Nâng tầm nông sản Việt: Chuyện đâu phải riêng của ngành nông nghiệp

Có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là mặc dù lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế; Giá cả, sức cạnh tranh của các mặt hàng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đang có.

Thói quen canh tác từ nhiều năm qua của bà con nông dân đã gắn liền với phân thuốc hóa học từ lúc cây trồng bám rễ, đến lúc ra lá, ra hoa, đậu trái và gần ngày thu hoạch. Điều này vừa tạo áp lực về chi phí sản xuất cho người nông dân vừa dẫn đến việc dư lượng phân thuốc hóa học cao, nông sản không đạt chuẩn xuất khẩu.

Thế nên, thay đổi thói quen canh tác sẽ là hướng đi tất yếu trong thời điểm hiện tại cũng như về lâu về dài.

Một hạn chế khác cũng ảnh hưởng đến giá trị nông sản xuất khẩu đó là sự “thiếu” và “yếu” trong khâu bảo quản, chế biến. Nhiều ý kiến từ các chuyên gia đã khẳng định tầm quan trọng của khâu bảo quản và chế biến trong việc nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đa phần nông sản vẫn chủ yếu được bán tươi, dưới dạng thô. Đặc biệt, giữa tình hình dịch bệnh COVID-19, đầu ra các mặt hàng gặp khó thì “giá trị” của khâu bảo quản – chế biến càng được quan tâm. 

Những năm qua, nhận thấy được tiềm năng của nhiều mặt hàng rau củ, trái cây tại địa phương, các doanh nghiệp sản xuất – chế biến đã hình thành và góp phần tiêu thụ lượng lớn nông sản từ hoạt động canh tác trong vùng. Từ các loại trái cây tươi, người tiêu dùng dần được tiếp cận với các sản phẩm nước ép, siro, rau củ trái cây sấy khô, sấy dẻo,…

Sản phẩm làm ra bảo quản được lâu, dễ dàng vận chuyển và giá cả cũng có nhiều khởi sắc. Những vùng nguyên liệu liên kết với các doanh nghiệp chế biến được hình thành, bà con nông dân yên tâm đầu ra.

Thế nhưng số lượng và quy mô các cơ sở chế biến nông sản hiện nay vẫn còn những hạn chế. Các sản phẩm chế biến cũng chưa quá đa dạng so với nhu cầu thị trường.

Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: "Sản phẩm chế biến giải quyết được hai việc đó, một là bớt cung đi, thay vì chúng ta bán cả vườn thì chúng ta bớt lại sản phẩm đó. Nguyên tắc giá cả là thể hiện sự khan hiếm của hàng hóa, ít thì giá tăng, nhiều thì giá giảm, đó là bàn tay vô hình của thị trường sẽ điều chỉnh câu chuyện đó. Thành ra câu chuyện không chỉ giúp tạo ra giá trị gia tăng cho một ngành hàng nông sản, mà chúng ta giúp phát triển các ngành nông sản đi vào quy luật chuỗi giá trị".

---

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.