Lời giải cho bài toán đầu tư dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta có khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% dân số. Nếu không có sự chuẩn bị đầu tư ngay từ bây giờ thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ không thể đáp ứng kịp với tốc độ “già hóa dân số” tăng nhanh.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải sớm có lời giải cho bài toán nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với chi phí phù hợp.

Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các trung tâm dưỡng lão hiện nay mới chỉ đáp ứng được 0,001% nhu cầu của người cao tuổi; trong khi ở các nước phát triển, "già hóa dân số" đi trước nước ta thì tỷ lệ người cao tuổi đến các viện dưỡng lão cao hơn rất nhiều.

Hiện cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Đáng lưu ý khoảng 70% số người cao tuổi thường sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất, đa số có bệnh cần được điều trị.

Mặt khác, với các biến đổi xã hội về tâm lý, mô hình gia đình, con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ thì nhu cầu người cao tuổi mong muốn một môi trường đặc thù để được chăm sóc, nuôi dưỡng ngày càng có xu hướng tăng.

Thế nhưng, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hiện chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn với mức phí dịch vụ cao. Còn ở các địa phương, các trung tâm bảo trợ xã hội cũng dành một phần hoạt động để nuôi dưỡng, chăm sóc người già nhưng đối tượng chỉ là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa.

Thực tế này cho thấy, việc xây dựng các quy định pháp lý và một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội hoàn thiện cho xã hội chuyển dần sang già hóa là rất cần thiết, trong đó có hệ thống nhà dưỡng lão.

Theo đó, cần huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi với các chính sách ễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất để các nhà đầu tư có thể đưa ra một chi phí hợp lý dành cho người cao tuổi mà vẫn đảm bảo có lãi.

Ảnh: CIH

Trong các khu đô thị mới, bên cạnh quy định bắt buộc dành quỹ đất cho bệnh viện, trường học, cần bổ sung quỹ đất cho "nhà già" để thuận lợi cho các Trung tâm dưỡng lão mở ra và đón nhận người cao tuổi sinh sống tại đó.

Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như mô hình viện dưỡng lão bán trú (theo ngày). Với mô hình này, người cao tuổi không bị tách rời khỏi gia đình, đời sống tinh thần thoải mái bởi họ sẽ được tham gia nhiều hình thức giải trí phù hợp và được chăm sóc y tế kịp thời song vẫn được sống cùng người thân, còn con cái họ cũng yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tới đội ngũ nhân viên chăm sóc, gắn bó trực tiếp với người cao tuổi. Chúng ta cần đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ này để phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi trong nước chứ không chỉ đào tạo để họ đi lao động xuất khẩu như hiện nay.

Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý của người cao tuổi một cách phù hợp.

Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở nước ta mà cần sớm coi nó là một nghề với các chứng chỉ phù hợp để họ có thể phục vụ tốt hơn cho xã hội.

Từ chỗ thấy được nhu cầu xã hội, dự báo sớm tình hình, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già còn cần được chi tiết hóa với các nghiên cứu, khảo sát cụ thể về số lượng người cao tuổi cần sử dụng dịch vụ, các loại hình dịch vụ chăm sóc mà họ mong muốn cùng khả năng chi trả để xây dựng các mô hình phù hợp.

Đây chính là những bước đi để thích ứng với một xã hội già hóa.

Trong bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, xã hội hóa việc xây dựng nhà dưỡng lão cũng như tạo điều kiện để phát triển mô hình này, giảm chi phí cho người cao tuổi vào sống trong nhà dưỡng lão mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

Và, nhiều chuyên gia dân số cho rằng, việc đó phải tiến hành ngay từ bây giờ.