Người giữ gốm nung

Nghề gốm ở Vĩnh Long manh nha hình thành vào những năm 1980 và đến những năm 1990, gốm đỏ của Vĩnh Long mới ký kết hợp đồng xuất khẩu. Sản phẩm gốm giai đoạn này phát triển với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm nội thất.

Một trong những người đi tiên phong tạo ra sản phẩm gốm gắn với xây dựng, nội thất là ông Nguyễn Văn Buôi. Theo nghề gốm từ nhỏ, nhiều lần thăng trầm nhưng ông Buôi (Tư Buôi) vẫn dành một tình yêu vô bờ bến cho gốm bằng việc xây dựng ngôi nhà gốm độc đáo bậc nhất cả nước tọa lạc tại phường 5, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Câu chuyện giữ nghề của Tư Buôi cũng bắt đầu từ đây.

Dạo quanh căn nhà 3 gian 2 chái rộng khoảng 300 mét vuông, chị Quách Tuyết Hoa – du khách đến từ tỉnh Ninh Bình choáng ngộp và thầm ngưỡng mộ những đôi tay tài hoa đã nặn nên những thỏi gốm uy nghi vững chãi. Vách tường nhà được xây bằng gạch ống, kích thước lớn gần gấp đôi gạch thường. Hàng cột được thiết kế theo các chủ đề của đất phương Nam, như: nông nghiệp lúa nước, lễ hội, thời khẩn hoang.

Riêng cột kèo được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trống đồng Đông Sơn. Những đầu giáo dùng để nối kèo với cột cũng được thiết kế bằng các con vật gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, như: tôm, cua, gà, cá, khỉ. Còn tường rào thì trang trí bích họa gốm đỏ mỹ thuật:

“Lần đầu tiên tôi được đến căn nhà này, nghe nói rằng tất cả những vật liệu gốm dựng lên ngôi nhà này đều do chủ nhà tự sản xuất, tôi thật ấn tượng với cái tài của ông Tư Buôi”.

Vương quốc gốm đỏ Vĩnh Long. Nơi có mỏ đất sét dùng để sản xuất gạch - gốm đạt chất lượng xuất khẩu của Việt Nam

Để “thổi hồn” và tìm hướng mới cho cái nghề ông cha truyền lại, kể ra ông Tư Buôi cũng lắm thăng trầm và “nung nấu” ý tưởng hàng chục năm. Ông Tư Buôi bộc bạch, ông sinh ra ở ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít. Năm 1980, ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có tới 2.284 ệng lò sản xuất gạch. Nghề gốm mỹ nghệ ra đời từ năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997. Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long có hàng ngàn ngàn mẫu mã khác nhau đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thời hoàng kim, Vĩnh Long đạt sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, trở thành thương hiệu nổi tiếng “gốm đỏ Vĩnh Long”.

Nhưng đến những năm 2008 - 2010, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn, các nhà nhập khẩu gốm mỹ nghệ châu Âu không còn “ăn” hàng nữa, kéo theo nghề gốm mỹ nghệ Vĩnh Long lao đao. Nhiều ông chủ gạch gốm không thu hồi được nợ, sản xuất ngưng trệ, nghề gạch gốm Vĩnh Long tuột dốc không phanh.

Ông Tư Buôi bên ngôi nhà gốm đỏ của mình

Chứng kiến tình hình đi xuống, ông Tư Buôi cho rằng, “mình rất nặng nợ với đất sét Vĩnh Long, nên cần có sự thay đổi để thích ứng và gìn giữ nghề”. Căn nhà làm hoàn toàn bằng gốm đỏ được thực hiện từ năm 2005 là nh chứng về việc Tư Buôi phục dựng lại làng gốm đỏ Vĩnh Long bên dòng Cổ Chiên một thời.

Sau 13 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, ông bắt tay xây dựng căn nhà ốp hoàn toàn bằng gốm đỏ: “Mình lớn lên ở một xóm gốm xứ Vĩnh Long, trong đó thấy đất nung của xứ này làm nên những sản phẩm độc quyền mà nơi khác không làm được. Từ đó mình có ý tưởng cây ngôi nhà hoàn toàn bằng gốm đỏ để giữ lại cái hồn cho đất, cái nhà này có thể tồn tại qua 200 năm, từ đó truyền cho cháu biết, ngôi nhà được xây nên từ chính thỏi đất nung ở Vĩnh Long này”.

Ngôi nhà ốp hoàn toàn từ gốm đỏ của ông Tư Buôi

Cùng với nhà cổ, ông Tư Buôi cũng đang cho xây dựng khu vực trưng bày các sản phẩm, công cụ, phương tiện sản xuất gạch, gốm… tại ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít. Du khách đến đây có thể trải nghiệm làm gốm thời xưa. Trong lúc nhiều lò gốm mỹ nghệ trăm năm của Vĩnh Long đã “tắt lửa” thì lò gốm tại ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít của ông Tư Buôi vẫn “đỏ lửa” để sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm gốm xây dựng như: cột, kèo, lục bình, gạch ống, gạch thẻ, ngói.

Ông Tư Buôi đã xây dựng được 2 căn nhà gốm đỏ cho “đại gia” ở tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, cung cấp nhiều cột, kèo bằng gốm cho các biệt thự sang trọng ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long cho biết:

“Chúng tôi ghi nhận nhiều đoàn khách đến ngôi nhà gốm đỏ của ông Tư Buôi rất là ngạc nhiên. Thời gian qua, ở ĐBSCL chưa có nơi nào sản xuất gốm đỏ để xây nhà, gôm đỏ lại lâu xuống màu nên tạo ra vẻ đẹp rất riêng cho Vĩnh Long”.

Để “thổi hồn” vào căn nhà gốm đỏ, ông Tư Buôi đã “nung nấu” ý tưởng hàng chục năm.

Tâm huyết của ông Tư Buôi thể hiện ở chỗ, thay vì sản xuất gốm thương mại, ông đã rẽ hướng làm gốm dân dụng. Với việc xây dựng chuỗi du lịch “Làng gốm Tư Buôi” liên hoàn với “đặc sản” từ gốm đỏ, dự kiến sẽ khai trương từ 2025, cho thấy tình yêu của ông với gốm đỏ là rất lớn:

“Vùng gốm Vĩnh Long đã qua 4 đời nhưng nay nguyên liệu cạn dần, nên mình chuyển hướng khác. Tôi mong là hiện tại mình có bao nhiêu đất thì sẽ làm nên sản phẩm gấp 10 lần và căn nhà gốm là sản phẩm như tôi ước ao”.

Vách tường nhà và cột được xây bằng gạch ống, kích thước lớn gần gấp đôi gạch thường.

Ông Tư Buôi khẳng định, việc xây căn nhà gốm đỏ hoành tráng tại Phường 5 - TP. Vĩnh Long không phải là “chơi ngông” mà muốn thể hiện tình yêu với nghề gốm đỏ theo cách riêng của mình. Với điểm đặc biệt của căn nhà là 90% làm bằng gốm đỏ do chính  doanh nghiệp của ông Tư Buôi sản xuất, có thể nói căn nhà này là độc lạ nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này.

Với giá trị gần 5 tỷ đồng, căn nhà là nơi hợp lực từ nhiều mồ hôi, tâm huyết của những người con làng gốm chứa đựng trong đó. Căn nhà gốm đỏ Tư Buôi được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2023 và đó là một trong cơ sở quan trọng để ông xây dựng cho mình những kế hoạch dài hơi trong hành trình khôi phục gốm đỏ Vĩnh Long.    

Ông Tư Buôi nhận chứng nhận xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2023 cho ngôi nhà gốm đỏ của mình.

Từ những thỏi đất sét thô, những tưởng chẳng thể nào ứng dụng vào xây dựng, nhưng qua bàn tay của người nghệ nhân gốm sứ này không gì là không thể. Căn nhà không chỉ vừa thỏa tiêu chí đẹp, mát, lại vừa tận dụng tối đa ưu điểm của gốm xây dựng là thân thiện môi trường và bền bỉ theo thời gian.

Ngôi nhà lưu giữ những tinh hoa của nghề gốm, cái hồn của đất được giữ và thể hiện trên ngôi nhà, giúp thế hệ trẻ của làng nghề tiếp nối và bảo tồn phát huy những giá trị đặc sắc từ gốm đỏ mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Vĩnh Long.

Hơn nữa, ngôi nhà đã gom lại những nét văn hóa tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ xưa, giúp người con xa quê không thể nào quên dù đi bất cứ nơi đâu.