Chợ Giồng ngày ấy không chỉ là một trung tâm giao thương quan trọng mà còn là nơi hội tụ nhiều mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng cũng như các thương nhân từ nơi khác đến, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Gò Công thời bấy giờ.
Chợ Giồng không chỉ phản ánh đời sống kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa của cộng đồng cư dân Gò Công, góp phần tạo nên bản sắc riêng của vùng đất này trong quá trình lịch sử khai phá và phát triển vùng đất phương Nam.
Theo sách sử ghi chép, vùng đất Gò Công xưa kia là một vùng hoang hóa, ít người sinh sống. Đến khoảng giữa thế kỷ XVIII, ông Trần Văn Huê cùng khoảng 40 người khác đến lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Do đây là vùng đất cát pha rất màu mở nên rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, người dân nhanh chóng trở nên giàu có và ông Huê cũng trở thành phú hộ nổi tiếng nhất vùng.
“Đất lành chim đậu”, dân cư từ các nơi hội tụ về đây ngày một đông hơn, nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa cũng tăng lên. Vì thế, vào năm Ất Hợi 1815, ông Huê cho lập chợ đầu tiên ở khu vực này mang tên “Chợ Vĩnh Lợi”, người dân gọi nôm na là Chợ Giồng để dễ nhớ.
Theo ông Trương Quốc Huy – Người đã có 3 đời sinh sống và làm ăn ở chợ Giồng, ngày xưa người dân nơi đây rất kính trọng ông Huê không chỉ vì ông có chức có quyền mà kính trọng một con người giỏi giang, tài ba và đức độ. Ông Huy cho biết, chợ Giồng là người ta gọi tắt của tên “Chợ Giồng Ông Huê”:
"Hồi đó ở đây trồng giồng (trồng màu trên giồng đất) dữ lắm. Còn cái chợ này là mở trên đất của ông Huê. Ổng có ếng đất rộng lắm rồi mới cho nhóm chợ cũng như chợ chồm hổm bây giờ vậy đó. Riết rồi mới mở rộng ra rồi kêu Chợ Giồng Ông Huê."
Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hòa Đức, tên gọi Chợ Giồng xuất phát từ đặc điểm địa lý và cảnh quan tự nhiên của vùng đất này. "Giồng" là một thuật ngữ trong tiếng địa phương Nam Bộ, dùng để chỉ những dải đất cao hơn so với vùng xung quanh, thường là nơi người dân chọn để định cư, canh tác vì tránh được ngập lụt. Vì vậy, vùng Gò Công xưa có nhiều dải đất cao tạo thành những cái gò, cái giồng, từ đó hình thành các khu dân cư và chợ búa.
Khi nhắc đến chợ Giồng, Trịnh Hoài Đức cũng đã đề cập đến khu vực “Giồng Sơn Quy”, nơi mà Chợ Giồng tọa lạc, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mỡ và hoạt động buôn bán sầm uất, nhấn mạnh ý nghĩa của tên gọi này gắn liền với sự thịnh vượng và sinh hoạt đời thường của người dân. Mà ở đó, luôn có cảnh mua bán tấp nập, đông đúc khi người dân các nơi tụ hội về đây để trao đổi lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Cũng giống như bao khu chợ khác, Chợ Giồng ngày xưa cũng có nhà lồng ở giữa nhưng khác ở chỗ là Chợ Giồng có tới 2 cái nhà lồng, với tên gọi “nhà lồng trên” và “nhà lồng dưới” do nhu cầu mua bán, giao thương tăng cao.
Nói về cảnh buôn bán ở chợ Giồng ngày xưa, ông Võ Thành Sương cho biết: Dù có nhà lồng hẳn hoi nhưng ít có người vô đó bán, chủ yếu là những người bán vải, bán thịt, hàng tạp khô, tạp hóa, nhưng cũng không được mấy người. Đông nhất vẫn là những người nông dân đem ra chợ bán mớ rau, mớ cải, trái bầu, trái ớt, con cá, con tôm mà họ vừa kiếm được nhưng chỉ bán vòng vòng bên ngoài vừa tiện việc mua bán, vừa ít tốn tiền Hoa Chi.
"Hồi xưa chỉ có 1 cục giữa này thôi. Xây những hàng cột bự lắm, hình vuông, bên trong trống trơn. Ai bán thì cứ ngồi khúm khúm bán trong đó. Mấy người bán vải thì người ta có cái giường (sạp), sắp hàng vải ở trên, tối người ta đem đồ bỏ vô trong rồi đóng lại và về. Còn mấy người bán bánh bán cháo, bán đồ ăn này kia thì khuya họ ra. Quán cà phê thì không có trong chợ. Ngày xưa chỉ có tiêm Linh Viên và 3 Phước Long thôi", ông Võ Thành Sương nói.
Dù đã ngoài 70 và đang tất bật với bao nổi bộn bề lo toan cho cuộc sống hàng ngày nhưng ông Võ Thành Sương vẫn nhớ như in từng ngõ ngách của Chợ Giồng. Ai bán cái gì, ở đâu ông đều nhớ hết. Điều còn động lại trong ký ức của ông cho đến tận bây giờ là hình ảnh của những bà mẹ bán chè, bán xôi, bám cơm, bán bánh với đôi gánh trĩu nặng trên vai, tranh thủ có mặt từ sáng sớm để kịp buổi chợ.
