BÊN DÒNG THỜI GIAN
Phía sau những biển hiệu mặt đường phố cổ là những lối đi chật chội không ánh đèn, khúc khuỷu, gập ghềnh. Đó là những con ngõ liên thông từ nhà này sang nhà khác, từ phố này sang phố khác, từ đường này sang đường khác. Những con ngõ thông nhau trên phố cổ có thể dài vài mét, song cũng có thể dài vài trăm mét... Chia sẻ của người dân:
"Từ cái thời sinh ra và lớn lên nó là như thế. Tức là vào ngõ chỉ có 1 con đường thông ra 80 Hàng Gai, 1 đường thông ra phố 17 Hàng Quạt".
"Đây là ngõ thông suốt cũng bình thường thôi. Như là một con ngõ".
Từ Hàng Hòm có thể đi xuyên ra Hàng Gai hoặc Hàng Quạt. Những con đường này đi cùng với lịch sử Hà Nội từ hàng trăm năm nay. Người dân sống dân trên ngõ chủ yếu vẫn nối tiếp nhau lớn lên và già đi. Ông Trương Việt Hồng – phố Hàng Quạt, Hà Nội giới thiệu về con ngõ nơi mình sinh sống:
"Trước kia là Hàng Quạt thuở đất đến đây là 1 chủ. Từ đây tới ngoài trường học ra 80 Hàng Gai là cùng 1 chủ người Pháp. Hoà bình lập lại thì 1 số nhà bắt đầu lấy hết hộ khẩu Hàng Chỉ chung số nhà 17. Từ đầu kia đến kia là 17. Trước thì chỗ này thuộc về Hàng Chỉ. Sau hoà bình lập lại thì nhà nước phân chia, rồi họ hàng phân chia".
Nhiều hộ gia đình cùng sống chung trong ngõ, trong các căn nhà ống được xây dựng từ vài chục năm trước. Không gian sống không thay đổi. Trong khi đó lượng cư dân ngày một tăng nên tại các con ngõ nhỏ nhiều gia đình phải sống trong không gian chật hẹp.
Những con ngõ thông nhau nhiều đoạn tối chật chội, tạo điều kiện cho một vài tệ nạn. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Còn bây giờ những con ngõ đã được trả lại vẻ yên bình như chia sẻ của bà Oanh sinh sống tại phố Hàng Quạt:
"Hồi xưa phức tạp ở chỗ là người ta xếp hàng mua sổ gạo thì có tình trạng lừa đảo nhau. Bảo là đứng ở số nhà 17 Hàng Quạt, hay Hàng Gai Hàng Chỉ lừa nhau rất phức tạp".
Ở trong các con ngõ hẹp người dân dành chủ yếu để ở và làm kho. Kiếm sống vẫn là không gian nhộn nhịp phố phường ngoài kia. Cụ Phạm Thị Bắc – một trong những người cao tuổi nhất trong khu, vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện của con ngõ Hàng Chỉ:
"Từ ngõ vào đến đầu cổng này là ngõ Hàng Chỉ, mà từ cổng này vào đây là số 2, tất cả khu vực này là số 2. Thông từ ngõ Hàng Chỉ ra 17 Hàng Quạt, nhưng từ trường học là ăn về 17 Hàng Quạt. Bà chủ nhà có dất này là bà ở 80 Hàng Gai. Đất này là của khu vực bà ý. Chỗ này là của tập thể làm ăn".
Đoạn giao nhau giữa ba phố Hàng Thiếc – Hàng Gai – Hàng Hòm là nơi rộng nhất. Các gánh hàng rong cũng thường xuyên ra vào mua bán. Quán trà đá của gia đình chị Dung hơn hai chục năm nay là địa điểm nghỉ ngơi vui chuyện của người dân trong mấy con ngõ. Vì các con ngõ thông nhau nên nhà chị Dung thường là người hỗ trợ cho người giao hàng:
"Mọi người hỏi thăm số nhà, hỏi thăm mọi người tên là gì gửi hàng shipn cho người ta. Hỏi như nhà này nhà kia thì đi vắng".
"Thực ra nếu chỉ là ngõ hàng chỉ thôi thì cộc đến đây thôi. Đa số người ta đến đây thì bảo số C2 Hàng Chỉ, thế nên vào đây hàng xóm hỏi biết nhau hết vì ở đây từ bé".
Những con ngõ thông nhau tạo nên nét đẹp độc đáo cho khu phố cổ Hà Nội. Những con ngõ là lối đi chung của các hộ dân từ phố này sang phố khác. Các con ngõ thông nhau có thể có tên gọi, có thể chỉ là cái tên của 1 số nhà trên phố. Người dân cũng không quan tâm lắm với tên gọi,. Bởi họ vẫn quen sống như thế bao năm với người dân với hàng xóm.
"Cuộc sống yên ổn không có gì cả hào thuận vui vẻ lắm".
"Ở đâu quen đó nên người ta mới bảo ở phố cổ chật tí nhưng tình cảm".
"Hàng xóm láng giềng rất vui vẻ sống với nhau, nói chung bình đẳng, đoàn kết ai khó khăn thì giúp đỡ nhiệt tình".
SỐNG Ở HÀ NỘI
Sau năm 1954, xiếc Việt Nam phát triển với nhiều tiết mục như: nhào lộn trên không, đu bay, chống kiếm, dạy sử tử, hổ…khiến khán giả hồi hộp, nín thở, thót tim. Rạp Nhà Bạt ở Công viên Thống Nhất một thời luôn là niềm khát khao của lũ trẻ ngày nghỉ học và trong ba tháng hè. Xiếc Hà Nội một thời – là nhan đề bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.
