Loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở miền Tây: Chính quyền có buông lỏng?

Các dự án mọc lên, hình thành, đi vào hoạt động mới bị phát hiện. Khi đó, công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn và nếu như Ngành chức năng không giải quyết rốt ráo, quyết liệt thì sẽ tạo tiền lệ không tốt.

Đến Phường 2, TP Vĩnh Long, ai cũng “lóa mắt” khi nhìn thấy khu phố Khang Thị 1 trệt 2 lầu, số lượng 42 căn, giá chào bán 5 tỷ đồng/căn. Chủ đầu tư đã nhận tiền đặt cọc được một thời gian thì bị tuýt còi vì xây dựng trái phép. Theo hồ sơ, Công ty TNHH địa ốc P&G đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng khu phố Khang Thị trên 6.800m2 đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.

Ngành chức năng đã xử phạt Chủ đầu tư tổng cộng hơn 300 triệu đồng, buộc dừng tất cả hoạt động để phục vụ công tác kiểm tra. Lý giải vì sao cả một khu phố đồ sộ xây dựng trên đất nông nghiệp một thời gian dài mà ngành chức năng không phát hiện, ông Nguyễn Văn Liệt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên môn đã quá lỏng lẻo trong quá trình kiểm tra, để doanh nghiệp vi phạm.

"Khu nhà ở này đã có chủ trương xây dựng và thỏa thuận xây dựng vào năm 2020, sau đó UBND tỉnh ký quyết định cho sang tên và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án này cũng được đưa vào kế hoạch sử dụng đất và nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Chủ trương thì có nhưng khi làm thì Chủ đầu tư không thực hiện các bước tiếp theo (xin giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất_PV). Địa phương chỉ đạo ngưng tất cả việc tiếp tục xây dựng, rao bán. Ngành chức năng làm rõ khu phố này phần nào thuộc quản lý nhà nước, phần nào của doanh nghiệp để xử lý", ông Nguyễn Văn Liệt nói.

Khu phố Khang Thị ( Vĩnh Long) đã xây dựng hoàn thành, rao bán, nhận cọc... xong Ngành chức năng mới "phát hiện" là xây dựng sai phép.

Hay như công trình Nhà hàng Sân Bay tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Khu nhà hàng này được mạng xã hội “tung hô” là sang trọng “bậc nhất Tây Đô” nhưng lại xây dựng trên 1.000m2 đất trồng lúa, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hiện, công trình đã được tháo dỡ hoàn toàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Tương tự, tại Cà Mau, mạng xã hội cũng mấy phen “trầm trồ” về hình ảnh “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” được một hộ dân bỏ ra 200 tỷ xây dựng. Ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, phát hiện căn nhà xây dựng trên 2 thửa đất nuôi trồng thủy sản, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Kết quả là Chủ nhà phải tự nguyện khắc phục tháo dỡ, nếu không, Ngành chức năng sẽ áp dụng phương án cưỡng chế. Hiện căn biệt phủ này đang ngưng mọi hoạt động thi công.

Tháng 6/2022, dư luận cả nước “nóng lên” khi UBND tỉnh Kiên Giang thành lâp Tổ công tác đặc biệt tiến hành rà soát, kiểm tra cưỡng chế 79 căn biệt thự không phép ở khu vực Bãi Trường gây bức xúc trong Nhân dân.

Trước năm 1998, Bãi Trường là khu vực đất cây rừng tự nhiên và được Kiên Giang giao cho UBND xã Dương Tơ quản lý từ năm 2012. Đến năm 2019, “bỗng dưng” UBND xã Dương Tơ phát hiện các cá nhân vào chiếm đất, đổ đường bê tông để phân lô nhưng lại không tìm ra đối tượng vi phạm. Đến năm 2020, trong khu vực xuất hiện 24 căn nhà đầu tiên xây dựng trái phép, trong khi Ngành chức năng đang “loay hoay” công tác xử lý thì con số này đã tăng lên 79 căn vào năm 2022.

Dư luận đặt vấn đề vì sao trên đất nhà nước quản lý mà hàng trăm căn nhà không phép có thể được xây dựng nhanh như thế? Trong số 79 căn biệt thự không phép, có căn đã có người vào ở và có một số căn đang hoàn thiện thì mới được phát hiện và xử lý.

Lúc này, ông Lê Quốc Anh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang cho rằng: 79 căn nhà này của rất nhiều chủ, mỗi người có 3 hetca, 5 hecta, 7 hecta… họ mua giấy tay xong rồi họ phân lô họ bán. Họ bán đúng quy định thì không sao. Mình chỉ cưỡng chế những trường hợp xây dựng trên đất nhà nước, không có giấy phép xây dựng, tự xây dựng trên đất khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì sẽ hình sự hoá, khởi tố bị can. Trước mắt xử lý cho xong 79 căn, sau đó sẽ mở rộng sang các khu khác. Làm sao cả đảo Phú Quốc những sai phạm sẽ được xử lý một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật, thời gian có thể kéo dài nhưng tinh thần là phải làm tới nơi tới chốn, làm cho hết.

Khu 79 căn biệt thự không phép mọc trên diện tích 18 hecta ở TP Phú Quốc từ năm 2020 đến 2022.

Khu phố Khang Thị, Nhà hàng Sân Bay, Biệt phủ Cà Mau có điểm chung là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý và chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Riêng 79 căn biệt thự tại Phú Quốc có trường hợp đã được xác định là chiếm đất để xây dựng. Loạt công trình này là điển hình về tình trạng sai phạm liên quan đến vấn đề đất đai, vấn đề “nóng” trong 2 năm trở lại đây.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách để chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Đáng chú ý là việc giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành kiểm tra, rà soát, xác định vi phạm pháp luật đất đai, tránh tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Thế nhưng, thực tế, vẫn có những công trình bề thế xây dựng không phép trong sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền. 

Từ tháng 6/2022, Tổ công tác đặc biệt thuộc UBND tỉnh Kiên Giang tiến hành rà soát và áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các căn nhà xây dựng bất hợp pháp trên đất do Nhà nước quản lý

Quản lý đất đai là một chế định hết sức quan trọng trong Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua. Người nào thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song trên thực tế, công tác quản lý đất đai hiện nay còn có khoảng cách rất xa so với các quy định của Luật.

Theo tổng hợp sơ bộ của Bộ TNMT và Bộ Tài Chính, giai đoạn 2016-2021, cả nước còn hơn 65.000 hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ hơn 242 tỷ đồng.

Trường hợp khu phố 42 căn nhà mọc lên trên đất lúa ở Vĩnh Long hay “biệt phủ Cà Mau” đã được Chính quyền địa phương thừa nhận là có lỗi của cấp quản lý, thiếu kiểm tra nhắc nhở dẫn đến hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Sự buông lỏng trong quản lý đất đai không những gây thất thoát lãng phí nguồn lực to lớn của xã hội mà còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, là môi trường tha hoá cán bộ công chức, là nguyên nhân làm hỏng, làm mất cán bộ. Đồng thời là thách thức lớn trong việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà Quốc hội mới ban hành.

Để giải quyết tình trạng quỹ đất sử dụng sai mục đích, các tỉnh/thành phải phải vào cuộc ráo riết, điều tra toàn bộ quỹ đất, quỹ nhà của thuộc quyền quản lý của địa phương. Những quỹ đất, quỹ nhà sử dụng gây lãng phí, không đúng mục đích, trái pháp luật thì phải có biện pháp thu hồi ngay để bán đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ cho những công trình phúc lợi công cộng.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, cán bộ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý đất đai, qua đó phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm từ khi mới phát sinh. Cương quyết xử lý dứt điểm các vi phạm tồn tại nhằm giữ nghiêm kỷ cương trong lĩnh vực và quản lý đất đai theo hướng “không có vùng cấm”. Công tác quyết liệt của địa phương trong việc siết chặt quản lý đất đai, nghiêm khắc xử phạt công khai trường hợp vi phạm là cần thiết để thiết lập lại trật tự ở địa phương. Khi đó, mới thật kêu gọi đầu tư thành công.