Mua bán điện mặt trời dư thừa, chuyên gia nói gì?

Dư luận gần đây dành nhiều quan tâm đến Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là nội dung “cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán”. 

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.

Trong đó, nội dung dành được nhiều sự quan tâm của người dân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là sản lượng điện loại hình này nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (Ảnh: moit.gov.vn)

Theo Bộ Công Thương, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Vì mục đích tự sản tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, ễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

"Chính vì phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được ễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của nhà nước", Bộ Công Thương nhận định.

PGS. Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để giảm áp lực phải tăng nguồn phát để đảm bảo nhu cầu điện của xã hội đặc biệt trong mùa nắng nóng, cũng như huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thị trường điện.

"Tuy nhiên, việc đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia chỉ nên tạm thời dừng ở việc bổ sung lượng điện thiếu hụt khi điện mặt trời không tự sản xuất ra điện, chứ không nên mua bán trong giai đoạn trước mắt (khoảng 5 năm), để các bên liên quan có thể có sự điều chỉnh", ông Dũng nêu quan điểm.

Theo PGS.Nguyễn Việt Dũng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong các khu công nghiệp rất nên được khuyến khích theo quy định cụ thể của Nhà nước.

Sắp tới đây hy vọng khi Nghị định quy định cơ chế, chinh sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, cũng như Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, trong đó có quy định về thí điểm thị trường trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon từ năm 2025, vận hành chinh thức từ năm 2028, và các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo cơ chế và chinh sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà đúng hướng, bình đẳng về chính sách cho các bên liên quan.