Một thời Chợ Thủ

Từ huyện lỵ Chợ Mới, men theo con đường 942, đi khoảng 20 km sẽ tới Long Điền Chợ Thủ. Chợ Thủ là nơi phát tiết những người thợ thủ công tài hoa bậc nhất của đất An Giang, chuyên sản xuất và phân phối mặt hàng gỗ mộc lớn nhất ĐBSCL.

Chợ Thủ có nghĩa là chợ dành cho những người chuyên làm nghề thủ công, hình thành năm 1892, nay nằm ở đầu rạch Trà Thôn, thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trước đây chợ nép mình bên sông Tiền, nhưng do sạt lở bủa vây nên chợ chuyển vào sâu bên trong trung tâm làng và lấy tên mới là chợ Long Điền A.

Thế nhưng, dân gian vẫn thích cái tên Long Điền Chợ Thủ như nhớ về cái thuở sơ khai của những thế hệ đầu tiên đến đây nhen nhóm ngón nghề điêu khắc mộc. Bà Hồ Thị Liền, con gái Nghệ nhân điêu khắc gỗ Hồ Xuân Lai, ngụ tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới nhớ lại:

“Mình thấy Ba làm cái mình ăn cắp cây nhỏ nhỏ, nhìn thấy Ba làm sao mình làm y vậy. Đi học về là để cặp xuống rồi lấy cây làm nghề mộc, tới khi có gia đình, ông xã cũng làm nghề mộc. Tới khi sinh con ra là dạy nó trạm trổ nghề mộc rồi theo nghề tới bây giờ luôn”.     

Chợ Thủ là nơi phát tiết những người thợ thủ công tài hoa bậc nhất của đất An Giang, chuyên sản xuất và phân phối mặt hàng gỗ mộc lớn nhất ĐBSCL.

Chợ Thủ là một trong những chợ quan trọng bậc nhất của tỉnh Long Xuyên thời Pháp thuộc và là một trong 12 chợ xuất hiện sớm, sầm uất nhất của tỉnh An Giang trước kia (trước cả chợ Long Xuyên và chợ Châu Đốc). Vào thế kỷ 19, người Bắc di dân vào Nam đã mang theo dụng cụ nghề mộc rồi an cư lập nghiệp tại Chợ Mới. Nhờ có gỗ súc từ Campuchia đưa về với chi phí tương đối nhẹ, những ngón tay tài hoa của người thợ “đời đầu” đã trạm trổ đường nét tinh xảo, công phu, làm cho khúc gỗ thô cứng trở nên có hồn.

Dần dà, sản phẩm gỗ mộc Chợ Thủ mang dấu ấn riêng, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu gỗ mộc từ Lái Thiêu và Biên Hòa đưa xuống. Thợ mộc Chợ Thủ lần lượt được “phong” làm Nghệ nhân, nhiều địa phương mời đến để tạo tác công trình kiến trúc, nổi tiếng nhất phải kể đến là: Hồ Xuân Lai (Tư Chia), Huỳnh Văn Xíu (Chín Xíu), Huỳnh Văn Vinh (Tám Vinh).

Đến những năm đầu thế kỷ XX, Long Điền Chợ Thủ đã nổi tiếng cả nước với những chuyến bè gỗ xuôi ngược, tiếng đục đẽo gỗ lách tách cả ngày lẫn đêm.

Ông Trần Minh Đoàn - Đại diện Làng nghề mộc Chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ mới, tỉnh An Giang cho biết: “Trước năm 1975 là thời hoàng kim của nghề này, đồ ở đây sản xuất ra bán toàn bộ cho thương lái ở Định Tường (Mỹ Tho). Sau giải phóng, thời kỳ bao cấp có khó khăn nên nghề lắng đọng lại do nguyên liệu khó khăn. Đến một thời kỳ đồ công nghiệp và nhôm ra đời nhưng sử dụng không bền nên người ta xoay qua xài đồ gỗ và nghề tiếp tục sống lại”.

Sản phẩm gỗ mộc Chợ Thủ mang dấu ấn riêng, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu gỗ mộc từ Lái Thiêu và Biên Hòa đưa xuống.

Sản phẩm chủ đạo của làng mộc Chợ Thủ là: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường, cầu thang, bao lam, phù điêu… với kiểu dáng cực kỳ bắt mắt và họa tiết tinh tế sang trọng. Lý do nhiều nhiều người tin dùng sản phẩm ở đây vì độ bền của sản phẩm rất cao và trình độ chế tác rất sắc xảo. Nguyên tắc “cha truyền con nối” của làng mộc Chợ Thủ 200 năm qua, về nguyên liệu gỗ đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ.

Hiện làng mộc nơi đây chỉ chế tác 4 loại gỗ, là: Cẩm Lai, Bên, Căm Xe và Thao Lao. Hình ảnh được điêu khắc trên gỗ thường mang ý nghĩa từ cuộc sống ền tây sông nước, hoặc điển tích, điển cố. Sản phẩm được thiết kế từ sự kết hợp kinh nghiệm và thị hiếu của khách hàng chứ không chỉ dựa trên yếu tố chủ quan cá nhân hay cá tính của mỗi nghệ nhân.

"Tùy theo nhu cầu và vị trí sử dụng, ví dụ như gỗ Căm Xe thì đặt ở Đình, Chùa. Các sản phẩm trang trí cần màu tối thì xài Thao Lao. Bằng Lăng thì làm sản phẩm thông thường".

"Để có được sản phẩm hoàn hảo thì bản thân thợ phải thả hồn vào đó, từng cành hoa lả lướt, từng con hổ, con rồng đứng thủ bộ… phải trạm trổ thật khéo. Đặc thì sản phẩm ở đây là vậy".

Ở làng mộc Chợ Thủ, môi trường việc làm rất rộng. Những thanh niên còn rất trẻ nhưng đã có nhiều năm làm nghề.

Ở làng mộc Chợ Thủ, môi trường việc làm rất rộng. Những thanh niên còn rất trẻ nhưng đã có nhiều năm làm nghề. Phụ nữ và người già cũng dư sức nhận gia công chi tiết cho sản phẩm. Với 1.000 hộ gia đình hành nghề mộc và 100 cơ sở lớn nhỏ, mỗi năm, làng mộc Chợ Thủ cung cấp ra thị trường hơn 50.000 đầu sản phẩm. Doanh thu đến đến 150 tỷ đồng. Vào những dịp lễ đặc biệt, lượng tiêu thụ tăng đột biến đến mức không thể cung cấp đủ cho khách dù đã có chuẩn bị trước.

Dọc tỉnh lộ 942, kéo dài tới hơn 4km, hai bên đường đều là những cửa hàng trưng bày sản phẩm mộc thủ công vang danh Chợ Thủ. Làng nghề cũng góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.300 lao động, chiếm gần 60% dân số vùng này. Bên cạnh đó, còn có gần 1.300 lao động gián tiếp, thu nhập bình quân từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng.

Mỗi năm, làng mộc Chợ Thủ cung cấp ra thị trường hơn 50.000 đầu sản phẩm. Doanh thu đến đến 150 tỷ đồng.

Mặc dù đã có máy tự động để chạm gỗ, giúp công việc được nhanh và số lượng được nhiều, tuy nhiên, những chi tiết máy chạm vẫn thô và độ sắc nét không cao, thiếu “hồn vía tính” bàn tay người thợ. Vì thế mà ở Chợ Thủ, nhiều cơ sở sản xuất vẫn thay nhau mọc lên san sát. Bên cạnh các cơ sở chạm trổ với máy móc trang thiết bị hiện đại vẫn còn rộn rã tiếng đục chạm tay “lách tách” của những thợ thủ công.

Ông Hồ Văn Phước, ngụ tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới cho biết: “Nếu đầu tư một cái máy thì sức của nó làm bằng 10 người công lại, nhưng trạm trổ bằng tay nó lại có lợi thế riêng mà máy không thể sánh bằng. Thủ công trạm sâu lắng hơn, còn máy nó làm rất cạn. Ở đây sử dụng máy khi mà đông ken làm không kịp mới dùng tới máy”.

Tháng 12 năm 2006, chạm trổ gỗ Chợ Thủ được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề thủ công truyền thống. Chính quyền địa phương tích cực quan tâm và có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân làng nghề. Đã có nhiều chương trình như hỗ trợ 50% chi phí mua sắm máy móc thiết bị làm nghề, hỗ trợ 30% lãi suất tiền vốn để phát triển nghề.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư kéo lưới điện ba pha về phục vụ sản xuất đồ gỗ tại địa phương. Người dân Chợ Thủ hôm nay vẫn một lòng yêu nghề, hết lòng gìn giữ những giá trị tốt đẹp, tinh xảo, tài hoa từ lâu đã vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh.