Mận đường da xanh đang gây chú ý trên thị trường và nhà vườn

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mận được đánh giá là loại cây trồng cho thu nhập ổn định. Chỉ có điều, loại trái này chưa được đặt lên “bàn cân” để cạnh tranh với các loại nông sản khác.

Từ năm 2004 – 2014 là thời điểm “vàng son” của trái mận An Phước – một giống mận mới, trái to, mọng nước, thịt nhiều và chiếm lĩnh toàn phần thị trường mận tại khu vực ĐBSCL. Nhưng sau 2014 – 2019 nhiều diện tích trồng mận An Phước thu hẹp dần do giá cả trồi sụt và dịch bệnh, khi đó, giống mận đường da xanh quay trở lại. Mận đường da xanh vốn là giống mận xưa bị lãng quên nhưng hiện tại đang có sức hút lớn trên thị trường, mang về giá trị vượt trội cho nông dân và được nhân rộng diện tích trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trồng 8 công mận đường da xanh đem về thu nhập 700 triệu đồng/năm là chuyện có thật của lão nông Huỳnh Việt Thống (65 tuổi, ngụ khóm 7, phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Thử làm một phép so sánh, nếu trước đây, mận An Phước được xem là “nữ hoàng”, trồng trên 8 công đất đem về 300 triệu/năm thì nay mận đường da xanh đã “soán ngôi”. Đặc biệt, thị trường chợ truyền thống chỉ chiếm một phần nhỏ số lượng tiêu thụ, phần lớn sản lượng mận đường da xanh tại Sóc Trăng đang được “săn lùng” để đưa ra Hà Nội, TP. HCM và bán online.

Ông Huỳnh Việt Thống cho biết: Mận An Phước đang bán ngoài thị trường 20.000 đồng/kg còn mận đường da xanh này đang bán là trên 100.000 đồng/kg, giá cân tại vườn đã là 90.000 đồng/kg rồi. Có ngày mận chín không kịp, không đủ cung cho thị trường. Đây chỉ là giống mận nội địa thôi nhưng mà lượng bán ra mỗi ngày lên tới 500kg. Trước đây tôi làm ruộng mà thu nhập thấp quá, chuyển qua trồng mận và thấy rõ “rất dễ ăn”.

Lão nông Huỳnh Việt Thống thu nhập 700 triệu đồng/năm từ 260 gốc mận đường da xanh.

Mận đường da xanh được ông Huỳnh Việt Thống đem từ Cần Thơ về trồng ở Sóc Trăng. Từ vài cây đầu tiên của 40 năm trước, ông Thống đã chiếc cành và trồng 260 gốc để khai thác kinh tế 5 năm nay. Đặc điểm của mận đường da xanh là trái sum xuê, bộ rễ to, chịu mặn tối đa 2 phần ngàn. Ưu điểm của mận là ruột đặc, trái to (10 trái/kg), da màu xanh, thịt mềm và ngọt như đường. Mỗi năm, cây cho thu hoạch 4 -5 đợt trái, sản lượng hơn 8-10 tấn, cây càng lão trái càng nhiều. Giá cao gấp 3-4 lần so với các giống mận khác trên thị trường. Ngoài bán trái, nông dân còn chiếc cành bán cây giống với giá từ 150.000-200.000 đồng/cây.

Ông Huỳnh Việt Thống – ngụ phường 8, TP Sóc Trăng cho biết ưu điểm khi bắt tay làm kinh tế từ cây mận: Trồng mận này không khó, chỉ là chúng hay bị những con ruồi đục trái gây rụng, giảm năng suất. Trước đây nông dân chúng tôi trồng không có bao lưới, nay tôi đã bao lưới toàn vườn mận và không thấy ruồi xuất hiện đục trái. Năm nay chi phí tiền thuốc đã giảm rõ rệt. Trồng mận dù sức khỏe kém cũng chăm sóc được vì chúng ít tốn sức.

Theo tính toán, 100 gốc mận đường da xanh cho trung bình 3 tấn trái/mùa. Giá bán thấp nhất 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/mùa. Từ hiệu quả này, TP Sóc Trăng đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng mận, bao lưới mùng. Tại Phường 8, TP Sóc Trăng, ngoài vườn mận của nông dân Huỳnh Việt Thống thì còn nhiều vườn khác, áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học và đang khai thác du lịch sinh thái. Tính đến nay, toàn TP Sóc Trăng có 34 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có mận đường da xanh đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Hiện tại, giá mận đường da xanh cán mốc 100.000 đồng/ký. Thấp nhất của loại này cũng đạt 50.000 - 60.000/ kg, cao gấp 3 lần so với các loại mận khác.

Bà Trần Thị Lùng – chủ nhân của sản phẩm mận đường Tám Hội được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao tại Phường 8, TP Sóc Trăng cho biết: Lái mua nhiều lắm không đủ giao, ai yêu cầu được vào tham quan thì tôi cho tham quan. Mận ở đây mình trồng toàn dùng chế phẩm sinh học, sắp tới đây chúng tôi sẽ mở rộng. Còn giống thì ai muốn trồng cứ đến đây chúng tôi chia sẻ cho.

Cú “lội ngược dòng” của mận đường da xanh đã và đang làm chủ thị trường mận tại khu vực ĐBSCL. Riêng TP. Sóc Trăng đánh giá trồng mận hiện nay là hướng đi thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu cây trồng bền vững và tăng giá trị nông hộ gấp chục lần tại địa phương.

Ông Huỳnh Hoài Nam – Trưởng phòng Kinh tế TP. Sóc Trăng cho biết: Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với nhà vườn về kỹ thuật trồng để đảm bảo sản phẩm ngon. Hướng dẫn các cơ sở chú trọng mẫu mã, cách bảo quản để sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng bắt mắt hơn.

Trên địa bàn Phường 8, TP. Sóc Trăng có 4 vườn mận và đều là diện tích trồng cây đầu dòng. Cây trồng 4 năm đã cho trái thì cũng là một mô hình kinh tế đáng được nông dân suy ngẫm lựa chọn trong bối cảnh BĐKH ngày càng khốc liệt hiện nay. Chịu hạn, chịu mặn tốt là hướng nhìn xa trông rộng. Nhưng trước mắt, lợi ích kinh tế và ưu điểm vượt trội của giống mận đường da xanh là những dấu hiệu cho thấy nông dân đang làm chủ thị trường.