Nghịch lý trên cánh đồng...

Dù là vùng có lợi thế về nông nghiệp, nhưng người nông dân miền Tây vẫn mãi chẳng thể làm giàu trên cánh đồng của mình. Hàng trăm năm nay, nông dân vẫn làm ruộng theo kiểu cha truyền con nối, quy mô canh tác nhỏ và thiếu liên kết với nhau nên người nông dân rất khó giàu lên.

Dẫu biết nghề nào cũng có khó khăn riêng nhưng thẳng thắng nhìn nhận thì đúng là nhà nông nhiều vất vả, mỗi thời lại có nhưng cái khó riêng.

Nếu ngày xưa nông dân phải một nắng hai sương, phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hay tới vụ là phải con trâu đi trước, cái cày theo sau… thì ngày nay, họ phải gồng gánh những nỗi lo khác, đó là thiên tai dị thường, là hạn hán, xâm nhập mặn; là sự bủa vây của ma trận phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật- giả lẫn lộn; là giá cả tăng cao ngất ngưỡng của các loại vật tư nông nghiệp…

Cũng chính vì thực tế này mà nhiều nông dân không còn mặn mà với mảnh vườn, thửa đất quê mình. Bằng chứng là đã có rất nhiều nhà nông quyết đổi vận bằng cách dấn thân nơi các xí nghiệp, nhà máy.

Ở đây không có trời cao, gió lộng, không có chim hót líu lo hay cảnh vật yên bình như các vùng quê nhưng bù lại mỗi tháng họ được trả lương đều đặn, họ không phải sống với nỗi lo “được mùa, mất giá”.

Nếu làm việc chăm chỉ và biết chắt chiu dành dụm thì sau vài năm đi làm công nhân, họ sẽ có một số vốn kha khá cho giấc mơ đổi đời.

Phải khẳng định đổi đời là giấc mơ chính đáng bởi chẳng một ai cứ làm mãi một việc khi đã biết chắc sẽ thua lỗ. Nhưng đổi đời thì cũng có nhiều cách. Không khó để thấy những nông dân làm kinh tế giỏi ở quê mình. Giờ đây họ không chỉ làm ruộng, làm vườn mà là làm kinh tế. Họ không chỉ nuôi cá, nuôi heo mà là nuôi khát vọng làm giàu.

Rất nhiều mô hình nông nghiệp khép kín, nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng một cách bài bản, hiện đại và ở đó nông dân không khác gì những kỹ sư.

Họ năng động hơn, chịu đổi mới, dám nghĩ dám làm để rồi trên cùng một diện tích đất, cùng một năm sản xuất nhưng lợi nhận thu được tăng lên gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống.

Nói như vậy để thấy rằng bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày nay không quá tối màu như chúng ta tưởng tượng. Nông dân vẫn sẵn sàng đổi mới nếu họ biết được họ phải làm gì và quan trọng là họ sẽ được hưởng lợi gì từ những thay đổi đó. Để làm được điều này thì ngành nông nghiệp địa phương cần thể hiện vai trò của mình ngày càng tốt hơn.

Thông qua các tổ sản xuất, các hợp tác xã… hãy giúp nông dân có sự kết nối để cập nhật kịp thời thông tin thị trường, lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả để qua đó chính từ tư duy của bà con sẽ có sự thay đổi tích cực.