Ngổn ngang cao tốc ĐBSCL (Bài 2): Giao mỏ và nâng công suất để sớm có cát

Liên quan đến các dự án cao tốc tại ĐBSCL đang chờ cát thì cách giải quyết được đưa ra là nâng công suất và giao mỏ cho đơn vị thi công tự khai thác. Thế nhưng, cả 2 phương án này tiến hành rất chậm, theo lý giải là do các địa phương còn lúng túng khi thực hiện “cơ chế đặc thù”.

Bộ TN&MT khảo sát, đến thời điểm hiện tại, cát sông chất lượng, đạt yêu cầu kỹ thuật cho xây dựng chủ yếu nằm ở các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua, tập trung nhiều nhất ở 4 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng.

Trữ lượng đủ cung cấp cho các dự án trọng điểm đến năm 2026. Các địa phương đã cấp phép khai thác với trữ lượng 120 triệu m3 (gồm 20 triệu m3 cát xây dựng và khoảng 100 triệu m3 cát san lấp). Tuy nhu cầu cho 4 dự trọng điểm đến năm 2026 là 54 triệu m3 nhưng không khai thác tập trung cùng một lúc mà đã có phân kỳ, đến 2025 sẽ giảm dần và 2026 kết thúc.

Ngày 16/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông.

Trong cơ chế này, UBND tỉnh/thành phố sẽ giao mỏ cát cho Chủ đầu tư dự án (nhà thầu) tự khai thác và được nâng công suất khai thác mỏ cát có giấy phép. Tuy nhiên, đã 2 năm từ khi Nghị quyết ban hành, Bộ - Ngành đánh giá tiến độ thực hiện của địa phương còn rất chậm.

Đồng thuận với chủ trương của Chính phủ, Đồng Tháp đã giao cho nhà thầu khảo sát 06 mỏ với tổng trữ lượng 6,62 triệu m3, trong đó 05 mỏ đạt yêu cầu, gồm: An Nhơn ( 0,55 triệu m3); Thường Thới Tiền ( 0,79 triệu m3); Tân Mỹ ( 0,81 triệu m3); Tân Thuận Tây ( 0,79 triệu m3); Định Yên ( 0,35 triệu m3). Các mỏ này đang trong giai đoạn hoàn thành 4/6 bước hồ sơ thủ tục cấp phép để tiến hành khai thác trong năm 2023.

Tuy nhiên, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thể hiện băn khoăn: Nếu đơn vị thi công đủ năng lực thì được, còn nếu đơn vị thuê một đơn vị tư nhân khác, chưa hiểu về khai thác và chưa hiểu về khu vực được khai thác thì rất khó cho chúng tôi.

Thiếu cát khiến các công trình xây dựng cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long chậm tiến độ

Còn đối với An Giang, 04 mỏ đang khai thác phục vụ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã phải ngưng trệ vì 1 mỏ bị khởi tố, 1 mỏ bị thu hồi giấy phép, 2 mỏ chưa ký hợp đồng. Còn 2,2 triệu m3 cho năm 2023 và 3,7 triệu m3 cho năm 2024 địa phương này vẫn chưa có kế hoạch cung ứng. An Giang đồng ý giao 2 khu mỏ là Bình Phước Xuân ( 7,5 triệu m3) và Nhánh Cù lao Tây ( 3,5 triệu m3) cho nhà thầu khai thác nhưng là để cung ứng cho Hậu Giang và Cần Thơ phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Tuy nhiên, nhà thầu đã phản hồi khu mỏ Nhánh Cù lao Tây là mỏ nạo vét, tận thu, không phải mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch nên địa phương cũng chưa triển khai thủ tục bàn giao. Riêng mỏ Bình Phước Xuân, lấy với trữ lượng lớn thì buộc phải chờ đánh giá tác động môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bày tỏ lo ngại: Thủ tướng chỉ đạo giao mỏ cát cho nhà thầu thi công, nhưng mà bây giờ kiểm soát như thế nào? Nên chăng, nhà thầu thông qua địa phương để có hợp đồng liên danh với các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong khai thác cát. Bởi vì không có kinh nghiệm là sẽ móc cát ở một vị trí, còn có kinh nghiệm họ sẽ rà dưới lòng sông cho đều hết. Phải đảm bảo được không biến đổi dòng chảy, cần thiết thì địa phương sẽ giới thiệu đơn vị có kinh nghiệm trong khai thác cát để đảm bảo không tác động về môi trường.

Tỉnh Vĩnh Long thì cũng còn trong giai đoạn hướng dẫn nhà thầu lập thủ tục khai thác 2 mỏ. Nhưng tỉnh này chỉ mới có văn bản giao 1 mỏ Vàm Trà Ôn 3 ( 0,75 triệu m3). Đơn vị thi công đề nghị Vĩnh Long đẩy nhanh thủ tục để đơn vị khai thác vào tháng 12/2023 và sớm có chủ trương giao thêm 3 mỏ, là: Trà Ôn 1, Trà Ôn 2 và Trà Ôn 3 (3,2 triệu m3).

Riêng đối với dự án nạo vét luồng lạch để tận thu sản phẩm thì Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ trình Chính phủ vào tháng 10/2023, tuy nhiên, giai đoạn này, địa phương đừng tập trung kỳ vọng vào dự án nạo vét vì còn phải chờ phê duyệt. Vật liệu duy nhất đang cần trong năm 2023 vẫn là cát.

