Mới vào đầu mùa triều cường, Cần Thơ đã “mênh mông” nước

Nhiều năm qua, Cần Thơ được biết đến là địa phương rất nỗ lực, thực hiện các dự án chống ngập với nhiều hợp phần kĩ thuật, nhằm mục đích bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cho đến thời điểm này, hạ tầng của thành phố vẫn còn phải đối mặt với ngập lụt.

Vào thứ 2 đầu tuần, nước dâng lúc 6h sáng đã làm nhiều phụ huynh lúng túng trong việc đưa học sinh đến trường, trong đó có chị Trần Thị Mỹ Hạnh. Vì làm thuê cho một quán ăn nên chị phải đến đúng giờ, nên dẫu biết nước dâng cao, chị vẫn phải “lội nước” đưa con gửi ở một điểm trường tư thục. Cứ như thế, mỗi đợt triều dâng là mỗi bận khó nhọc cho gia đình.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại phường An Cư, quân Ninh Kiều cho biết: "6h sáng đi ra làm nước cũng ngập, 5h chiều về cũng ngập. Thấy ở đây cứ sửa ống cống hoài mà sao nước không có thoát được, càng sửa lại càng ngập nhiều hơn."

Mỗi khi thủy triều dâng, các tuyến đường nội ô Cần Thơ bị kẹt xe cục bộ

Đây chỉ mới là đợt triều cường đầu tiên trong năm 2023, mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đo được sáng ngày 2/10 là 2,13m, vượt báo động III. Dự báo, phải mất thêm 3 ngày nữa mới kết thúc đợt triều này. Đỉnh triều buổi sáng xuất hiện vào lúc 5h - 6h và chiều tối thì từ16h - 18h.

Thời tiết tại Cần Thơ trong khoảng thời gian này lại thường xuyên có mưa to nên gây ngập úng diện rộng cho các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố, gây xáo trộn trong sinh hoạt và mất an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường, như: Nguyễn Văn Cừ đoạn từ chân cầu cồn Khương đến ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, Cách Mạng Tháng 8, Mậu Thân, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Huỳnh Cương…Có nơi ngập sâu từ 0,4m - 0,5m nước, giao thông hoàn toàn ách tắc.

Nguy hiểm nhất là khu vực hồ Bún Xáng vì nơi này tiếp giáp với ao hồ, nước lên nhanh, chảy xiết. Riêng quận Ninh Kiều, trong số 69 con đường nội ô thì đã có tới 29 đường bị ngập từ 0,1m-0,4m, ngập nặng nhất là đường Hùng Vương (0,4m), đường Nguyễn Văn Linh (từ 0,25-0,3m). Thời gian ngập có thể kéo dài từ 3-4 giờ, quy luật ngập “năm sau luôn cao hơn năm trước”.

Ông Nguyễn Như Hải, trú tại phường An Cư, quận Ninh Kiều cho biết: "Trẻ em đi học đưa rước ở trường hơi khó khăn. Buôn bán thì cũng trễ vì nước lên sớm quá. Chết máy dắt xe đi bộ, sinh viên đi làm thêm hơi khó khăn. Người dân đi làm trở ngại."

Lực lượng CSGT có mặt để điều tiết giao thông mỗi khi có triều cường

Chờ đợi thành phố hoàn thiện hạ tầng đồng bộ để chống ngập thì trong những năm qua, trước và trong khi thủy triều dâng, ngành chuyên môn bắt đầu kích hoạt các phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua những con đường bị ngập.

Năm nay cũng vậy, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đã yêu cầu đối với những điểm ngập sâu, cần có phương án cấm đường tạm thời và tổ chức phân luồng. Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào dự báo tình hình triều cường, triển khai phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp.

Ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết:

"Tổ chức kiểm tra, cấm biển cảnh báo, dây cảnh báo, đèn chớp… tại những điểm ngập sâu, khó phát hiện hố sâu nguy hiểm. Những nắp hố ga cũng chủ động gia cố, kiểm tra để tránh trường hợp nắp hố ga bật lên gây nguy hiểm. Đặc biệt an toàn về điện, người dân phải di chuyển những vật dụng có điện lên trên cao nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và cả tính mạng của chính người dân."

