệm cách làm tranh vỏ tràm. Khi bước vào bên trong ngôi nhà, ai nấy đều choáng ngợp trước “gia tài đồ sộ” của thầy giáo 55 tuổi. Đó là hàng trăm tác phẩm tranh sếu được sắp xếp ngay ngắn, mỗi bức tranh là một câu chuyện ông muốn gửi gắm đến du khách về loài chim đã trở thành biểu tượng của quê hương Đồng Tháp.

Sau khi lắng nghe những câu chuyện về sếu đầu đỏ, khách tham quan sẽ được trải nghiệm làm tranh vỏ tràm. Nhìn mọi người thích thú, say sưa trong từng công đoạn. Thấy thì dễ, nhưng bắt tay vào làm thì không đơn giản chút nào. Bởi, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, những bức tranh vỏ tràm còn đòi hỏi sự am tường và tình yêu dành lớn lao dành cho loài sếu Tam Nông.

Đồng Tháp. Những ngày nước nổi đang về. Miên man trong từng vũ điệu hồng hoang của loài sếu trứ danh ệt phèn chua một thuở, thoảng nghe giọng hò đồng bưng mà thấy ngưỡng phục những người đã làm nên hồn cốt đất này:

Đón anh về nghe ệt đồng ơi

Theo bóng cò cỡi xuồng trên sóng

Anh ngồi chắc nghe tay sào em chống

Con gái xứ mình không yếu đuối được đâu!