Chỉ tay về hướng nhà lồng chợ, ông Sương “điểm danh” rành rọt từng vị trí: "Ở cái nhà lồng trên này nè, mé bên đó, ngay cái góc dưới là hai bà chiên bánh giá kỳ cựu. Xít ra một chút tới bà bán bánh bèo, bánh bò mà loại tròn tròn nhỏ nhỏ màu xanh màu đỏ. Còn đối diện qua là bà bán cơm tấm nhưng bán bằng gánh chứ không phải quầy sạp gì. Còn ở đầu dưới đối diện 2 bà chiên bánh giá là gánh cháo lòng, xít lên là bà bán xôi vò. Trịt ra mé ngoài có bà bán cháo nấu bằng tấm. Mấy đứa học trò rất thích ăn món đó."
Theo quan niện của người xưa, để có được cuộc sống ấm no, sung túc như thế này là nhờ thần linh phù hộ, làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhu cầu tính ngưỡng thần linh cũng từ đó mà nên. Và cũng chính ông Trần Văn Huê là người đứng ra trùng tu, sửa sang lại ngôi ếu có từ trước, thành đình làng Vĩnh Lợi để thờ Thành Hoàng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng và tạ ơn thần linh của người dân.
Ở làng Vĩnh Lợi ngày xưa có đến 2 ngôi đình. Đình Bình Phú ở ngoài ngã ba Hòa Đồng, và đình Vĩnh Lợi ở kế bên Chợ Giồng. Tuy nhiên, ngày nay, 2 ngôi đình này được nhập lại thành 1 với tên gọi Đình Vĩnh Bình (ghép từ 2 tên Vinh Lợi và Bình Phú). Đình, Miếu ngày xưa không chỉ là nơi thờ phượng, cúng bái mà nó còn là nơi vui chơi, giải trí giao lưu văn hóa của cư dân trong vùng với các vùng khác.
"Hồi xưa ở đây xung lắm, vào buổi tối mấy ông chỗ đình thường chiếu bóng lắm, chiếu bóng bằng ếng vải căng lên rồi chiếu thôi. Đêm nào cũng chiếu, rồi hát bội, tài xỉu, bầu cua rần rần. Moto bay thì xít lên ngã tư này. Còn lễ hội kỳ yên ở chợ này là nổi tiếng nhất. Ở Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò công Đông cũng kéo lên đây, vui lắm, đông lắm. Bây giờ hiu quạnh rồi, không còn nữa."
Khi nói đến Chợ Giồng, thật thiếu sót khi không nhắc đến một loại bánh trứ danh cả vùng châu thổ Cửu Long đó là Bánh giá. “Bánh giá" có từ hồi nào, không ai còn nhớ. Tuy nhiên người ta chỉ biết rằng, cái bánh dung dị, dân dã này đã trở nên thân quen và gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Ngày nay nó đã trở thành 1 món ăn đặc sản của vùng đất xứ Gò và đã đi vào thơ ca, trao lời yêu thương để người dân Gò Công đến tận bây giờ vẫn còn ngâm nga câu:
"Anh ơi về tới Hòa Đồng
Nhớ mua bánh giá Chợ Giồng tặng em!"
Không biết từ bao giờ, bánh giá Chợ Giồng hay bánh giá Hòa Đồng đã được lưu truyền và được nhiều người biết đến, bởi hương vị bánh mang đậm chất ền Tây của nó. Theo nhiều tài liệu, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang, lập ấp của người Việt ở vùng đất bưng biền này ở vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII và trở thành món ăn đặc trưng của vùng đất xứ Gò. Ở Gò Công có rất nhiều lò làm bánh giá nhưng lâu đời nhất và nổi tiếng ngon nhất vẫn là bánh giá Cô Mười của bà Trần Nguyệt Mười mà người dân nơi đây quen với cái tên “Mười Xị”. Dù người sáng lập nên thương hiệu Bánh giá Cô Mười giờ không còn nữa nhưng hậu thế của Bà Mười vẫn còn nối nghiệp. Theo Chị Phan Thị Kim Phượng, thế hệ thứ 3 trong gia đình, tên gọi bánh giá xuất phát từ vật liệu và nguyên liệu làm nên chiếc bánh.
"Tại mình chiên bằng cái vá nè và bên trong nó có giá. Bánh giá là đặc sản rồi. Mấy ngày lễ là làm không kịp bán. Mấy người đi làm người ta mua bánh mì rồi nhét bánh giá vào ăn. Còn không thì mình ăn với cơm, mình chế nước tương vô. Còn không nữa là mình ăn bún với rau, cải."
Đối với người dân Gò Công nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung, chợ Giồng không chỉ là nơi buôn bán nông sản, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày mà nó còn là nơi giao lưu văn hóa, nơi mà các giá trị văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ được bảo tồn và phát triển. Đây là nơi mà người dân các địa phương gặp gỡ, giao lưu từ đó hình thành nên nết văn hoa riêng biệt của người Gò Công.
Dù đã trãi qua bao thăng trầm dâu bể, dù đã bao lần thay tên đổi họ, trùng tu và sửa chữa, nhưng Chợ Giồng vẫn mang đậm một dấu ấn lịch sử nhất định trong quá trình khai hoang mở đất của giai đoạn sơ khai, góp phần tạo nên bản sắc riêng của vùng đất xứ Gò trong lịch sử khai phá và phát triển Nam Bộ.