Lớp Anh văn miễn phí của cô giáo khuyết tật

Dù bị tật hai chân phải di chuyển bằng xe lăn nhưng suốt gần 20 năm qua, cô giáo Bùi Thị Hồng Nga, ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vẫn tổ chức và duy trì lớp học Anh Văn và hội họa miễn phí dành cho con em người khuyết tật, san sẻ yêu thương với những hoàn cảnh kém may mắn.

Chúng tôi đến thăm cơ sở dạy anh văn và hội họa ễn phí của cô Bùi Thị Hồng Nga trên đường 30/4, quận Ninh Kiều theo lời hẹn trước. Từ ngoài cổng, đã dễ dàng nghe tiếng đọc bài, tiếng phát biểu ý kiến của các em nhỏ tại đây. Theo lời cô Nga, hiện cơ sở có khoảng 50 em đang theo học, đa số là con em của những người khuyết tật.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với những hoàn cảnh khó khăn, cô Nga kể, mình sinh ra khỏe mạnh trong gia đình có 7 anh chị em, thế nhưng, di chứng cơn sốt bại liệt đã khiến cô trở thành người khuyết tật. Không đầu hàng số phận, cô Nga quyết tâm học hành rồi trở thành giáo viên Tiếng Anh của một trường phổ thông gần nhà.

Cách đây hơn chục năm, cô Nga đứng ra dạy lớp dạy anh văn cho người khuyết tật học nghề. Hồi ấy, lớp học đã được hơn 200 giáo viên và tình nguyện viên từ Hà Lan, Bỉ… đến dạy cho các em.

Gần 20 năm qua, cô giáo Bùi Thị Hồng Nga đã tổ chức và duy trì lớp học Anh Văn và hội họa ễn phí dành cho con em người khuyết tật

Sau nhiều thăng trầm, đến khoảng năm 2018, cô Hồng Nga quyết định về mở lớp dạy anh văn và hội họa ễn phí tại nhà cho con em người khuyết tật và người nghèo. Nhớ lại những ngày đầu khi có ý tưởng về cơ sở dạy học ễn phí tại nhà, cô Nga nhận được nhiều sự ái ngại từ người thân, đặc biệt là cha và ông xã. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của mình, cô đã thành công thuyết phục mọi người và biến ước mơ thành hiện thực. Với vô Nga, để vận hành và đảm đương nhiều việc như hiện tại, cô còn phải vượt qua nhiều rào cản hơn thế.

"Trước tiên là rào cản về vật chất. Ví dụ như trong nhà cô mà bước ra tới lớp học, cô phải qua một cái ngạch. Cái ngạch đó, cô phải có người hỗ trợ cô ngoài đó đó. Và người ta nói rằng là môi trường rào cản vật chất nó làm cho người khuyết tật thành tàn tật. Rồi ra lớp học dạy, viết lên bảng đối với cô cũng khó. Ngồi trên xe lăn, viết nó sẽ thấp, không có được viết cao như người đứng đâu, nhưng mà cô cũng vượt qua được, cô dạy mấy chục năm. Thì cô muốn khẳng định rằng, người khuyết tật vẫn đứng được trên bục giảng."

Nhìn học trò trưởng thành hơn mỗi ngày chính là niềm động lực để cô Nga vượt qua khó khăn duy trì lớp học. Không chỉ tổ chức dạy học ễn phí, nhiều năm qua, được sự hỗ trợ từ chồng và các mạnh thường quân, cô Nga còn dang tay với người khốn khó bằng nhiều chương trình thiện nguyện.

"Chương trình của cô nè, cơm chay một tháng 2 lần, 500 phần cơm chay. Rồi tới bánh mì chay cũng vậy. Tới rau củ quả thì còn nhiều hơn. Rau củ quả một tuần tới 3 lần. Lớp học này trở thành đa năng. Tức là nó học xong rồi, cỡ 4 giờ cô nhận rau vô, rồi cô phát rau ra, 6 giờ mấy. Xong rồi cô nhờ mấy người mà nhận rau làm vệ sinh lớp lại cho cô để ngày mai nó vô học. Chương trình nữa là học bổng đèn đom đóm, một em được ba triệu. Nếu là 2 anh em thì được 4 triệu. Thì cô cũng tham gia giúp được khoảng cỡ 150 em trong thời gian qua. Bây giờ đang làm chương trình của năm nay nữa nè. 