Lực lượng Công an hỗ trợ một người dân có xe bị chết máy

Dự báo từ Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm, thành phố còn đối mặt với 4 đợt triều cường lớn là: Đầu tháng 9 ( âm lịch), Rằm tháng 9 ( âm lịch), đầu tháng 10 ( âm lịch), Rằm tháng 10 ( âm lịch). Trung bình, mỗi đợt sẽ kéo dài từ 5-7 ngày. Mỗi đợt nước rút đi thì mặt đường bong tróc, đi qua 5 đợt thủy triều, hệ thống giao thông của TP Cần Thơ luôn trong tình trạng hư hỏng. Thực tế này đòi hỏi ngành chuyên môn và ngành chức năng phải dồn sức duy tu ngay mặt đường mỗi khi nước rút.

Ông Mai Minh Ngoan – Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Cần Thơ cho biết: "Đối với những tuyến đường thường xuyên bị ngập thì chúng tôi đã yêu cầu đơn vị quản lý tuyến bổ sung thêm các biển cảnh báo. Đối với con đường trơn trượt thì yêu cầu nghiên cứu thảm mặt đường. Dốc cầu và đường dẫn cầu cũng phải duy tu lại cho an toàn trong mùa triều cường này."

Giai đoạn từ năm 2004 đến 2022, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận có 12 năm đỉnh triều vượt báo động III và năm 2022 triều cường đạt mức lịch sử 2,27m, vượt báo động III là 27cm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng ngập của thành phố là Cần Thơ thuộc nhóm địa phương có tốc độ sụt lún nhanh tại ĐBSCL. Mặt khác, việc nhiều hộ dân tự cơi nới các công trình nhà ở đã bít các lối thoát nước từ nội ô ra sông rạch. Về hạ tầng, các van ngăn triều hiện chưa hoạt động đạt hiệu quả cao, bị hư hỏng, mất, hoặc không đảm bảo độ bịt kín để chống nước tràn vào hệ thống cống khi đóng van.

Học sinh đến trường vẫn gặp nhiều khó khăn

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc càng chống thì càng ngập là do Cần Thơ trước đó đã triển khai các công trình chống ngập không tuân thủ theo quy luật. Đáng lý phải nâng cấp các con hẻm, tuyến đường nhỏ rồi mới nâng cấp tuyến đường lớn để việc thoát nước thông suốt. Thế nhưng, Cần Thơ lại nâng cấp các trục chính trước mà bỏ qua tuyến đường nhỏ đấu nối.

Chính cách làm ngược này đã phát sinh điểm ngập nghẹt. Hơn nữa, các công trình mới nâng cấp thì được nâng cao theo cốt mới (từ 2,4m – 2,5m) còn các công trình cũ thì cốt nền thấp hơn (chỉ từ 1,7m – 1,8m) do đó khi đấu nối vào hệ thống công trình mới nâng cấp thì tất nhiên nước ngập sẽ dồn xuống công trình cũ khiến ngập sâu hơn.

Để can thiệp bằng giải pháp công trình, từ nhiều nguồn vốn, trong đó có Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, Cần Thơ triển khai dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắc là dự án 3).

Được khởi động năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 8 ngàn tỉ đồng, gồm 3 hợp phần: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (hợp phần 1), phát triển hành lang đô thị (hợp phần 2), tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (hợp phần 3). Tuy nhiên, tất cả vẫn còn đang trong giai đoạn thi công.

Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nếu không có việc quan trọng, nên hạn chế ra đường giờ đỉnh triều dâng

Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, bản thân người dân cũng nên thường xuyên cập nhật các tin tức về tình hình triều cường để chủ động ứng phó. Nhất là vấn đề an toàn về điện, các biển quảng cáo phải được di dời lên cao, không đến gần các trụ điện nhằm tránh sự cố rò rỉ điện ảnh hưởng đến tín mạng.

Giờ cao điểm đỉnh triều dâng, nếu không có việc cần thiết, người dân hạn chế ra đường. Và quan trọng nhất là trông giữ trẻ nhỏ cẩn thận, an toàn.