Người dân khốn khổ vì điện câu đuôi

Thời gian qua, mặc dù ngành điện đã cố gắng đầu tư phát triển lưới điện hàng năm, nhưng thực tế vẫn không theo kịp tốc độ phát triển của các khu dân cư và tập quán sinh sống theo đất canh tác của bà con, nên việc xóa điện câu đuôi gặp nhiều khó khăn.

Chưa có lưới điện quốc gia, cuộc sống, sản xuất của bà con tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng ít nhiều, đó là chưa kể, việc “bấm bụng” sử dụng điện câu đuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và cả ngành điện. 

7 năm canh tác sầu riêng, anh Nguyễn Hữu Phước, ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã quá quen thuộc với âm thanh này. Do điện câu đuôi yếu, nên anh Phước cũng như nhiều bà con khác đành chạy máy dầu để bơm nước tưới cây.

Tính ra, chi phí cho toàn bộ khu vườn rộng 3ha cao nhiều lần so với sử dụng mô tưa điện, nhưng anh Phước và bà con khu vực này chưa tìm được giải pháp nào khả thi hơn:  "Không có điện đài, khó khăn, không có làm gì ăn được hết á. Bởi vì mình xài bằng máy không. Ví dụ như mình có điện, mình đứng bật ở đây là xong rồi, còn bây giờ muốn vậy thì mình phải đem xuống mị dưới, cái máy em đặt ở đầu dưới. Xuống dưới phải quay máy dầu lên mới được.

Muốn tắt thì phải chạy xuống dưới kia tắt mới được. Còn có điện thì dễ, ở đây bật cầu dao lên cái là tưới rồi. Ở ngoài kia toàn là câu đuôi vô không hà, mà câu đuôi thì mình đâu có tải điện mô tưa nổi. Trừ khi là điện trên kia kéo xuống, người ta vô từng nhà, từng nhà mình mới kéo mô tưa nổi thôi. Mình bơm nước cũng vậy, bơm bằng mô tưa, không bơm máy dầu nữa, như vậy thì mình mới khỏe."

Một số hộ dân tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bất an vì điện câu đuôi. Ảnh: Khánh Duy

Theo tìm hiểu của VOV Giao thông, dọc tuyến kênh Xã Của thuộc ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ hiện có khoảng 16 hộ dân đang sinh sống, lâu nay, vẫn còn một đoạn dài khoảng 1 km chưa được đầu tư lưới điện quốc gia. Men theo con đường dọc tuyến kênh 26/3 của thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, không khó nhận ra những đường dây điện được mắc chằng chịt không an toàn chỉ vừa cao hơn đầu người dài hơn 500m được người dân câu đuôi để về sử dụng trong nhà.

Bà con chỉ mắc dây đơn hoặc chỉ kéo tạm bợ trên những cây tre, thậm chí nhiều đoạn dây thả dọc theo rẫy mía, chỉ cần gió mạnh, cây ngã là có thể gây nguy hiểm cho người dân qua lại. Không còn cách nào khác, mọi người tự nhắc nhau phải thật cẩn thận khi sử dụng, đặc biệt, hạn chế sử dụng vào giờ cao điểm để tránh rủi ro.

Ông Trần Văn Lân, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết: "Mười mấy năm nay câu đuôi kéo về thì mới có xài vậy thôi, xài tạm bợ, thắp sáng vậy thôi. Bây giờ có cái tưới là bằng máy đuôi tôm, chứ đâu có điện nỗi đâu mà tưới. Nội giờ mình xài cái này, ngưng cái kia, chứ tưới gì nỗi, cũng mong muốn làm sao có điện, rồi ở đây bà con sinh hoạt dễ dàng, tưới cây nầy nọ được dễ dàng."    

Thống kê của Công ty điện lực tỉnh Hậu Giang, tỷ lệ hộ dân chưa có điện trên địa bàn hiện còn rất ít, với 516 hộ, chiếm 0,34%. Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên vốn có của khu vực nông thôn, hầu hết các hộ dân này sinh sống chủ yếu dọc theo kênh rạch, dân cư sống rải rác, thưa thớt và không tập trung nên việc thực hiện đầu tư lưới điện không thuận lợi do suất vốn đầu tư lưới điện trên mỗi hộ dân rất lớn. Số liệu khảo sát còn khoảng 528 tuyến cần đầu tư lưới điện để cấp điện cho các hộ dân và đảm bảo sử dụng điện an toàn với khối lượng cần đầu tư là 256km đường dây trung thế, 686km đường dây hạ thê, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 372 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khoa Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, thông tin: "Đối với các hộ dân trong khu vực câu đuôi, câu truyền thì chúng tôi phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân gia cố, cải tạo lưới điện để đảm bảo an toàn.

Về lâu dài hàng năm, Công ty điện lực Hậu Giang phối hợp với Sở công thương và chính quyền địa phương rầ soát nhu cầu sử dụng điện rồi tính cấp bách của từng công trình tuyến điện để đưa vào kế hoạch ưu tiên, đưa vào kế hoạch phân kỳ đầu tư hàng năm tùy theo nguồn vốn hàng năm chúng tôi được phân bổ."

Trong những năm qua, ngành Điện lực đã đầu tư lưới điện quốc gia đến những khu vực vùng sâu vùng xa, tuy nhiên vì nhiều lý do, một số khu vực vẫn còn chưa được nối liền mạch điện. Việc tìm đến những giải pháp thay thế như sử dụng máy bơm hoặc có thể nghĩ đến phương án sử dụng điện mặt trời thì không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện được do chi phí đầu tư ban đầu không phải là ít.

Hơn lúc nào hết, người dân rất mong lưới điện quốc gia sẽ sớm về với địa phương để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, góp phần giảm hao phí điện năng và đảm bảo an toàn, để điện câu đuôi không còn là nỗi lo mỗi khi nhắc đến.