Lời giải cho trẻ em lao động ở nông thôn (Bài 1): Gồng lưng lo gánh nặng mưu sinh

Tình trạng sử dụng lao động trẻ em là điều đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, song vẫn chưa được cải thiện như mong đợi. Tại ĐBSCL, nơi mức sống còn thấp, sinh kế của người dân gắn liền với nông nghiệp, tình trạng lao động trẻ em vẫn còn ph

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Giữa cái nắng rát da tại xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, một cậu bé 12 tuổi người nhễ nhại mồ hôi, đang lùa đàn vịt háu nước, sai trứng đi đúng hướng. Đây là công việc mà cậu bé Nguyễn Hoài Linh nhận làm thuê cho chủ cách đây ít tháng: 

Dạ con lùa vịt lên, rào lưới lại, khi nào nó ăn hết khu đó con mới rào khu mới cho nó ăn tiếp. Tới trưa, con kiếm bóng mát nào đó con ngồi, lâu lâu con đi rảo coi nó có chạy ra ngoài thì con bắt vô lại. Trong thời gian đó, có cái võng con nằm con coi vịt, lâu lâu chạy đi lượm hột vịt để rớt đem vô.

Cách đây 5 năm, cha mẹ của Linh ly hôn, cha em cũng bỏ đi từ đó. Gia đình không có đất sản xuất, mẹ thì đi bắt ốc rồi lại mót lúa kiếm sống qua ngày nên kinh tế của cả nhà cứ thiếu trước hụt sau. Được ông cậu thương tình cho giữ vịt kiếm tiền đi học nên Linh không dám xao lãng. Hết lùa vịt đi ăn, em lại đi lòng vòng kiểm đếm để vịt không bị lạc. Công việc cứ như vậy hết ngày này qua ngày khác.

Từ 5h30 sáng giữ tới 5h chiều. Lúc đi đồng xa nhà nhất là 3 cây số, lúc đó con ở ngoài đồng luôn. Tới trưa con kiếm bóng mát nào đó con ngồi, lâu lâu con đi rảo coi nó có chạy ra ngoài thì con bắt vô lại. 

Ngày ngày rong ruổi cùng đàn vịt, sở thích của Linh là ăn trứng vịt đắp sình non nướng. Chỉ mới hơn 10 tuổi đầu, chuyện cơm áo gạo tiền đã bắt đầu bủa vây lấy suy nghĩ của cậu bé này. Trong khi với những đứa trẻ khác cùng tuổi, niềm vui có thể là món đồ chơi mới hay một chuyến du lịch cùng cả nhà, còn với Linh thì hoàn toàn khác… 

Được đi lượm hột vịt con rất là vui, con làm công việc này tuy cực nhưng con phải giúp ích được cho mẹ con. Con nghe nói ông cậu trả cho con khoảng 3 triệu. Con thấy số tiền này rất là lớn và rất là vui khi làm được số tiền này để đỡ đần cho mẹ, mẹ khỏi phải tốn tiền cho anh em con học năm sau.

Trong khi cậu bé quê Kiên Giang này đang phải dãi nắng dầm mưa cùng bầy vịt chạy đồng thì cũng có những đứa trẻ khác nơi vùng sông nước Cửu Long đang phải hàng ngày mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, phế liệu tại các bãi rác, như trường hợp của cô bé Nguyễn Thị Tri, trú tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. 

Thật sự nhiều khi đi làm sợ lắm, sợ đạp phải ễn hay kim chích gì đó nhưng cũng phải làm vì cha mẹ không có nghề nghiệp, tụi em cũng phải cố gắng làm để kiếm tiền trang trải việc học với phụ giúp cha mẹ trong gia đình. Em nghe người ta nói mấy người bệnh hoạn người ta chích thuốc người vứt kim, tụi em cũng bị đạp rồi rất là lo sợ vì bệnh thật có thể lây nhiễm qua mình bất kì lúc nào nhưng mà cũng phải ráng mà đi chứ sao. 

Giọng nói của cô bé Nguyễn Thị Tri cất lên giữa ngổn ngang mùi rác bẩn. Em là một trong những đứa trẻ có “thâm niên” với công việc đào bới rác tại khu xử lý rác Tân Tiến (TP Vị Thanh). Đây là khu xử lý rác thải có tổng diện tích 9.000 m2, trung bình mỗi ngày, tiếp nhận xử lí ít nhất là 65.000 tấn rác. Bất kì ai đến đây, chỉ cần đứng bên ngoài quốc lộ 61 đoạn từ Cầu Cái Tư đi Rạch Giá, cách chừng vài chục mét là đã phải bịt mũi khi ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thế nhưng, có một nhóm trẻ sống chung với bãi rác này hơn 5 năm nay. Ngôi nhà của các em là những chiếc lều tạm bợ ngay phía sau bãi rác. Chỉ cần một chiếc cù mốc và 1 cái bao, các em đào bới hết lớp này đến lớp khác, trong khi chẳng ai dám chắc bên dưới lớp rác ấy là rác bẩn hay nguy hiểm gì đang ẩn mình. 

Tri tâm sự vì nhà nghèo, cha mẹ em phải tha hương qua Đồng Tháp Mười làm thuê, để lại mấy chị em Tri. Tri là chị cả nên mới tí tuổi đầu phải lo hết mọi việc. Số tiền 500.000 đồng mỗi tháng cha mẹ gửi về lo gạo mắm cũng chẳng thấm vào đâu cho cuộc sống của mấy chị em. Việc chi tiêu hằng ngày đều lệ thuộc vào việc nhặt phế liệu từ bãi rác bán kiếm tiền. 

Ảnh nh họa

Câu chuyện của em Nguyễn Hoài Linh và Nguyễn Thị Tri chỉ là 2 trong số hàng trăm ngàn trường hợp về tình trạng lao động trẻ em ở nông thôn đang tồn tại trong suốt những năm qua tại ĐBSCL. Không thể phủ nhận lao động trẻ em góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, ít nhiều giáo dục ý thức yêu lao động, tự lập vươn lên. Tuy nhiên, những hệ lụy từ hoạt động này đã và đang đặt ra nhiều nguy cơ cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Do còn non nớt, các em dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất hơn người lớn. Các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, nguy cơ bỏ học cao, chậm phát triển, thiếu tự tin, khó hòa nhập xã hội. Nói về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: 

Nguyên nhân trước tiên phải nói đến là vấn đề nhận thức của các cấp, các ngành, của gia đình, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ đối với vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Nhiều cha mẹ không biết được các nguy cơ khi cho con, em mình lao động. Vấn đề tiếp cận đối với phát triển các kỹ năng về giáo dục, nghề nghiệp của các em cũng bị hạn chế. Hiện nay ở trong các trường chủ yếu tập trung vào việc dạy học, còn việc hỗ trợ để tiếp cận đào tạo nghề còn khó khăn. Công tác về kiểm tra, giám sát đối với vấn đề lao động trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thanh tra, kiểm tra được triển khai nhiều trong thời gian qua nhưng việc thanh tra đầy đủ, nhất là thanh tra trong khu vực phị chính thức chưa được sát sao. Nghèo đói cũng ảnh hưởng rất lớn đến lao động trẻ em. Nhiều gia đình vì nghèo đói, nhận thức, kiến thức hạn chế, vì vậy mà họ vẫn cho con em mình tham gia lao động để kiếm thêm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, tỉnh này hiện có khoảng 400 trẻ em lao động sớm, trong đó có không ít em lao động nặng nhọc, nguy hiểm như: Khuân vác, phụ hồ, hái dừa mướn… Còn tại Bến Tre, số liệu của các huyện, thành phố cho thấy toàn tỉnh có khoảng 400 trẻ em lao động sớm, trong đó có hơn 200 trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gần 200 trẻ còn lại thuộc hộ gia đình khó khăn. Trẻ lao động sớm tập trung ở các ngành, nghề: bán vé số, gói kẹo, đan giỏ, lột hạt điều, đi ghe đánh bắt cá, phục vụ quán ăn, lột dừa, cắt lúa, phụ hồ, lượm phế liệu… Theo ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Những gia đình nghèo không thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho con em mình nên chính sức lao động của các em cũng là nguồn thu nhập, góp phần trang trải cho gia đình và bản thân. 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Nhàn: Bộ Luật Lao động 2012, nguyên tắc là không sử dụng lao động trẻ em vào những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, hoặc những công việc ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, thời gian làm việc cũng không được quá 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Với trẻ dưới 15 tuổi thì không được quá 4 giờ/ngày, 20 giờ/tuần. Người thuê lao động dưới 15 tuổi cũng bắt buộc phải làm những việc theo danh mục Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép. Bắt buộc ký hợp đồng lao động bằng văn bản, không bằng lời nói. Tuy nhiên, từ văn bản đi vào thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhất là tình trạng lao động trẻ em ở vùng nông thôn thì càng khó kiểm soát. Luật sư Nguyễn Văn Nhàn phân tích: 

Thứ nhất là người sử dụng lao động cố tình vi phạm, không báo cáo tình hình sử dụng lao động với cơ quan quản lý, hoặc vì biết rằng người lao động, gia đình họ quá khó khăn, nên người sử dụng vẫn chấp nhận và khi bị một sự cố lao động nào đó, bị phát hiện và xử lý nên mới vỡ lẽ. Một vài quy định tại thông tư 11/2013 vẫn còn hình thức. Ví dụ, Bộ Lao động yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra sức khỏe người lao động 6 tháng 1 lần, nhưng đa phần họ đều không làm được, khó về thời giờ của người lao động và doanh nghiệp khi làm việc này. Sự chủ quan và cả lực lượng mỏng của ngành chức năng, không thể đi kiểm tra hết những doanh nghiệp nghi ngờ là có sử dụng lao động trẻ em. Luật thanh tra lao động cũng bó tay khi không được thanh tra hơn 1 lần trong năm. Chính những nguyên do tôi vừa nên nên dẫn đến những khó khăn khi đi vào thực tiễn.

Rõ ràng, pháp luật đã có những quy định, chế tài trong việc phòng ngừa lao động trẻ em. Thế nhưng, liệu rằng những quy định, chế tài này đã đủ sức răn đe hay chưa? Công tác triển khai, thực thi pháp luật đã thực sự hiệu quả hay vẫn còn theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”? Song song đó, việc chăm lo, đảm bảo đời sống người dân đã được thực hiện như thế nào, để trẻ em không phải lao động sớm?

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà lời giải nằm ngay ở thực tế hiện nay, khi nhiều trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn vẫn đang phải ngày ngày oằn mình với gánh nặng mưu sinh. Điều đó cho thấy những lỗ hổng trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ, đồng thời đánh giá được chất lượng sống thực tế tại một số vùng nông thôn nước ta vẫn đang ở mức rất thấp.