Thế nhưng, thời gian vừa qua, Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng các điểm trông giữ xe máy không dùng tiền mặt này có sự mập mờ trong thu phí, thậm chí thu phí trông giữ xe máy cao hơn so với quy định.
Phản ánh đến Kênh VOV Giao thông, thính giả Phạm Như Phương (trú tại quận Thanh Xuân) cho biết sau khi gửi xe máy để vào khám tại Bệnh viện Phụ sản TƯ. Theo chị Phương, mặc dù đây là điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, thế nhưng các nhân viên trông xe liên tục gợi ý cho khách hàng trả tiền mặt thay bằng chuyển khoản phí trông giữ xe theo quy định.
“Mình gửi xe ở khoa khám bệnh theo yêu cầu của viện Phụ sản TƯ mặt phố Hai Bà Trưng, lúc gửi xe thì trông xe có hỏi là chuyển khoản hay tiền mặt, nếu như chuyển khoản thì sẽ là 5 ngàn đúng như giá trên vé.
Lúc em gửi tiền mặt thì anh trông xe lại thu 10 ngàn, em cũng không hiểu tại sao lại thu 10 ngàn vì như thế giá cao gấp đôi rồi. Em hỏi thì anh ý có nói 10 ngàn là có cả phí thu chuyển khoản hộ. Em thấy khá là vô lý, khi thắc mắc thì anh ấy khá là thái độ nên em cũng không muốn hỏi nữa”, chị Phương chia sẻ.
Nhằm tìm hiểu kỹ hơn về sự việc, trưa ngày 19/12, PV Kênh VOV Giao thông đã trong vai bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Phụ sản TƯ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi đã đỗ xe máy vào điểm trông giữ, phóng viên được nhân viên trông giữ xe của Công ty cổ phần 901 đưa cho 1 tấm vé trông giữ xe máy ban ngày với giá 4.909 đồng/lượt.
Thế nhưng, điều đáng nói, tấm vé này đã được xuất ra vào lúc 5 giờ 59 phút sáng ngày 19/12. Điều ngạc nhiên hơn, là mã QR code dùng 1 lần trên tấm vé này đã được thanh toán, do đó phóng viên không thể chuyển khoản phí trông giữ xe mà phải trả bằng tiền mặt… và tất nhiên với hình thức trả tiền mặt thì phí gửi xe sẽ là 10 ngàn đồng, cao gấp đôi so với quy định.
Khi được hỏi về sự chênh lệch giá này, nhân viên trông giữ xe của Công ty cổ phần 901 lý giải: “Nếu lấy tiền mặt thì là 10 ngàn vì bọn anh bị mất phí chuyển cho công ty, còn nếu chuyển khoản chỉ mất 5 ngàn thôi.
Còn nếu thu tiền mặt thì bọn anh mất phí chuyển khoản cho công ty, tiền về công ty chứ bọn anh có được hưởng đâu…”
Như vậy đã rõ, những phản ánh của thính giả gửi đến PV Kênh VOV Giao thông về tình trạng mập mờ trong thu phí gửi xe không dùng tiền mặt tại điểm trông giữ xe của Công ty cổ phần 901 là hoàn toàn đúng.
PV có thể tóm tắt quy trình “hô biến” vé trông giữ xe của các nhân viên này như sau: Khi khách hàng vào gửi xe máy, nhân viên trông xe in vé gửi xe theo quy định. Sau khi khách hàng lấy xe và trả lại vé cho nhân viên trông giữ thì tấm vé gửi xe này sẽ được giữ lại để “tái sử dụng” cho khách hàng sau.
Đó là lý do tại sao khách hàng sau không thể chuyển tiền trông giữ xe vào mã QR code sử dụng 1 lần mà phải chấp nhận trả tiền mặt với giá cao gấp đôi so với quy định. Với cách thức này, các nhân viên trông giữ xe có thể thu phí nhiều lần với giá cao gấp đôi quy định mà vẫn trên cùng 1 vé gửi xe máy…
Và đương nhiên sẽ chỉ có 1 xe máy được thu phí với giá 4.909 đồng và nộp vào ngân sách nhà nước, còn số tiền thu lợi bất chính còn lại thì chẳng biết chảy đi đâu.
Tiếp tục ghi nhận tại điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt của công ty TNHH thương mại dịch vụ Tùng Linh trên phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), PV Kênh VOV Giao thông cũng nhận thấy nhiều điều vô lý trong việc thu phí trông giữ xe máy tại đây.
Cụ thể, mặc dù PV gửi xe máy vào lúc 14h chiều ngày 19/12, thế nhưng nhân viên của công ty này lại đưa cho PV vé xe được xuất vào lúc 1h29 phút ngày 18/12 và yêu cầu trả phí trông xe ban đêm với giá 8 ngàn đồng.
Với lý do mã QR code của công ty bị lỗi, nhân viên của công ty Tùng Linh đã yêu cầu khách hàng chuyển 10 ngàn đồng vào 1 tài khoản cá nhân nào đó.
Khi PV thắc mắc về cách thu tiền này, nhân viên trông giữ xe này cho biết: “Em gửi từ giờ đến tối giá 10 ngàn. 8 ngàn cũng thế mà 10 ngàn cũng thế, bọn anh toàn trông đến tối luôn mà. Hơn 2 ngàn để làm gì, có phải 20 ngàn đâu.
Mã QR code bị hỏng nên bọn anh không nhận chuyển vào mã đấy. Nhiều mã bị lỗi nên phải chuyển vào tài khoản cá nhân. Vé của công ty bị lỗi nhiều quá nên ai mà không có tiền mặt thì chuyển luôn vào tài khoản cá nhân cho nhanh."
Như vậy đã rõ. Với các chiêu trò này trên cùng 1 tấm vé, nhân viên trông giữ xe của các công ty đã trục lợi bất chính hàng chục thậm chí hàng trăm lượt xe mỗi ngày.
Từ một mô hình thu phí không dùng tiền mặt thông nh, được coi là một bước chuyển mình trong việc phát triển và xây dựng thành phố thông nh, với kỳ vọng giúp giảm tải một lượng lớn công việc cho nhân viên, công khai nh bạch nguồn thu ở các điểm trông giữ xe và tạo thuận lợi cho người dân.
Thế nhưng, sau 1 thời gian đưa vào sử dụng, nhiều nhân viên trông giữ xe đã tìm đủ mọi cách để “lách luật”, thu lợi bất chính và làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có và để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp trong mắt người dân.
PV Kênh VOV Giao thông sẽ liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng để có câu trả lời đồng thời có phương án xử lý dứt điểm tình trạng này trong những bài viết tiếp theo./.