Bên cạnh đó là học bổng nhỏ hơn, những em sinh viên làm dự án, bán hàng có tiền rồi mua quà lại tặng cho mấy đứa này. Chương trình cô rất thích mà đam mê nhất là chương trình chữa bệnh cho những người ngặt nghèo. Chương trình cấp vốn nhỏ cho người lượm rác. Chương trình tự nhiên họ bệnh hoạn không có tiền thì chương trình bảo hiểm y tế, kiếm tiền cho họ nhập viện, người ta cần cái gì thì cô giúp cái nấy."

Cô Bùi Thị Hồng Nga tâm niệm còn khỏe là còn làm nhiều hoạt động giúp đời

Học sinh ở lớp của cô Nga, mỗi em là một câu chuyện khác nhau. 2 anh em của em Đặng Ngọc Minh Hưng đều bị liệt 2 chân, khó khăn trong việc di chuyển. Những ngày hè này, mẹ các em phải dậy từ 4 giờ sáng, lặn lội đưa các em từ huyện Phong Điền đến lớp học này. Dù nắng hay mưa, 3 mẹ con luôn có mặt đúng giờ. Biết ơn vợ chồng cô Nga và sự tảo tần của cha mẹ, 2 anh em Hưng luôn cố gắng từng ngày. Em Đặng Ngọc Minh Hưng bộc bạch:

"Con cảm ơn cô Nga vì đã mở ra lớp học ễn phí này để cho 2 anh em con học. Con mong là con sẽ học giỏi để kiếm được nhiều tiền nuôi cha với mẹ."

Lớp học của cô Nga còn nhận được sự tham gia giảng dạy nhiệt tình của nhiều tình nguyện viên là các giáo viên, các bạn sinh viên trên địa bàn Cần Thơ chung tay hỗ trợ. Cô giáo Ngô Ngọc Thảo, giáo viên trường THCS Đoàn Thị Điểm tình nguyện giảng dạy tại đây chia sẻ:

"Thứ nhất mình cũng giúp cô Nga hoàn thành cái ước mơ của cô đó là đưa chữ đến các trẻ dù cho hoàn cảnh nào cũng được học. Đồng thời, từ việc dạy này mình cũng có kinh nghiệm nhiều hơn để dạy trẻ hòa nhập tại trường của mình tốt hơn."

Giờ đây, dù không còn đứng lớp trên mái trường phổ thông, nhưng cô Nga có được niềm vui khác đó là lan tỏa yêu thương đến học trò, đến những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Đây không chỉ là niềm vui mà còn là động lực cho cô mỗi ngày:

"Với người khuyết tật thì cô biết họ mặc cảm rất là nhiều nhưng mà họ phải vượt lên chính mình. Có một câu nói rằng là “Cuộc đời giống như là một chiếc gương, nếu mình cười với cuộc đời thì cuộc đời sẽ cười với mình, còn nếu mình khóc thì mình chỉ khóc một mình. Cô cũng muốn khuyên với mọi người hãy tự tin chính mình và tự rèn luyện mình trong cái khả năng của mình. Khi gặp một người khuyết tật cô rất là vui. Khi cô nói chuyện với họ là cô biết cô sẽ giúp cho họ được cái gì."

Chuyện học tiếng Anh trước đây với học sinh khó khăn là giấc mơ khó chạm tới. Nhưng giờ đây, giấc mơ đó đang có thật với con em người khuyết tật ở xứ Tây Đô gạo trắng nước trong. Lớp học ấy đang ngày đêm được giữ lửa bởi cô giáo khuyết tật Bùi Thị Hồng Nga.