Lý giải nguyên nhân giá dầu giảm mạnh trong phiên hôm qua

Tâm lý lo ngại bao trùm thị trường dầu thô ngày hôm qua. Chỉ trong một đêm, toàn bộ mức tăng của thị trường từ đầu tháng 6 đã bị xoá sạch và cột mốc 70 USD/thùng một lần nữa trở thành mức cản trong ngắn hạn.

Giá dầu đánh mất mốc 70 USD/thùng chỉ trong 1 đêm

Cả 2 mặt hàng dầu thô đều bị đẩy xuống mức 70 USD/thùng chỉ trong 1 phiên giao dịch với mức giảm trên 7% - mức giảm mạnh nhất từ sau tháng 4/2020, khi thị trường dầu giảm mạnh do do cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga cùng với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong ngắn hạn, vùng giá 70 sẽ trở thành kháng cự cứng ngăn chặn đà tăng của thị trường dầu.

Nguyên nhiên khiến giá đột ngột giảm sâu

Khác với lần sụt giảm năm ngoái, khi nguồn cung dầu thế giới tăng nhanh trong một thời gian dài, thực tế là hiện nay giai đoạn quý II/2021, nguồn cung đang thiếu hụt tầm 2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Vậy nên, giá giảm không phải do cán cân cung – cầu hiện tại, mà là do tâm lý lo ngại trước những bất ổn trong tương lai.

Bất chấp các dự đoán tích cực của 3 tổ chức lớn là Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đưa ra trong đầu tháng 7, số ca COVID-19 tăng nhanh khiến một loạt các nước trên thế giới buộc phải áp dụng lại các biện pháp phong toả. Thị trường lo ngại điều này sẽ tác động tiêu cực đến tiến trình phục hồi kinh tế trên thế giới và kéo theo nhu cầu dầu thô giảm trong năm nay.

Dịch COVID-19 là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến tiêu thụ dầu thô, với mức độ nghiêm trọng vượt qua cả các cuộc khủng khoảng kinh tế lẫn các cuộc chiến tranh thế giới.

Mới đây, ngân hàng Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm 2021 từ 7% xuống 6.5% khi biến thể Delta trở thành chủng COVID-19 phổ biến nhất trong các ca nhiễm mới. Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu thứ 2 trên thế giới cũng đang chứng kiến số ca COVID-19 tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1. Tại Hàn Quốc, việc thủ đô Seoul với hơn 10 triệu dân bị đặt dưới các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt có thể khiến nhu cầu dầu giảm từ 150.000 – 400.000 thùng/ngày trong thời gian tới, theo ước tính của S&P Global, công ty cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hoá. 

Trong bối cảnh bất ổn này, việc OPEC+ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng sau càng khiến giá dầu chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, dự kiến tháng 8 các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ sẽ được nối lại, và với việc Mỹ thúc đẩy tiến trình các vòng thương thuyết, nhiều khả năng Iran sẽ quay trở lại xuất khẩu trong năm nay và khiến cho nguồn cung dầu thế giới tăng thêm 1 triệu thùng/ngày. Viễn cảnh 3 triệu thùng dầu gia tăng trong cuối năm khi mà nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới suy giảm đã kích hoạt một loạt các lệnh bán trong phiên giao dịch tối qua, khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn như USD và vàng.

Triển vọng nào cho thị trường trong thời gian tới 

Trong ngắn hạn, giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục giao dịch trong khoảng 66 – 69 USD thùng khi cột mốc 70 USD/thùng quay trở lại thành kháng cự. Xác xuất giá đạt đến vùng 80 USD/thùng trong năm nay theo dự đoán của Goldman Sachs đang thấp dần, khi WHO cho biết sớm nhất đến năm sau dịch COVID-19 mới có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, cán cân cung – cầu thực tế vẫn đang rất eo hẹp dù OPEC+ tăng sản lượng. Đây có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc các thành viên trong nhóm tiếp tục hợp tác với nhau là dấu hiệu cho thấy OPEC+ vẫn sẽ tiếp tục vai trò bình ổn thị trường và hỗ trợ giá quay trở lại vùng 70 USD/thùng.