Người xưa gọi những trò giải trí như: múa, hát, leo dây, rối… là tạp kỹ hay tạp hỉ. Theo thời gian, các môn này phát triển hoàn chỉnh trong đó có trò “leo dây múa rối”. Cuối thế kỷ 19, cụm từ “leo dây múa rối” đã được thay thế bằng từ xiếc, phiên âm từ Cirque của tiếng Pháp.
Theo sách “Lĩnh Nam chích quái”, thời Đinh Tiên Hoàng (968-980) đã xảy ra dịch bệnh làm chết nhiều người, các quan cho rằng, dịch là do ma quỷ gây ra nên cho rắc vôi quanh nhà để ngăn chặn. Tuy nhiên việc rắc vôi không có tác dụng. Lúc này một pháp sư Phương Bắc tên là Dũ Văn Mâu, chu du khắp nơi thấy vậy liền xin dạy các trò “leo dây múa rối” cho ma quỷ xem, ma quỉ bị cuốn hút sẽ không còn thời gian đi quấy nhiễu gây bệnh nữa.
“Leo dây múa rối” gồm các trò như: căng dây thừng to vào hai cột cao hơn mặt đất vài mét sau đó hai người cân bằng bằng hai tay đi qua đi lại. Trò khác là chôn cây tre khoảng ba, bốn mét xuống đất sau đó một người đàn ông leo lên đặt tấm ván trên đỉnh rồi múa trên tấm ván. Lại có trò cho ngựa chạy vòng tròn trên bãi đất trống, người cưỡi sẽ đứng hay nằm có khi cúi sát nhặt một vật ở đưới đất.
Khi Lý Công Uẩn dời Hoa Lư xây kinh đô Thăng Long các trò diễn này cũng theo ra kinh thành mới.
Cuối thế kỷ 19, Thực dân Pháp chiếm Hà Nội, thành phố thường xuyên có các gánh xiếc của người Anh, Pháp, Hà Lan…sang biểu diễn. Họ thường thuê bãi đất trống ở chợ Hàng Da để biểu diễn. Các gánh xiếc Amstrong của Anh, Jsako của Hà Lan ngoài các tiết mục cần sức khỏe, dẻo dai, khéo léo, dũng cảm còn có xiếc thú.
Những tiết mục xiếc nước ngoài đã mê hoặc một thanh niên Việt Nam là Tạ Duy Hiển. Và Tạ Duy Hiển đã vận động các thành viên trong dòng họ lập gánh xiếc. Năm 1922, gánh xiếc gia đình của ông Tạ Duy Hiển có tên là Long Tiên đã ra mắt tại chợ Hàng Da. Đây là gánh xiếc mà diễn viên hoàn toàn là người Việt Nam và ông Tạ Duy Hiển là người đầu tiên mở ra nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại.
Không chỉ diễn ở Hà Nội, Long Tiên đi diễn ở các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Năm 1935, gã hề da trắng của gánh xiếc Amstrong trong khi diễn đã xúc phạm người Việt bị khán giả Hà Nội và các tỉnh tẩy chay. Không biểu diễn được vì không có khán giả, Amstrong lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, không còn tiền trả lương cho diễn viên và mua thịt nuôi hổ và sư tử.
Trong sự tột cùng của túng quẫn, chủ gánh đã tự tử tại Hà Nội gây xôn xao dư luận. Những người còn lại trong gánh phải bán hết đạo cụ và thú để thanh toán nợ nần và ông Tạ Duy Hiển đã mua lại để lập môn xiếc thú.
Ông mua lô đất rất rộng ở đầu phố Quần Ngựa (ngõ 32 phố Đội Cấn ngày nay) làm trại nuôi thú đồng thời cũng làm nơi huấn luyện tiết mục. Long Tiên có các nghệ sĩ giỏi nghề, tiết mục nào cũng lạ, độc đáo và vô cùng hấp dẫn, những anh hề hóm hỉnh vui nhộn, lại có cả xiếc thú nên gánh sang biểu diễn tại Lào và Campuchia hàng tháng trời.
Sau năm 1954, xiếc Việt Nam phát triển với nhiều tiết mục như: nhào lộn trên không, đu bay, chống kiếm, dạy sử tử, hổ…khiến khán giả hồi hộp, nín thở, thót tim. Cái rạp Nhà Bạt ở Công viên Thống Nhất một thời luôn là niềm khát khao của lũ trẻ ngày nghỉ học và trong ba tháng hè.
TIN YÊU
- Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về việc thu phí thăm quan di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn thành phố. Các địa điểm dự kiến sẽ thu phí là Hội Quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và Bảo tàng Hà Nội.
- Chương trình phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) là điểm nhấn nổi bật tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) diễn ra từ ngày 7 đến 11-11. Chương trình giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Hà Nội qua 9 bộ phim điện ảnh đặc sắc về Thủ đô.
- Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) sẽ diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 16 – 22/11), TP Hồ Chí Minh (từ ngày 29/11 – 5/12), tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Chủ đề chính của năm nay là “Tái tạo”, gồm 3 trọng tâm: môi trường, cộng đồng và không gian, văn hóa và di sản.
- Năm thứ 4 được tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11/2024, tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Lần đầu tiên, “Giao lộ sáng tạo” sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo...