Một chương trình nhiều sách giáo khoa: Xu hướng của nền giáo dục hiện đại

VOVGT - Khi chương trình giáo dục mới được triển khai vào năm học 2020-2021, giáo viên và học sinh sẽ có cơ hội tự lựa chọn SGK để học

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Giáo viên và học sinh sẽ có cơ hội tự lựa chọn SGK để học. Ảnh nh họa

Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mưới chương trình Sách giáo khoa phổ thông đã quy định: Thực hiện xã hội hóa, biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học.

Quyết định 404/2015 phê duyệt thực hiện chương trình SGK phổ thông cũng chỉ đạo: Thực hiện một chương trình, nhiều SGK. Chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn SGK; khuyến khích các NXB, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK.

Tổ chức biên soạn SGK phải huy động được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có năng lực tham gia. Tiêu chí, quy trình lựa chọn tổ chức cá nhân tham gia biên soạn được công khai nh bạch.

Như vậy, tới đây khi chương trình giáo dục mới được triển khai vào năm học 2020-2021, giáo viên và học sinh sẽ có cơ hội tự lựa chọn SGK để học khi một chương trình sẽ có nhiều SGK. Đây được đánh giá là xu hướng tất yếu mà nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã thực hiện.

Từ nhiều năm nay, chương trình giáo dục phổ thông nước ta đã thống nhất quan điểm: Một chương trình, một bộ sách SGK. Dù điều này tạo được sự thống nhất về nội dung, kiến thức, nhưng thực tế, nó không phát huy được sự phong phú, sáng tạo của người viết sách lẫn người dạy, người học.

Do vậy, một nền giáo dục với nhiều bộ SGK đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, nguyên tắc, định hướng trong chương trình giáo dục phổ thông sẽ góp phần làm phong phú kiến thức, đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, tạo điều kiện cho các nhà trường, địa phương có những sự lựa chọn phù hợp. Như chia sẻ của giáo sư Nguyễn Minh Hằng, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo: “Thời đại đã thay đổi, nhất là trên thế giới. Và bây giờ chúng ta hội nhập quốc tế thì nhiều nước đã tiến hành từ cuối thế kỷ 20 việc có nhiều bộ SGK. Các nước họ đã làm từ lâu, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm được”.

Việc khuyến khích biên soạn nhiều bộ SGK mang lại cơ hội cho các tác giả có trình độ, tâm huyết với giáo dục. Đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học. PGS-TS Ngô Minh Oanh, ủy viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ:

“Đây là chủ trương phù hợp với xu hướng của thế giới, quy tụ nhiều chất xám, trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu giáo dục. Thứ hai, đây là cơ hội mở ra chân trời mới dành cho giáo viên, học sinh chọn bộ SGK tốt nhất, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng vùng ền”.

Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Minh Oanh cũng cho rằng, việc triển khai chủ trương, chương trình nhiều SGK cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Việc nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào chương trình biên soạn, xuất bản và kinh doanh SGK có thể dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh như sử dụng mức chiết khấu, quan hệ cá nhân để chiếm thị phần; sử dụng MXH, báo chí để đưa ra những thông tin bất lợi nhằm hạn chế khả năng phổ biến SGK của tổ chức khác.

“Tôi cho rằng có nhiều SGK là chủ trương tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là trăm hoa đua nở. Công tác kiểm định, đánh giá là khâu vô cùng quan trọng. Đó là cổng gác để những bộ SGK kém chất lượng không thể lọt ra ngoài thị trường”.

Khẳng định việc có nhiều bộ SGK là xu hướng tất yếu, nhưng ông Phạm Tất Thắng, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức, cơ quan quản lý cần có cơ chế chặt chẽ:

“Cơ quan quản lý Nhà nước phải có những giải pháp để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh theo đúng yêu cầu của thị trường. Và để nhằm thủ tiêu, chúng ta cần tăng quyền thụ hưởng của người dân trong việc tiếp cận và thụ hưởng SGK. Người dân có thể lựa chọn bộ SGK tốt nhất với giá thành tốt.”

Về sự cạnh tranh không lành mạnh giwuax các nhóm biên soạn SGK, bộ GDDT đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ. Theo đánh giá của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, những quy định mới không chỉ tạo cơ hội cho các nhóm viết sách khác nhau, mà còn đảm bảo chất lượng cho từng bộ sách:

“Theo quy định, người tham gia biên soạn SGK sẽ không được tham gia công tác thẩm định. Kể cả tôi biên soạn sách Toán thì cũng không được tham gia thẩm định sách bộ môn khác, như môn Giáo dục công dân chẳng hạn. Thứ hai là chỉ đạo lâu nay của Bộ trưởng, các chuyên viên, lãnh đạo của Cục, Bộ thì phải tập trung vào công tác quản lý Nhà nước chứ không tham gia vào quá trình thẩm định SGK. Cái này, mình sẽ mời các chuyên gia mà không dính dáng đến bất cứ bộ SGK nào”.

Với câu hỏi “Ai có quyền lựa chọn sử dụng SGK ở trường học?”, “liệu có xảy ra tình trạng Nhiệm kỳ này Hiệu trưởng này chọn SGK này, nhiệm kỳ sau Hiệu trưởng kia chọn sách khác?”, “Nhà trường cần phát huy quyền tự chủ của mình như thế nào trong quá trình lựa chọn SGK?”,giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

“Việc chọn SGK không phải do một người mà do các tổ chuyên môn. Nhưng để đảm bảo dân chủ hơn nữa, các tổ chuyên môn có thể tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh. Như thế ngăn chặn việc các NXB mà tác động đến nhà trường bằng lợi ích kinh tế. Thứ hai, việc quyết định chọn SGK thông qua tập thể nhà trường thì rất khó thay đổi, tránh được việc học kỳ này học sinh học một bộ sách, học kỳ sau lại học bộ sách khác”.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường được quyền lựa chọn SGK, thậm chí trên cùng một địa bàn huyện, xã, tỉnh v.v… có thể có nhiều SGK khác nhau được sử dụng. Do vậy, công tác đánh giá kết quả học tập sẽ dựa trên những yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không như theo SGK như trong chương trình cũ.