Người Hà Nội trong ngõ nhỏ hẹp và sâu

Những con ngõ nhỏ hẹp và sâu là một trong những đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội. Con ngõ vừa là lối đi, vừa là hiên nhà, là kho của mỗi gia đình.

Ấy thế mà bao năm qua, nhiều người sống ở những con ngõ nhỏ trong phố cổ vẫn bám trụ lại cuộc sống chật chội, nhiều bất tiện này. Cuộc sống của họ đổi thay theo thời gian thế nào? 

BÊN DÒNG THỜI GIAN 

Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, nhỏ đến nỗi chỉ vừa một người đi lọt. Vừa đi vừa luồn lách, vừa lom khom, trông khổ sở, nhưng lại là chuyện thường ngày của người dân ở phố cổ.

Bất kỳ "hàng" nào trong số 36 phố phường của Hà Nội cũng tồn tại ngõ nhỏ. Hàng Ngang, Hàng Đào, , Ngõ Gạch, Hàng Điếu, Hàng Chiếu,…

"Xe máy phải ngồi lên đi chứ dắt thì không được. Ngõ có 18 hộ sinh sống. Đây là nhà vệ sinh chung. Đây là 1 người ở, khoảng 8-10 mét. Bây giờ người ta đang đi làm".

"Ở là bình thường, quen hết mà. Thoải mái gần chợ thiếu gì chạy ra mua ngay. ở đây đông vui đi làm gì".

"Nước lênh láng ngày xưa vợ chồng con cái thi nhau múc nước ra đổ. Eo ngày xưa khổ thật. Giờ làm lại trông còn thoáng. Nóng lắm chưa từng thấy".

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Một con ngõ trên phố Hàng Chiếu dài khoảng 50 – 70 mét, chiều ngang khoảng 60 – 70 phân. Con ngõ có giếng trời ở giữa ngõ, toả ra các nhánh cho gần 20 hộ sinh sống. Chỗ giếng trời cũng là chỗ sinh hoạt cộng đồng với tổ hợp nhà vệ sinh, nhà kho, nhà để xe.

Tầng một của con ngõ có độ chục căn hộ, vừa có người ở vừa là kho cho thuê. Không bao giờ đón ánh nắng mặt trời từ bao năm nay.

Một vài gia đình ở tầng hai như nhà bà Phẩm thì sáng sủa hơn chút bởi có sự thông thoáng, được nhìn thấy ánh sáng:

"Nhà 3-4 người cuộc sống kiếm chỉ đủ ăn thôi thì làm sao có tiền để đi được. Nên sống ở đây hàng xóm sống quen nhau rồi vui vẻ hoà đồng, không ai muốn đi cả. Thứ nhất là như thế. Hai là cuộc sống đi làm phố cổ buôn bán gần nhà tiện hơn".

Nơi kiếm sống của các hộ trong ngõ chính là đầu ngõ. Thời điểm bàn giao vị trí bán hàng thường là buổi trưa. Dù ngõ nhỏ, nhưng các hộ gia đình đều phải tuân theo quy định: chỉ có người trong ngõ mới có quyền được kinh doanh theo trật tự. Nhìn nhau mà sống:

"Ngồi ở đầu ngõ là đi 25 năm rồi. Xuống ngõ ban ngày làm trên nhà, 1h chiều dọn xuống cửa ngồi bán tới 6h thôi. Đấy cũng là cuộc sống kiếm đồng mua rau mua cỏ. Nên đi đâu thì chỉ phấn đấu nhường cho lớp trẻ sau này, không muốn đi đâu. Còn thế hệ già chúng tôi cứ ở đây thôi, còn cho các cháu sau này đứa nào có điều kiện thì đi đâu thì đi thôi".

"Vui tại vì quen rồi, cho cô đi chỗ khác thì cô chán đấy. ở đây quen rồi vui. Được cái chợ rất gần mình đi bán hàng tiện, mua cũng rất tiện".

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Khác với vẻ nhộp nhịp mặt tiền. Người Hà Nội sinh sống tại phố cổ đã quá quen với hình ảnh ngõ nhỏ nhà nhỏ ẩn phía sau. Những con ngõ trở thành địa đạo ngay trên mặt đất với những đường cắt ngang xẻ dọc dẫn vào những ngôi nhà chồng xếp lên nhau.

Ngôi nhà của ông Cao trong con ngõ trên phố Thuốc Bắc diện tích vỏn vẹn 2,2m2. Nó còn bé hơn chiếc giường đôi bình thường. Hai người sinh sống. Ngôi nhà không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời nên ông cũng khó biết ngày hay đêm nếu không có chiếc đồng hồ:

"Tôi sống 28 năm. Tôi với con ở hai người. Bất tiện thì nhiều cái bất tiện nhưng ta phải lược bớt đi và quên nó đi để, phải thuần hoá với cách sống thì thấy bình thường. Lâu dần cũng quen. Nó cũng chỉ là chỗ nghỉ trưa và ban tối còn tất cả cuộc sống là ở ngoài kia, ngoài xã hội. Tài sản suy cho cùng có mỗi cái quạt bay vù vù. Kể có tiền cũng muốn mua nhưng mà chỉ mua những thứ bé bằng bàn tay thôi chứ chả có chỗ nào mà để".

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Hai bố con ông thay phiên nhau giờ giấc để nằm nghỉ trong nhà. Chiều tối là ông ra vỉa hè ngồi. Con trai về ngủ chuẩn bị cho phiên làm tiếp theo:

"Giờ cháu sắp sửa về, tôi ra ngoài đường cho thoáng rộng. Cho nó về nó nghỉ 1 tí. Hai bố con cùng ở trong này không được. Con tôi đi làm về thì nó mệt, mình phải cho nó nằm nghỉ, bản thân mình nằm cũng k được vì trong đấy chật".

Cuộc sống nơi phố cổ là vậy. Chật chội tối tăm và đầy bất tiện. Những phận người trong ngõ nhỏ phố nhỏ cũng có những ước mong rất đỗi bình thường:

"Tôi có 1 ước nguyện duy nhất là chân tôi đứng trong nhà được thẳng đầu tôi cũng được thẳng khi vào nhà".

"Tôi ước có 1 ngôi nhà có 4 buồng. Vợ chồng tôi 1 buồng. Đứa con gái 1 buồng, con trai 1 buồng. Được rộng rãi sung sướng".

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quận Tây Hồ

SỐNG Ở HÀ NỘI

Thời bao cấp vì sợ cá mè khi bơi va vào gai thân cây sen sẽ bị chết nên Xí nghiệp nuôi và khai thác thủy sản Hồ Tây đã cho phá bỏ nhiều vạt sen quanh hồ. Nhìn sen quí bị mất, nhà thơ Bằng Việt đã thốt lên: Ví thử hồ sen cạn nốt/ Làm gì cho thấy ngày xưa?... Sen hồ Tây đã đi vào thơ ca như thế nào?

Xưa hầu như đầm, hồ nào ở Hà Nội cũng có sen nhưng nổi tiếng nhất là sen Hồ Tây vì hồ có giống sen quí gọi là Bách diệp. Bông của sen Bách diệp lớn khi nở to như hai bàn tay mở, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và  gạo, giữ cho sen  mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.

Vì không sống được  ở chỗ nước sâu nên sen Bách diệp mọc ven bờ giáp các làng Nghi Tàm, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá, nhất là  làng Tây Hồ. Ca dao quanh Hồ Tây có câu bầy tỏ sự tự hào.

Đấy vàng đây cũng đồng đen

Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quận Tây Hồ

Không biết sen Bách Diệp có ở Hồ Tây từ bao giờ nhưng sen là đề tài yêu thích của vua và các Nho sĩ. Bài thơ đầu tiên  về sen Hồ Tây là của vua Lê Thánh Tông, ông dạo quanh hồ và sen đã gợi cảm hứng để ông sáng tác  bài Hoa sen bằng chữ Hán. Năm sau ông lên hồ lúc hoa chưa nở nhưng mùi thơm dậy cả một vùng và ông đã sai lấy bút đề bài thơ Hoa sen non bằng chữ Nôm với hai câu kết cuộc chơi còn thòm thèm.   

Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ

Mười trượng hoa thì mười trượng hương

Đến đời vua Lê Tương Dực, ông vua nổi tiếng ăn chơi trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua Lê Tương Dực  đã  cho sửa sang hành cung ở gần phủ Tây Hồ  làm chỗ nghỉ ngơi. Vào mùa  sen nở, ông bắt cung nữ trút bỏ váy áo  giả làm tiên nữ chèo  thuyền hái hoa  để vua xem gọi là  trò chơi “tiên nữ hái hoa sen”.

Mùi hương sen Bách diệp quấn quít vào da thịt, đậu  vào tóc cung nữ khiến ông vua này ngất ngây. Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và Tang thương ngẫu lục của Nguyễn  Án cũng viết về thú chơi của chúa Trịnh Sâm trong trung thu năm 1774:

“Ngày hôm đó chúa ngự trên ly cung Thụy Liên (sen ngủ). Dưới là sen trên bờ là cây phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa  Trấn Quốc hoặc ẩn mình dưới bóng cây, bến đá tấu nhạc”.

Ở làng Nghi Tàm có ngôi ếu ở ven đường gắn với  sen Hồ Tây  là ếu Bà Cô. Tương truyền cô gái họ Đoàn đi thuyền hái hoa dâng lên cho chúa ở ly  cung Thụy Liên nhưng chẳng may thuyền bị đắm nên cô bị chết đuối. Theo tín ngưỡng, các cô gái chết trẻ rất thiêng nên dân làng Nghi Tàm đã lập ếu thờ.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quận Tây Hồ

Trong áng thơ nổi tiếng Tụng Tây Hồ phú của  Nguyễn Huy Lượng sáng tác năm 1802 có câu: “Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò...”,  sen trong bài phú là sen sau mùa đông lá mới nhú  lên khỏi mặt nước. Còn  trong bài Thăm chùa Trấn Quốc của Phạm Quý Thích có câu lãng mạng “Mười dặm hương sen theo gió thoảng” và “Giữa đám sen dày thuyền lướt mau”.

Vì Bách diệp là giống sen quí, ngát hương nên xưa dân làng Thụy Khuê đã lấy nhụy  để cất rượu. Nhà Nho Đoàn Nguyễn Tuấn, một ông quan của triều Tây Sơn khi ra Thăng Long vào ca quán ơ làng Võng Thị nếm thử đã cảm hứng viết bài thơ chữ Hán Thụy Chương liên tửu.

Đất sát Tây Hồ rượu tiến vua

Ngon thay rượu Thụy rượu Tiên thua

Cât xong nước cót ngàn chung chứa

Thơm phức xôi đồ vạn hộc đưa

Thời bao cấp vì sợ cá mè khi bơi va vào gai thân cây sen  sẽ bị chết  nên Xí nghiệp nuôi và khai thác thủy sản Hồ Tây đã cho phá bỏ nhiều vạt sen quanh hồ. Nhìn sen quí bị mất, nhà thơ Bằng Việt đã thốt lên:

Ví thử hồ sen cạn nốt

Làm gì cho thấy ngày xưa?...