Miền Tây muôn nẻo chợ: Tha La mùa nước nổi

Tháng Bảy, mùa nước nổi vừa chớm. Dòng Mekong đưa con nước đỏ đục phù sa vào các tỉnh đầu nguồn Tây Nam Bộ. Nước mang theo nhiều sản vật, người dân tranh thủ ra đồng giăng lưới, đặt dớn trong ba tháng lũ về.

Vùng tứ giác Long Xuyên rộng lớn mênh mông có dòng kinh Tha La nối kinh Vĩnh Tế với nội đồng được xem là “rốn cá”. Ở đây hình thành cái chợ để tiêu thụ hết tất cả các mặt hàng đặc sản sông nước, ruộng đồng. Cái chợ mang tên Tha La. 

Chợ Tha La nằm ở ven bờ kênh Vĩnh Tế, thuộc ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, giáp ranh giữa huyện Tịnh Biên và TP.Châu Đốc, An Giang. Đây là phiên chợ đặc biệt, được người dân địa phương gọi là chợ “ma”- Chợ chỉ họp lúc nửa đêm.

Bà Mai Thị Hà – một tiểu thương tại chợ tự hào khoe về cái nghề gia truyền suốt 30 năm qua của gia đình: “Dòng Tha La ngày xưa chạy cá 1 đêm 10 tấn, nhà tôi 11 người con đều làm nghề đóng đáy 30 năm. Tới vụ cá mang về đổ lên chợ nhiều là vui lắm, nghề của mình mà”.

Cá Mè Dinh - đặc sản mùa nước nổi và cũng là mặt hàng chủ đạo tại chợ "ma" Tha La

Bà Hà kể, chợ Tha La hình thành từ 30 năm trước do dân nghèo nhóm họp tự phát. Ban đầu chỉ có vài người bày bán rau vườn, bông súng, cá tôm. Dần dà, tiểu thương phát triển thêm và chợ họp ngày càng đông. Từ giữa khuya, người dân địa phương đã đi thăm lú, dở dớn, sau đó đem về bán tại chỗ cho bạn hàng.

Nhờ có chợ này mà dân hạ bạc không phải vất vả chở cá đi xa. Cạnh chợ có một vài quán cóc và dăm căn nhà nhỏ thấp lè tè, vậy mà lúc nào chộn rộn.

Cá Chốt đứng thứ 2 sau cá Mè Dinh cũng đổ về chợ Tha La liên tục từ tháng 7 đến tháng 10

Chợ Tha La hoạt động quanh năm, nhưng tấp nập và nhộn nhịp nhất vẫn là mùa lũ. Vào thời điểm này, bắt đầu từ 2h45 khuya mỗi ngày, có cả chục ghe đục, xuồng câu từ các địa phương mang thủy sản đến bán. Chiếm sản lượng nhiều nhất là thủy sản do dân hạ bạc vùng ngập nước Thới Sơn, Nhơn Hưng (Tịnh Biên) đánh bắt với đủ loại: rắn, rùa, ếch, nhái, cá đồng, cá sông.

Bà Mai Thị Bích Tuyền - tiểu thương ở thị xã Tân Châu đến chợ Tha La mua cá cho biết nét “kiêu hãnh” riêng của một Tha La bé nhỏ là chỉ nhóm họp vào khung từ 3h đến 6h giờ sáng, chỉ “giao dịch” mặt hàng cá đồng hoặc cá sông mà không có bất kỳ loại sản phẩm nào khác, nhưng luôn được tiểu thương ưu ái ghé lại bổ hàng:

“Khuya là mình đến chợ Tha La cân cá, chiều thì đi chợ khác. Làm nghề này cũng 20 năm rồi, từ thị xã Tân Châu đến chợ Tha La cũng mất 30km nhưng mà phải ghé chợ này”.

Chợ "ma" Tha La nhiều nhất là bóng đèn của tiểu thương đội lên đầu để rọi sáng, nhìn xa như đom đóm trong đêm

Đặc biệt của chợ “ma” Tha La là nơi hội tụ thủy sản tươi rói, nhảy xoi xói. Người ta không cần ngả giá hay cò kè vì mỗi xuồng câu chỉ bán cho một mối quen. Mỗi khi xuồng về, các tiểu thương tụm lại, hỏi chủ xuồng khuya nay bắt được những loại cá nào.

Mỗi người tự lựa phần cá đã “xí phần”, cân từng loại, trả tiền. Mỗi cuộc “giao dịch” chỉ mất tầm 20 phút, sau đó, cánh hạ bạc không vội về ngay mà ngồi tại chợ nhâm nhi ly cà phê, ăn dĩa cơm tấm hoặc ổ bánh mì như một thói quen. Còn tiểu thương thì rời chợ mang cá về các địa phương lân cận bán lại kiếm lời.

Theo thời gian, cá mắm ngày càng ít dần trong mùa lũ. Nếu ngày trước, mỗi đêm tại chợ Tha La có tới 100 ghe, xuồng đánh bắt và buôn cá đồng thì nay chỉ còn khoảng 25 đầu xuồng. Ít cá tôm nên hiện nay chợ “phá lệ” họp đến tận 8h sáng, để thích nghi với “thời cuộc”, Tha La mạnh dạng ra mắt bánh quê, thịt heo, rau củ. Dân “vạn chài” của Tha La mấy mươi năm qua cũng đã có không ít người gác lại nghề hạ bạc, rồi ly hương lên Bình Dương làm công nhân.

Còn người nặng nợ với chợ “ma” như bà Mai, bà Tuyền… thì ở lại nhưng cũng trông ngóng về những phiên họp chợ đặc biệt đầy ắp cá tôm:

"Năm nay thấy cá nhiều hơn mọi năm, giăng lưới dính cá lăng, cá chèn, cá rô… đủ loại. Làm nghề cá mắm cực khổ nhưng vui lắm."

"Hồi đó đến giờ làm nghề này xong một mùa là kiếm được mớ tiền để hai vợ chồng già sống được. Làm mùa nước sống cho mùa khô."

"Bây giờ làm nghề hạ bạc như tôi cực khổ thật nhưng đeo để lo đời sống, 80 cái lợp tôi mới đặt chắc kiếm cũng được 9kg cá."

Chợ Tha La tuy nhỏ nhưng "kiêu hãnh" là chợ cá sông "chính hiệu" của ĐBSCL

Với dân “vạn chài” sông nước Cửu Long, còn nước là còn cá, nên phiên chợ Tha La nhộn nhịp về đêm sẽ sớm trở lại khi mùa lũ đẹp chấp chớm trở về. Lúc đó, trời gần sáng, nông dân đã bán cá xong, mắt mũi cay xè vì thiếu ngủ rời chợ Tha La, khuất dần sau một đêm sương gió trắng đồng.