Dựa theo Nghị quyết 60 của Chính phủ quy định, đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu đơn vị sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho Dự án đường cao tốc thì phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Các địa phương ĐBSCL băn khoăn về việc giao mỏ cho nhà thầu nhưng việc này chúng ta đã thực hiện ở gian đoạn 1 rồi, ở tất cả các nơi triển khai không có vấn đề gì đáng lo cả. Địa phương lo là giao cho nhà thầu không đủ năng lực, phải thuê đơn vị khác khai thác. Địa phương yên tâm, khi giao cho nhà thầu, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm cao, kể cả Ban Quản lý Dự án trực thuộc Bộ GTVT cũng chịu trách nhiệm. Nếu nhà thầu có thiết bị khai thác thì tốt, còn không đủ thiết bị khai thác thì đề nghị địa phương giới thiệu. Giá cả thì áp dụng theo giá địa phương công bố.

Về trách nhiệm đối với cơ chế giao mỏ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định với các địa phương ĐBSCL: Các nhà thầu họ sẽ chịu trách nhiệm, nếu sai thì 5-10 năm nữa vẫn chịu trách nhiệm. Nhà thầu có quyền lựa chọn doanh nghiệp có năng lực và phối hợp với địa phương. Đối các mỏ sai phạm, thì cứ thu hồi và cấp lại giấy phép mới cho đơn vị khác khai thác. Còn nếu như sai phạm mà chưa đến nỗi lớn, lỗi do cơ quan quản lý thì chúng ta sửa lại cho phù hợp.

Nghị quyết 60 của Chính phủ cũng thể hiện rõ, đối với các mỏ khoáng sản đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép. Tuyệt đối không tăng trữ lượng. Tuy không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường nhưng phải cam kết an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác. Đơn vị khai thác phải ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu của dự án thành phần đường cao tốc. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá.

Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và phải tuân thủ các quy định về tài nguyên nước.

Trong 04 địa phương có mỏ cát thì Bộ GTVT đề nghị An Giang và Đồng Tháp rà soát để nâng công suất 50% tất cả các mỏ đang khai thác để cung cấp cho các dự án trong điểm của vùng.

Địa phương lo ngại, nếu nhà thầu thuê đơn vị tư nhân khai thác, không am hiểu địa hình thì quá trình khai thác sẽ tác động đến môi trường và làm thay đổi dòng dảy.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã 02 lần, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì làm việc với các địa phương ĐBSCL để “giải cơn khát” cát cho dự án cao tốc. Mặc dù đã chỉ ra được khó khăn, nhưng công tác phối hợp chưa thật sự có hiệu quả, dẫn đến cục diện chung là vẫn thiếu cát. Điều này đòi hỏi địa phương phải chủ động trong khâu thủ tục và đơn vị khai thác phải thận trọng trong khâu lấy cát thì mới đảm bảo việc “có cát và bảo vệ môi trường”. 

Mặc dù được hướng dẫn cơ chế đặc thù nhưng thủ tục pháp lý cấp mỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà Bộ - Ngành chỉ ra là cả 2 phía ( địa phương và chủ đầu tư) chưa am hiểu hết quy định. Cũng có cơ sở khi địa phương lo ngại khi giao mỏ cát cho các nhà thầu không có kinh nghiệm, phương tiện, phải thuê đơn vị trung gian khai thác. Nếu là đơn vị không có kinh nghiệm thì khả năng ảnh hưởng đến dòng chảy, tác động xấu đến môi trường và thất thoát nguồn cát ra bên ngoài là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, trong phiên làm việc mới đây, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định, trách nhiệm thuộc về đơn vị được giao mỏ. Đã có những quy định rất rõ ràng trong cơ chế đặc thù, khai thác đủ số lượng sẽ đóng và trả mỏ. Nhà thầu không có kinh nghiệm sẽ nhờ đến địa phương tư vấn, giới thiệu một đơn vị thứ 3 có kinh nghiệm khai thác.

Đây cũng là một biểu hiện chuẩn bị cho khâu phối hợp chặt chẽ. Địa phương cũng vì thế mà “tự tin” giao mỏ cho nhà thầu. Bởi nguồn cát đang rất cần cho dự án mà tiến độ cung ứng lại “nhỏ giọt” như vừa qua thì khó tránh tâm lý “nóng lòng”.

Tất nhiên, đơn vị được giao mỏ phải ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu của dự án thành phần đường cao tốc. Quy định của Nghị quyết là nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá. Vì thế các đơn vị liên quan phải kiểm soát tốt và chặt để không xuất hiện lợi ích nhóm trong việc này.

Việc khai thác cát quá mức từ lâu đã được các chuyên gia, nhà khoa học xác định là một trong những nguyên nhân chính gây nên sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, cát vẫn cần được khai thác một cách hợp lý để xây dựng các công trình. Vì thế khi nâng công suất mỏ, phải đảm bảo khai thác an toàn, không gây tác động môi trường.

Nói như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, phải thận trọng, đánh giá kỹ địa chất, nếu như làm một đường mà phải mất nhiều làng mạc là điều không được làm. Và để vừa có cát mà vừa bảo vệ được môi trường, sinh kế người dân ở ĐBSCL tránh khỏi sạt lở thì ĐBSCL cần có một cuộc tổng điều tra về cát, quan trắc, đánh giá tác động môi trường để có cơ sở cấp phép hợp lý và khai thác bền vững.