Người đồng bằng: Vui buồn cùng nghề chẻ đá

Hàng chục năm qua, những con đường tại ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vẫn ngày ngày vang tiếng máy cắt, tiếng đục từ những người làm nghề chẻ đá.

Trải qua không ít thăng trầm, nguy hiểm nhưng những con người ấy vẫn kiên trì bám nghề để mưu sinh và giữ gìn một nét đẹp truyền thống của vùng đất này. 

Chúng tôi đến ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vào giữa trưa nắng gay gắt những ngày cuối tháng 5. Từ xa, đã nghe tiếng máy cắt, tiếng đục đá vang vang hoà cùng làn bụi trắng - những thứ đặc trưng của vùng làng nghề chẻ đá.

Theo người dân, nghề chẻ đá ở xã Thổ Sơn đã hình thành và tồn tại hơn 50 năm. Ban đầu, nghề này bắt nguồn từ tỉnh An Giang, sau nhiều biến cố, người làm nghề chẻ đá đã di dời đến huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục công việc và truyền nghề lại cho con cháu.

Từ những tảng đá được các công ty khai thác trên núi, người thợ nghề sẽ mua về và thông qua các kỹ thuật, kinh nghiệm chẻ ra các sản phẩm như: cừ đá, cột đá, đá lát nền…

Nghề chẻ đá ở xã Thổ Sơn đã hình thành và tồn tại hơn 50 năm

Ông Nguyễn Công Bằng với hơn 20 năm làm nghề chẻ đá cho biết, nghề này từng một thời thu hút rất nhiều người tham gia hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, qua thời gian số người bám trụ và sống với nghề dần vơi đi một nửa. Bởi nghề này chẳng còn thuận lợi để ổn định đời sống.

“Nguồn đá giờ dần cạn kiệt nên mua rất mắc, mà mua về làm ra sản phẩn bán thì không được giá cao, đồng lời rất ít. Giờ làm chỉ đủ sống qua ngày thôi chứ nói dư là rất khó.”

So với ngày xưa, nghề chẻ đá ngày nay đã khác rất nhiều. Sản phẩm ngày nay được người thợ làm nhanh hơn nhờ có máy cắt đá thay vì chỉ dùng đục như ngày trước. Đối với những sản phẩm dùng máy cắt sẽ rút ngắn được thời gian và hình thù đẹp hơn nhưng cũng đồng nghĩa với tiền lời hao hụt, bởi phải bù vào khoảng bảo dưỡng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, một lão làng trong nghề nói: “Một tháng sẽ làm được một xe đá. Một xe đá mua vào khoảng 6,3 triệu và làm bán ra thì được 10 triệu. Trừ 200.000 đồng tiền thuê bãi, tiền điện 700.000 đồng, phải thay 10 lưỡi cưa là 1,5 triệu… Cộng trừ hết tất cả còn vài triệu chỉ đủ sống qua ngày.”

Nghề chẻ đá ngày nay đã đỡ vất vả hơn nhờ

Bà Trần Ánh Xuân, chủ một cơ sở thu mua, sản xuất đá chẻ cho biết, thời gian gần đây đầu ra của sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, cùng với giá thành ngày một xuống thấp khiến cơ sở tồn đọng hàng chục ngàn cây đá chẻ. Dù khó khăn nhưng bà Xuân vẫn kiên trì “níu giữ” hơn 10 nhân công để họ làm việc kiếm thu nhập trang trải nuôi gia đình.

“Nói chung là khổ cho người dân, mua thì mắc mà bán thì rẻ, lời ít lắm. Buôn bán riết chán lắm mà nghề nghiệp ráng theo thôi chứ biết làm sao. Nhiều lúc không còn tiền phải vay mượn chỗ này chỗ kia để lo cho thợ, nếu không cho người ta làm thì tội nghiệp, mình làm chủ thì mình phải lo chén cơm cho người ta…”

Người thợ làm nghề chẻ đá không chỉ đối mặt với kinh tế khó khăn mà con tiềm ẩn rất lớn nguy cơ mất an toàn lao động và sức khoẻ giảm sút. Đã có nhiều trường hợp tai nạn nghề nghiệp mang tính chất từ nhẹ đến nghiêm trọng xảy ra.

Chồng bà Thị Chắc, ngụ tại tổ 9, ấp Hòn Sóc cũng là một trong những người kém may mắn ấy. Hoàn cảnh gia đình bà Chắc vốn đã khó nay càng thêm chồng chất khi người chồng – nguồn lao động chính chẳng may qua đời trong lúc làm nghề chẻ đá. Giờ đây một mình bà Chắc cùng 5 người cháu phải dựa dẫm vào nhau sống qua ngày.

“Chồng tôi làm nghề này bị tai nạn 2 lần. Lần đầu thì mất cánh tay, lần sau thì đá đè không qua khỏi. Ngày ông ấy mất đến giờ khổ lắm, toàn người ta cho ăn thôi. Trước khi ông ấy mất cô bị tai biến, bây giờ nửa người cô tê không có cảm giác, không đi làm được gì. Rồi nuôi thêm 5 đứa cháu, cha mẹ nó đi bỏ tụi nó hết rồi…”

Bà Trần Ánh Xuân, chủ một cơ sở thu mua, sản xuất đá chẻ cho biết, thời gian gần đây đầu ra của sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn

Sinh nghề tử nghiệp, gian nan vất vả là thế nhưng những người làm nghề chẻ đá vẫn cố bám trụ nghề để mưu sinh. Bởi ngoài nghề chẻ đá thì chẳng còn nghề nào khác “khá hơn” để họ dựa vào. Cứ thế mà đời này qua đời khác, người nối người, nghề nối nghề.

Ông Hồ Thanh Phong – Bí thư kiêm Trưởng ấp Hòn Sóc cho biết, hiện nay nghề chẻ đá đã giảm đi một nửa so với trước. Nghề này dù đã được công nhận nghề truyền thống – là niềm vui và tự hào của người dân nơi đây nhưng tiềm ẩn rất lớn rủi ro về tai nạn lao động và sức khoẻ. Địa phương cũng đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến để đầu tư và khuyến khích hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề theo nhu cầu nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng là trên hết.

“Người làm nghề này giờ mà đi khám phổi là bụi đóng trắng xoá khi mà phát bệnh lên mới đi chứ không đi khám định kỳ. Người dân tại ấp hiện được hưởng 100% bảo hiểm y tế nhưng bà con thì thấy cứ còn sức khoẻ thì làm thôi, cũng vì chén cơm manh áo thôi”.

Đối mặt với những khó khăn hiện hữu thì liệu những người làm nghề chẻ đá sẽ tiếp tục hay dừng lại để tìm kiếm một công việc khác tốt hơn. Và dù thế nào đi nữa, đối với họ, nghề này cũng đã cưu mang và đồng hành cùng họ suốt chặng đường dài, giúp họ có cơm ăn, có nhà cửa, con cái được học hành. Người thợ đá thường nói vui rằng, đá cũng có nước mắt. Đó là nước mắt của những ngày vất vả ăn với đá, ngủ với đá, là nước mắt của những trưa ệt mài bụi phủ trắng tóc đen.

Vất vả là thế, nhưng người thợ làng nghề vẫn tháng ngày bám trụ, giữ nghề, truyền nghề, để tiếng cưa, tiếng mài, tiếng đục vẫn vang vang đều đặn ở đất Hòn Sóc này.