Nan giải tình trạng sử dụng đồ nhựa một lần trong giới trẻ

Thói quen sử dụng các sản phẩm cốc, chai, hộp nhựa dùng 1 lần trong giới trẻ đang rất phổ biến ở Hà Nội. Nếu không có những biện pháp thay đổi và ngăn chặn, sẽ gây áp lực lớn đến công tác xử lý môi trường cho thành phố.

Bạn Hà Mai Hương, sinh viên một trường Đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân thường sử dụng chai thủy tinh đựng nước, tuy nhiên phải có đến 30% sinh viên trong lớp thường xuyên sử dụng các loại hộp nhựa dùng một lần để đựng đồ ăn, thức uống:

"Phía sau trường người ta bán hàng, các bạn hay mua ly nước bằng nhựa dùng một lần và các hộp giấy đựng xôi, đồ ăn mang theo vào lớp rất thường xuyên. Sau một ngày, các thùng rác đã đầy những rác đó rồi. Điều này ảnh hưởng đến môi trường của trường lớp và môi trường tự nhiên".

Thùng rác ở lớp học luôn đầy kín các cốc, hộp nhựa dùng 1 lần

Các hàng quán bán đồ ăn sáng/ trưa, trà sữa, cà phê xung quanh các khu vực cổng trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn tấp nập vào những giờ cao điểm. Đặc biệt, để cho kịp giờ học, nhiều sinh viên thường lựa chọn mang theo đồ ăn, thức uống đựng trong các cốc, hộp dùng một lần.

Một số sinh viên cho biết: 

"Bây giờ dùng đồ nhựa phổ biến. Một phần cũng do phong trào, không tránh được. Bây giờ mình sẽ tìm cách tái chế, để bảo vệ môi trường chứ không thể cắt giảm nhu cầu của mọi người được."

"Thường cốc nước sẽ là nhựa trong hoặc ăn cơm hộp, xôi đặt trong hộp nhựa nhám (hộp xốp). Chắc chắn người trẻ đều biết tác hại của việc sử dụng vật liệu khó phân hủy đấy nhưng một phần là tiện và thứ hai là vẫn đang phổ biến quá nhiều nên không thể tránh được."

Theo một nghiên cứu của Momentum Works và Qlub (Singapore), năm 2021, Việt Nam chi tới 8.500 tỷ đồng để mua trà sữa, đứng thứ 3 trong khu vực về nhu cầu tiêu thụ trà sữa. Trong khi, đối tượng khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ, trong độ tuổi học sinh sinh viên. Điều này đồng nghĩa hàng ngày có một khối lượng lớn các đồ dùng một lần thải ra môi trường, gồm chai nhựa, cốc nhựa.

Trong khi đó, những vật liệu làm từ nhựa rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. GS Hoàng Xuân Cơ, nguyên giảng viên cao cấp khoa môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên phân tích: "Về nguyên lý rác nhựa rất lâu phân hủy, rất khó phân hủy nên cứ tồn tại ở trong môi trường, kể cả chôn lấp cứ nằm như thế thôi. Khuyến nghị là cần phải nghiên cứu kỹ về loại hình này để kiểm soát nó, xem khả năng sản xuất, khả năng tiêu hủy khi trở thành rác đến mức độ nào, để có kiến nghị xử lý".

Hộp xốp đựng đồ ăn mang đi đang được sử dụng tràn lan, làm tăng thêm gánh nặng xử lý rác

Theo TS Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường, người dân sử dụng các cốc, hộp, chai nhựa dùng một lần là các sản phẩm này nhẹ, tiện lợi và do thói quen tiêu dùng. Bởi vậy, để ngăn chặn và chấm dứt sử dụng các sản phẩm này, ông Miều đề xuất:

"Mình đã có quy định giảm thiểu và chấm dứt đồ nhựa dùng một lần nhưng để thực hiện nó rất khó. Khó ở chỗ người ta chưa nhận thức được và chưa có vật liệu thay thế. Nếu mà có vật liệu thay thế rẻ hơn, thân thiện hơn người dân sẵn sàng chấp nhận."

Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh các quy định của pháp luật, Đoàn thanh niên, các câu lạc bộ trong các trường Đại học cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về những tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần đến môi trường, sức khỏe con người, nhằm nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ.