Mở rộng diện tích sản xuất mất kiểm soát, viễn cảnh sầu riêng thành… “sầu chung”

Nhiều nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên đang ồ ạt chặt cây trồng cũ để mở rộng diện tích sầu riêng khi thấy giá mặt hàng này tăng mạnh. Việc này nếu không kiểm soát kịp thời, trái sầu riêng sẽ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn “được mùa mất giá” do cung vượt cầu, chất lượng không đảm bảo.

Sầu riêng – đúng như vị thế của nó, vua của các loại trái cây hiện giá cả đang cao ngất ngưởng. Điều này kích thích nhiều nhà vườn tại ĐBSCL nỗ lực vun trồng, thậm chí mở rộng diện tích.

Phớt lờ khuyến cáo của ngành chuyên môn, không ít hộ dân tìm mọi cách để chuyển sang canh tác loại cây này, kể cả trên nền đất lúa và vùng nằm ngoài đê bao chống lũ. Việc cứ ồ ạt mở rộng diện tích, mà không kiểm soát được chất lượng sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy.

Người nông dân ồ ạt trồng sầu riêng khiến nguy cơ cung thừa cầu, được mùa mất giá (ảnh: vnbusiness)

Vui nhiều, nhưng buồn cũng không ít. Những cảm xúc đan xen của người trồng sầu riêng lúc này tại Tiền Giang.

Anh Nguyễn Văn Út, xã Mỹ Trung, Cái Bè, Tiền Giang có 10 ha trồng sầu riêng. Sau gần 04 năm dày công chăm bón với hy vọng đổi đời, giờ thành “công cốc” chỉ sau một ngày nước lũ lên cao. Những cây sầu riêng của anh đáng lẽ sắp cho thu hoạch, tuy nhiên chúng đã chết khô gần hết. Đây là hậu quả của việc người dân trồng sầu riêng một cách tự phát và chạy đua theo thị trường.

Hiện, anh Út không biết nên chặt bỏ vườn cây mà mình đã đầu tư tới 02 tỷ đồng hay chuyển sang trồng giống cây khác trên mảnh đất này, mà muốn đầu tư mới cũng khó vì kinh tế kiệt quệ: Tôi là muốn tự vẫn luôn. Bao nhiêu công sức, tiền của mình đầu tư vào, giờ chết khô hết. Mình chỉ có trông chờ vào nguồn thu này thôi, tiền vay bạc hỏi, giờ cũng không biết phải làm sao.

Xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè là địa phương thường xuyên ngập do lũ. Tuy nhiên rất nhiều hộ dân chủ quan, tự ý chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, một loại cây rất nhạy cảm với ngập úng. Ông Trần Văn Trí, nhà vườn xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang chia sẻ: Vì 3 năm trời có thu nhập được gì đâu, mình chỉ chăm sóc thôi, tới giờ ngập nên trắng tay. Giờ không còn gì để nói, giờ âm thầm ra đi luôn rồi.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh, giá cả tăng  gấp 3 lần. Tính từ 17/9 - ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu sang thị trường Trung Quốc. Cũng vì nhìn thấy lợi ích trước mắt này, nhiều bà con nông dân đã ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng của giá sầu riêng trong vài năm tới.

Tại Tiền Giang, trong vòng 4 tháng kể từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng loại cây này đã tăng đột biến lên tới hơn 3.000 ha, nâng tổng diện tích lên 20.000 ha sầu riêng, đứng đầu trong cả nước. Tỉnh này đã vượt mức quy hoạch đến năm 2025 là 5.000 ha. Nguyên nhân xuất phát từ các cơ quan quản lý ở địa phương hiện cũng đang gặp khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Cây sầu riêng thì ngành nông nghiệp khuyến cáo trồng ở Bắc quốc lộ 1 và Nam đường cao tốc thôi; bà con nông dân không nên vội trồng mà ổn định diện tích để nâng cao chất lượng. Cây sầu riêng hiện nay giá rất tốt, người dân họ đang trồng nhưng ở địa phương không quản lý được việc này nên đây là điều rất khó.

Bà con không nên vội vàng trồng ồ ạt sầu riêng

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010 diện tích sầu riêng của cả nước chỉ có 17.600ha, nhưng đến năm 2022 con số này đã tăng lên 90.000ha với sản lượng hằng năm khoảng 1,3 triệu tấn trái. Điều đáng nói, Bộ NN&PTNT cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích sầu riêng hiện có.

Riêng ở Tiền Giang, địa phương mới chỉ được cấp 3 mã số vùng trồng để xuất khẩu với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng cho hơn 20.000 tấn, nhưng hiện con số này đã lên tới 13.000 ha cho thu hoạch/20.000ha canh tác, cũng có nghĩa dù trồng thêm, lượng xuất khẩu cũng chỉ có giới hạn. Tính ra Tết năm nay, các nhà vườn sẽ phải tiêu thụ trong nội địa 260.000 tấn sầu riêng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định: Cục Trồng trọt đã có những định hướng, rõ ràng các địa phương phải vào cuộc, có giải pháp để làm sao sầu riêng của địa phương mình phát triển đúng theo các đề án, định hướng chung của ngành.

Câu chuyện được mùa mất giá, dư thừa nguồn cung, chạy theo phong trào đã từng xảy ra với rất nhiều những mặt hành như thanh long, hành tím, hồ tiêu, xoài, mít Thái… Nếu không kiểm soát chặt từ khâu trồng trọt gắn với chất lượng, chế biến sâu thông qua liên kết sản xuất quy mô lớn giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thì trái sầu riêng trong thời gian tới có nguy cơ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn “được mùa mất giá”, khi đó nông dân vẫn là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và ngành nông nghiệp khó thoát lời nguyền “giải cứu”, để rồi sầu riêng có thể trở thành “sầu chung” của rất nhiều bà con.

Ngành nông nghiệp đưa ra nhiều khuyến cáo, nông dân không chạy theo giá cả mà mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm này. Thay vào đó, nông dân cần phát triển diện tích vườn cây sẵn có, chú trọng đến việc sản xuất đạt chất lượng, an toàn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn mà các thị trường lớn yêu cầu, chủ động tìm kiếm đầu ra thông qua các kênh tiêu thụ, công ty liên kết… để đảm bảo sản xuất bền vững.