Ngổn ngang cao tốc ĐBSCL (Bài 1): Cao tốc chờ cát 

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có 4 dự án đường bộ cao tốc được triển khai với tổng chiều dài 355 km. Trong đó, 2 trục huyết mạch là Cần Thơ–Cà Mau và Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng đang thiếu cát san lắp nền đường, dẫn đến tiến độ thi công rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là dự án trọng điểm quốc gia đang được Chính phủ ưu tiên đầu tư nhằm hoàn hiện hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Giữa lúc này, công trình rơi vào khó khăn vì “đói cát”. Từ trên cao nhìn xuống công trường, hai hàng taluy dài thẳng tắp nhưng “lỏng ruột” vì không có cát để san lấp. Theo ghi nhận, hiện nay, lực lượng thi công đang tiến hành đào móc hữu cơ, xây cầu, mở đường dân sinh.

Ông Trần Hải Bắc – đại diện Tổng công ty xây dựng Trường Sơn – đơn vị thi ông san lấp tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cho biết: Hiện các gói thầu mà công ty Trường Sơn phụ trách thi công trên tuyến Cần Thơ – Cà Mau thì tổng nguồn cát cần đến là 3,6 triệu mét khối. Trong năm  2023 này, công ty thi công 1,5 triệu mét khối.

Nhưng căn cứ vào quyết định của UBND các tỉnh ban hành thì các đơn vị khai thác vẫn chưa cung cấp đạt theo yêu cầu. Từ đầu năm đến nay chỉ cung ứng 240 nghìn mét khối, vậy thì chúng tôi còn phải cần thêm 1,2 triệu mét khối nữa mới đủ thi công trong năm 2023.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã bị đứt gãy nguồn cung cát từ đầu tháng 8 cho đến nay. Tổng dự kiến khối lượng cho toàn công trình này là hơn 18 triệu m3, phân kỳ cung ứng trong năm 2023 sẽ là 9 triệu m3 . Nhưng hiện nay, tổng số cát đổ về chỉ mới đạt 0,48 triệu m3 . Sau 8 tháng khởi công, tiến độ dự án chỉ mới đạt 9% sản lượng theo giá trị hợp đồng, chậm hơn 4% so với kế hoạch đề ra.

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, Chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cho biết: Tỉnh Đồng Tháp đã bố trí được 0,37 triệu mét khối và nhà thầu đã tiếp nhận hết. An Giang thì cam kết cung ứng 1,1 triệu mét khối nhưng hiện giờ chỉ mới lấy được 110.000 mét khối thì phải tạm dừng do các mở bị thu hồi. Còn Vĩnh Long thì giới thiệu cho đơn vị 2 mỏ với dự kiến 1,38 triệu mét khối và hiện nay các đơn vị đang khảo sát đánh giá tác động môi trường.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chỉ mới nhận thực tế 0,48 triệu mét khối cát san lấp, thiếu cát, không thể thi công, dự án đã chậm tiến độ 4%.

4 dự án cao tốc đường bộ hiện nay đang triển khai tại ĐBSCL, gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và cao tốc Mỹ An Cao Lãnh. Tổng vốn đầu tư 4 tuyến này là hơn 82.000 tỷ đồng, nhu cầu san lấp là 53 triệu m3 cát.

Chính phủ đã có công văn yêu cầu 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long phân bổ nguồn cát phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2023 với khối lượng lần lượt là: Vĩnh Long 2,5 triệu m3, An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh 3,3 triệu m3 .

