Dù vậy, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam vẫn giữ vững sự ổn định và đạt nhiều cột mốc ấn tượng. Năm 2024 ghi nhận các phiên giao dịch sôi động trên thị trường, với những kỷ lục được thiết lập, khi có những phiên giao dịch đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Năm 2024 được cho là năm chứng kiến nhiều “đợt sóng” của thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Nhiều mặt hàng đua nhau thiết lập những mức đỉnh mới. ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đánh giá, chỉ số MXV-Index chốt năm 2024 với mức tăng 5% so với năm 2023.
Một số nguyên liệu như giá cà phê Robusta liên tục vượt đỉnh lịch sử, hiện đang ở vùng giá cao gấp đôi năm ngoái. Giá cà phê Arabica cũng vượt đỉnh vào đầu tháng 12. Trong khi đó, giá đồng và giá bạc cũng lần lượt chạm đỉnh vào tháng 5 và tháng 10:
"Điều này đã nh chứng cho một năm giao dịch sôi động của thị trường. Khối lượng giao dịch hàng hoá tại Việt Nam năm 2024 tăng 10% so với năm 2023, với giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng/ngày. Đặc biệt, ngày 19/4 ghi nhận giá trị giao dịch kỷ lục, đạt gần 11.000 tỷ đồng, một con số chưa từng có trong lịch sử thị trường.
Từ đầu năm đến nay, có hơn 10.000 tài khoản giao dịch được mở mới, nâng tổng số tài khoản trên thị trường lên 40.000 tài khoản. Hiện MXV đang quản lý 30 thành viên với các văn phòng và chi nhánh khắp cả nước, liên thông giao dịch 46 sản phẩm với các Sở GDHH lớn nhất thế giới".
Về hạ tầng, MXV đã không ngừng nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến các tính năng tự động hóa, đảm bảo giao dịch ổn định và không gặp bất kỳ sự cố hay gián đoạn nào trong năm 2024. Hệ thống công nghệ MXV đang áp dụng có thể đáp ứng khối lượng giao dịch cao gấp nhiều lần so với hiện nay, mà vẫn bảo đảm sự ổn định và thông suốt.
Nhận định thêm về thị trường giao dịch hàng hoá Việt Nam năm 2024, ông Nguyễn Thế Minh, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết:
"Năm 2024 là một năm mà giá hàng hoá khá sôi động. Điểm tích cực là năm vừa rồi kinh tế phục hồi, nhu cầu toàn cầu cũng đang cải thiện nhưng sự phục hồi này vẫn tạo nên sự phân hoá rõ nét giữa các nhóm hàng hoá. Nôỉ bật nhất là nhóm lĩnh vực nông nghiệp trong khi đó nhóm công nghiệp như giá dầu thì gần như là phải đối mặt với áp lực khó khăn. Trong khi cũng nhóm công nghiệp thì giá khí lại có chiều hướng ngược lại do nhu cầu về khí đốt".
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có những chiến lược phát triển thị trường trong năm qua. Cụ thể, ông Quỳnh chia sẻ, với bất kỳ thị trường tài chính nào, thì hành lang pháp lý vững chắc chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững.
Luật Thương mại 2005 cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng pháp lý ban đầu cho thị trường, nhưng nhiều quy định hiện tại đã không còn phù hợp, đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Do đó, trong năm 2024 MXV đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến có giá trị vào việc xây dựng Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH; đồng thời đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến hoạt động của thị trường. Trong đó, Luật thuế GTGT và Luật điện lực sửa đổi đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết thêm:
"Cũng trong năm 2024, MXV đã có những chuyến thăm và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải, Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải, từ đó mở ra cơ hội hợp tác chiến lược với thị trường Trung Quốc, niêm yết các sản phẩm của thị trường Trung Quốc. Tháng 12/2024, MXV đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi là đại diện Việt Nam duy nhất tham dự hội nghị các Tổ chức phái sinh Châu Á 2024 tại Singapore với sự tham dự của 1.200 khách mời quốc tế.Bên cạnh đó, MXV đã ký kết các thoả thuận hợp tác quan trọng về logistics trong giao dịch hàng hóa với 2 đối tác lớn là: Tập đoàn logistics quốc tế CWT và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng hàng hóa toàn diện, cả trong và ngoài nước".
Đồng thời, MXV cũng đang tích cực phối hợp với UBND TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để sớm triển khai việc niêm yết giao dịch các sản phẩm đặc thù của Việt Nam như cao su, thịt heo trong năm 2025.
Đóng góp vào sự phát triển này không thể không kể đến vai trò của công ty thành viên trong thị trường giao dịch hàng hoá tại Việt Nam. Trong đó, Công ty cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi - công ty có thị phần môi giới hàng hóa lớn nhất Việt Nam năm 2024 và cũng là một trong những thành viên đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thị trường. Ông Lương Tuấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi chia sẻ:
"Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi từ khi thành lập là luôn đặt khách hàng làm trung tâm và lấy sự chuyên nghiệp làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Thành công của chúng tôi không chỉ đến từ việc vận hành bài bản mà còn nhờ vào công tác quản trị rủi ro nghiêm ngặt và việc tuân thủ tuyệt đối các quy định của MXV.
Đội ngũ nhân sự của Gia Cát Lợi đều được đào tạo bài bản, có nền tảng chuyên môn vững chắc, từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng tham gia giao dịch, giúp họ đạt được những kết quả tối ưu. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng với sự nỗ lực không ngừng của MXV cùng các Thành viên, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai".
Có thể thấy, năm 2024, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với không ít thách thức, thậm chí khiến giá nhiều mặt hàng “đua nhau” lập đỉnh. Dù vậy, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam vẫn chứng kiến sự ổn định và đạt nhiều cột mốc ấn tượng.