An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 trong năm 2023, tuy nhiên theo lý giải của địa phương, khi dự án lấy được 110.000m3 thì phải tạm dừng cho nhiều thay đổi. Từ tháng 7/2023 An Giang đã thu hồi giấy phép của 02 mỏ, 01 mỏ bị khởi tố điều tra, 02 mỏ chưa ký hợp đồng, còn 5 mỏ dự kiến khai thác nhưng chưa có quyết định. Địa phương cũng đưa vào kế hoạch nạo vét chỉnh trị dòng chảy trên các nhánh sông, dự kiến sẽ tận thu về trên 11 triệu m3 nữa, nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn từ Bộ TM&MT.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Bộ TM&MT sớm hướng dẫn trình tự thủ tục để địa phương tổ chức khai thác hoặc nạo vét nhánh cù lao Tây với trữ lượng 3,5 triệu mét khối. Đối với mỏ Bình Phước Xuân phải khai thác công suất lớn, trong thời gian ngắn thì báo cáo đánh giá tác động môi trường đã vượt ra ngoài khả năng của tỉnh. 02 mỏ cù lao Tây và Bình Phước Xuân dự kiến sẽ lấy 7,5 triệu m3 nên phải có Bộ TN&MT hỗ trợ, sớm hoàn tất hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Còn Vĩnh Long cung ứng 2,5 triệu m3 nhưng đến hiện tại chỉ mới xong công tác hướng dẫn nhà thầu lập thủ tục khai thác 02 mỏ với trữ lượng 1,38 triệu m3, còn 1,1 triệu m3 còn lại thì tỉnh chưa có kế hoạch.

Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Cái khó của Vĩnh Long đối với 1,1 triệu mét khối cát chưa có kế hoạch là nằm ở chỗ nhà thầu chưa xác định được chất lượng cát phục vụ công trình. Đến nay, về chất lượng cát đạt tiêu chuẩn hay không chưa biết, nên nếu, nhà thầu xác định cát này tốt, phục vụ được thì Vĩnh Long sẵn sàng cung ứng.

Chỉ riêng Đồng Tháp là cam kết chắc chắn, đến hết năm 2023 sẽ đảm bảo cung ứng đủ 3,3 triệu m3 cho dự án. Hiện địa phương này đã giao cho nhà thầu khảo sát 6 mỏ với trữ lượng 6,62 triệu m3 và có 5 mỏ đạt yêu cầu với lượng cho phép là 4,5 triệu m3.

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chúng tôi đã đánh giá thường xuyên và sản lượng đáp ứng đủ cho năm 2023. Chúng tôi cố gắng đến 15/9 này sẽ thông qua báo cáo tác động môi trường của 4 mỏ cát và tối đa đến 20/9 là chúng tôi đủ điều kiện khai thác để cung ứng cát cho dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, toàn vùng hiện giờ chỉ cần 54 triệu khối, trong khi giấy phép các địa phương cấp hiện nay lên tới 120 mỏ với 120 triệu khối. Trữ lượng vượt xa nhu cầu.

Bộ GTVT khẳng định, căn cứ vào kết quả khảo sát của Bộ TM&MT thì trữ lượng cát tại ĐBSCL hiện nay còn rất lớn. Toàn bộ dự án giai đoạn 2 cơ bản không thiếu vật liệu trong năm 2023 và đầu năm 2024, nếu có thì chỉ thiếu giai đoạn sau. Về cơ chế đặc thù, các địa phương được áp dụng như nhau, thậm chí khu vực ĐBSCL còn có cơ chế mạnh hơn như nâng công suất khai thác cát thêm 50%, còn các tỉnh khác không có, tuy nhiên khu vực này lại chậm cung ứng cát cho các dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Khách quan mà nói, hiện nay, khối lượng cát cần cho cao tốc vẫn thấp hơn nhiều so với trữ lượng mà các địa phương đang cấp phép. Toàn vùng hiện giờ chỉ cần 54 triệu khối, mà giấy phép các địa phương cấp hiện nay lên tới 120 mỏ với 120 triệu khối. Nếu không triển khai cao tốc thì các địa phương vẫn triển khai cấp phép khai thác đó thôi. Không chỉ có câu chuyện về Nghị quyết của Quốc hội đề ra mà tiến độ của dự án cũng không cho phép chúng ta chần chừ, dứt khoát không để tình trạng công trường chờ cát nữa.

Theo đánh giá của các Bộ - Ngành, trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu đang thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường, chống sạt lở.

Tại buổi làm việc mới đây với các địa phương ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Trong tháng 9 này, 03 tỉnh An Giang – Vĩnh Long – Đồng Tháp phải hoàn tất các thủ tục để khởi động lại các dự án mới, những dự án nằm trong danh mục được khảo sát, các dự án hết hạn và dự án nâng công suất. Đối với các chủ thầu hết hạn được gia hạn và chắc chắn là phải ưu tiên cho cao tốc Bắc  - Nam. Trong tháng 9 này phải có cát cho dự án.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các sở, ngành phải làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương khi vận dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ. Khi nâng công suất mỏ phải đặc biệt thận trọng, đánh giá tác động, không làm ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.

Thiếu cát, công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chủ yếu đang đào móc hữu cơ, xây cầu và đường gom.

Thực tế được chỉ ra là trữ lượng cát ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn đủ cho thi công cao tốc nhưng vì lý do thủ tục rườm rà mà quá trình đưa hạt cát từ đáy sông đến công trình quá chậm. Với đặc điểm cấu trúc ở ĐBSCL, nền đất yếu, không đủ cát, kéo dài thời gian thi công thì chất lượng công trình cũng bị ảnh hưởng. Các địa phương phải “Nỗ lực cung ứng cát” để không dẫn đến tình huống dở khóc dở cười là “có tiền cũng không mua được cát”.

Để đi tới khởi công một dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, thì trước đó là một hành trình rất dài của cả Nhà nước và chủ đầu tư trong việc sắp xếp vốn, hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Thế nhưng khi triển khai thì lại thiếu cát đắp nền. Vấn đề này được đẩy lên nghị trường Quốc hội, cho đến khi Bộ - Ngành chuyên môn vào cuộc thì chỉ ra vướng mắc nằm ở  thủ tục, khâu điều phối yếu, trong khi trữ lượng thì còn nhiều. Rõ ràng, vấn đề này làm chậm trễ tiến độ công trình một cách không thỏa đáng.

Thiếu cát là chuyện lớn, nhưng yếu về khâu thủ tục cấp phép khai thác lại là chuyện nhỏ. Nếu căn cứ theo luật khoáng sản trước đây, để đưa được cát từ lòng sông lên phải mất 25 bước hồ sơ và kéo dài trong 1 năm. Để gỡ khó, Bộ - Ngành đã ban hành cơ chế đặc thù cho địa phương, tinh giản thủ tục để lộ trình khai thác nhanh hơn.

Điều này đòi hỏi các địa phương phải linh động và nỗ lực hơn nữa trong khâu giải quyết hồ sơ, cấp phép khai thác, khai thác những mỏ mới trong phạm vi cho phép để cung ứng cát cho công trình. Phương án nhập các từ các quốc gia lân cận cũng đã được các địa phương sắp xếp, thương thượng. Nhưng cái chính là sự chủ động của địa phương lẫn chủ đầu tư, thương thảo thành công để sớm được cung ứng nguồn cát.

Nói đi cũng phải nói lại, cùng một lúc cần đến khối lượng lớn thì cũng là áp lực cho địa phương. Cát tuy còn đó nhưng không thể lấy tận gốc vì hệ lụy gây sạt lở. Bộ Xây Dựng đã từng hướng dẫn, bất kì một sự phát sinh nào cũng phải được dự trù để đưa vào kế hoạch ban đầu. Tìm cát đã khó, mua được cát càng khó hơn, vậy thì cái khó này phải được thẳng thắn cáo cáo Ban chỉ đạo trước thềm khởi công. Không thể để công trình đi được nữa chặng đường thì đình trệ vì những lý do chủ quan. Khi đó tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng và lòng mong mỏi của nhân dân ĐBSCL sẽ thêm dài. Chủ đầu tư phải dự báo nguồn vật liệu chính xác để địa phương có lộ trình khai thác an toàn.

Vì một ĐBSCL phát triển thịnh vượng, phải cần hạ tầng khang trang, thiếu cát để xây cao tốc đúng thực là thách thức nhưng đây cũng là yếu tố “lửa thử vàng”. Cần chiến lược chủ động, quyết sách đúng đắn, nhanh chóng của người đứng đầu địa phương để giải quyết khó khăn, hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia.